Phóng to |
Giữa tháng 6-2012, chúng tôi nhiều lần theo thuyền ngược dòng sông Hương và chứng kiến cảnh tấp nập đò thuyền, sà lan ngang nhiên cắm “vòi rồng” xuống lòng sông Hương hút cát.
Cày nát sông Hương
Đoạn sông từ điện Hòn Chén ngược lên đến ngã ba Bằng Lãng, đi qua địa phận hai xã Hương Thọ và Thủy Bằng đã cắm biển cấm khai thác cát sạn nhưng vẫn có cả trăm chiếc thuyền dàn hàng ngang hút cát. Đoạn sông gần khu vực cầu Tuần từ mờ sáng đã có hàng chục thuyền neo đậu để hút cát, tiếng máy nổ rền vang như một công trường. Những “vòi rồng” cỡ lớn cắm sâu xuống lòng sông hút cát sạn chỉ cách mép quốc lộ 49 chưa tới 10m. Việc hút cát gần bờ diễn ra trong thời gian dài đã làm đoạn sông này bị sạt lở nặng, có nơi nước sông đã tiến sát mép quốc lộ 49.
Trưa 11-6, men theo con đường mòn dọc sông Hương, chúng tôi đến thôn Hải Cát Hạ (xã Hương Thọ) - điểm nóng nhất khai thác cát lậu. Tại đây có khoảng 50 thuyền chia làm nhiều cụm nhỏ đang quần đảo hút cát, tiếng máy nổ rền vang cả một vùng. Bà Mai Thị Lùn (72 tuổi, trú thôn Hải Cát Hạ) cho biết từ nhiều năm nay đoạn sông này lúc nào cũng có nhiều thuyền neo đậu khai thác cát sạn khiến bờ sông bị sạt lở nặng. “Thời gian gần đây, thuyền của những người khai thác cát lậu từ các nơi đổ về thôn này nhiều hơn, máy nổ rầm rập, làng xóm không được phút nào yên tĩnh” - bà Lùn nói.
Mới đây người dân ven sông Hương bức xúc, lo lắng trước việc “cát tặc” dùng hung khí đánh ông Lê Trọng Kim (63 tuổi, thôn Cư Chánh 2, xã Thủy Bằng) trọng thương phải cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế. Ông Kim bị đánh chỉ vì dám đứng ra chống lại việc hàng chục chiếc sà lan lộng hành, khai thác cát sạn trái phép làm sạt lở bờ sông Hương.
Chính quyền bất lực
Ông Mai Văn Xuân, chủ tịch UBND xã Hương Thọ, cho biết nạn khai thác cát bừa bãi diễn ra trong thời gian dài đã làm bờ sông Hương sạt lở nghiêm trọng, có nơi bờ sông sạt lở kéo dài hơn 150m khiến người dân bức xúc. Theo ông Xuân, khi tỉnh tăng cường kiểm tra xử lý, nạn khai thác cát trái phép trên sông Hương có lắng xuống, nhưng thời gian gần đây lại tái diễn phức tạp, nhất là về ban đêm. Lý giải về việc “cát tặc” vẫn lộng hành trên địa bàn, ông Xuân cho rằng do địa phương thiếu phương tiện và công cụ hỗ trợ, lực lượng công an thì mỏng không thể ngăn chặn và xử lý nên xem như bất lực trước cảnh “cát tặc” ồ ạt khai thác cát lậu về đêm.
Tại kỳ họp của HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế vào cuối năm 2011, trả lời chất vấn về việc để “cát tặc” tung hoành trong thời gian dài, ông Phan Ngọc Thọ, phó chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng do chính quyền cấp xã, phường quản lý lỏng lẻo, còn các cơ quan chức năng phối hợp chưa chặt chẽ, chưa rốt ráo. Ông Nguyễn Ngọc Thiện - bí thư tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh - cũng cho rằng tình trạng khai thác cát sạn trái phép kéo dài là sự tắc trách, buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương. Ông Thiện đề nghị UBND tỉnh cần có biện pháp cương quyết hơn để chấm dứt tình trạng này.
Đến ngày 13-6, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế công bố quy hoạch khai thác cát sạn và thông báo thành lập đoàn kiểm tra liên ngành xử lý tình trạng khai thác cát sạn trái phép trên sông Hương. Ông Hồ Đắc Trường, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Thừa Thiên - Huế, trưởng đoàn kiểm tra liên ngành xử lý tình trạng khai thác cát sạn trái phép, cho biết tỉnh đang làm từng bước để tiến đến chấm dứt nạn khai thác cát sạn trái phép trên địa bàn tỉnh, nhất là nạn khai thác “chui” trên sông Hương. “Giải quyết dứt điểm nạn khai thác cát sạn trái phép trên sông Hương là một việc làm rất khó khăn, không thể chấm dứt ngày một ngày hai. Theo tôi, với việc bắt rồi xử phạt “cát tặc” thật nặng chưa phải là biện pháp tốt nhất, điều quan trọng nhất là phải giải quyết được việc làm ổn định cho hơn 400 hộ dân lâu nay sống bằng nghề khai thác cát sạn” - ông Trường nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận