Ít nhất cho đến nay đã có 18 người bị khởi tố, bắt tạm giam, trong đó ngoài "ông trùm cát" Lê Quang Bình, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty Trung Hậu - Tổng 68, và các thuộc cấp, đáng chú ý còn có cả Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang Nguyễn Việt Trí và bảy cán bộ của sở này bị bắt về tội "nhận hối lộ" và "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Đón nhận tin này, giới khai thác cát ở miền Tây không quá bất ngờ bởi nhiều tháng qua đã quen với cảnh hàng chục cần cẩu, sà lan của Công ty Trung Hậu - Tổng 68 vung gàu thọc sâu xuống đáy sông ngoạm cát thâu đêm suốt sáng náo loạn cả một khúc sông Tiền.
Còn với nhiều người dân cù lao Giêng, xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới (An Giang), nơi Công ty Trung Hậu đang khai thác, thì mừng. Mừng bởi họ từng lo ngại nhà cửa, vườn tược, ao cá sẽ trôi tuột xuống sông vì hàng chục sà lan vung gàu khai thác ngày đêm trong thời gian qua, bà con đã không dưới hai lần kéo ra khu vực khai thác cát của Công ty Trung Hậu phản đối.
Nhiều người từng đặt nghi vấn có sự bao che dung túng của Sở Tài nguyên và Môi trường cho Công ty Trung Hậu tự tung tự tác nhưng tất cả chỉ là nghi vấn, mãi đến mấy ngày nay mới vỡ lở khi cơ quan điều tra công bố việc bắt giữ giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và các cán bộ của sở này "nhúng chàm" nhận hối lộ, làm ngơ cho "ông lớn" Trung Hậu mặc sức khai thác cát.
Lâu nay tình trạng sạt lở bờ sông tại nhiều nơi thường bị cơ quan quản lý và chính quyền đổ thừa cho thiên tai, do biến đổi khí hậu, ít khi nhìn nhận do con người gây ra. Nhưng từ vụ án này cho thấy ngoài yếu tố thiên tai còn có nhân tai (khai thác quá mức). Bằng chứng là theo cơ quan điều tra, Công ty Trung Hậu được UBND tỉnh An Giang cấp phép khai thác tổng khối lượng hơn 1,5 triệu m3 cát để cung cấp cho bốn công trình trọng điểm của tỉnh và quốc gia.
Thế nhưng, ông Lê Quang Bình, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty Trung Hậu - Tổng 68, đã lợi dụng giấy phép khai thác khoáng sản được cấp, chỉ đạo cấp dưới và thuê nhiều người tổ chức khai thác hơn 4,7 triệu m3 cát, vượt trữ lượng được cấp phép trên 3,2 triệu m3, thu lợi khoảng 253 tỉ đồng.
Với việc khai thác như trên, nhiều chuyên gia phải thốt lên: "Không gây nên sạt lở mới là lạ".
Rõ ràng từ vụ án này còn cho thấy đang có những lỗ hổng chết người trong chính cơ quan được giao quản lý nhà nước về cấp phép khai thác cát. Lợi nhuận "khủng" mang lại từ khai thác cát đã làm tha hóa, làm mờ mắt những cán bộ thực thi công vụ. Họ sẵn sàng nhắm mắt làm ngơ để các "ông chủ" doanh nghiệp khai thác tận thu làm giàu, bất chấp hậu quả.
Bởi vậy, ngay lúc này cần xử lý nghiêm các vụ việc khai thác, mua bán hóa đơn lòng vòng nhằm hợp thức hóa cát lậu để răn đe, ngăn các "ông chủ" mỏ cát và cả cán bộ thực thi công vụ làm bậy.
Về lâu dài, cơ quan quản lý các địa phương cần tổng kiểm tra các mỏ cát, trữ lượng của từng mỏ và nhu cầu của các công trình xây dựng cấp bách; yêu cầu các "ông chủ" mỏ cát có trang bị màn hình camera tại các mỏ cát để chính quyền và người dân giám sát việc khai thác đúng ranh giới được cấp phép.
Song song đó cần kiểm soát truy xuất nguồn gốc và đường đi của cát từ mỏ đến công trình để "bịt" cho được việc "đi đêm" giữa các "ông chủ" mỏ cát với cán bộ cơ quan quản lý nhà nước cấp phép khai thác cát. Nếu không thì việc bắt bớ chỉ giải quyết phần ngọn, sẽ còn những ông Trí, ông Bình khác "xộ khám", và tình trạng sạt lở vẫn cứ tiếp diễn chưa thể dừng lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận