28/09/2022 11:41 GMT+7

Khai phá vẻ đẹp độc đáo của nhiếp ảnh thủ công

HUỲNH VY thực hiện
HUỲNH VY thực hiện

TTO - Giữa lúc nhiều cuộc trưng bày hội họa đang nở rộ và nhiếp ảnh thiếu vắng sự mới mẻ, triển lãm Chloris với sự hài hòa giữa nghệ thuật và kỹ thuật mang đến một câu chuyện sáng tạo độc đáo, thú vị và xứng đáng để thưởng thức.

Khai phá vẻ đẹp độc đáo của nhiếp ảnh thủ công - Ảnh 1.

Công chúng thưởng thức tác phẩm trong triển lãm Chloris - Ảnh: Noirfoto

Trong bộ ảnh mang tên nữ thần hoa trong thần thoại Hy Lạp này, điều gây ấn tượng đầu tiên cho người xem chính là vẻ đẹp mới lạ thoạt nhìn như tranh sơn mài, lại lấp lánh như vàng bạc.

Với các tác phẩm từ hai bộ sưu tập "Bất tử" và "Tái sinh" đang trưng bày trong triển lãm (diễn ra đến ngày 30-9 tại Vy Gallery, 20 Nguyễn Văn Thủ, quận 1, TP.HCM), nghệ sĩ - nhiếp ảnh gia Phạm Tuấn Ngọc đã có một hành trình ngược dòng để khai phá đến tận cùng nhiếp ảnh thủ công, chạm đến sự đồng nhất tuyệt đẹp giữa ý niệm và thể hiện, giữa tác phẩm và chính bản thân nghệ sĩ thông qua kỹ thuật lumen print.

Đây là một kỹ thuật ít người sử dụng trên thế giới, và Tuấn Ngọc là người duy nhất đang thực hành tại Việt Nam.

Hướng đi khác biệt và táo bạo đó đã giúp anh tạo nên những hiệu ứng thị giác ấn tượng cho từng tác phẩm độc bản của mình, khiến hầu hết người xem đều có cùng cảm nhận: bất ngờ, choáng ngợp, tò mò, cứ nghĩ đây là tranh, không thể tin là ảnh...

Nói như nhạc sĩ Đức Trí chia sẻ: "Tôi đứng rất lâu trước nhiều bức như thế. Chloris, hoa của nỗi cô đơn".

* Bén duyên với nhiếp ảnh trong thời gian du học tại Thụy Điển, trở về Việt Nam và mở phòng tối Noirfoto Darkroom để tiếp tục đam mê, nhưng với Chloris, anh lại ngược về nhiếp ảnh thủ công?

- Khởi đầu của mình cũng giống nhiều người, đơn thuần là thích chụp ảnh. Rồi mình thích chụp phim, học rọi ảnh và khám phá ra cả một thế giới các chất liệu nhạy sáng mà mình có thể "chơi" với nó bằng nhiều cách, chứ không chỉ tái tạo những hình ảnh đã chụp trước đó. Có rất nhiều kỹ thuật trong nhiếp ảnh thủ công.

Mình có thể đổ hóa chất lên, vẽ, tô đậm, làm nhạt, không chỉ làm trên giấy mà trên vải, lụa, gỗ, đá... các chất liệu tự nhiên nhân lên vô số. Lúc đầu mình thấy thật không may vì trong nước có mỗi mình làm, chẳng có ai để học.

Nhưng sau đó, mình lại thấy đấy là may mắn. Vì bị bỏ quên, nó trở thành cả một lĩnh vực mới cho mình khám phá, càng tìm hiểu càng thấy hay quá và cứ thế tiếp tục.

* Cái "hay quá" đó là gì mà khiến anh kiên trì theo đuổi dù chỉ có một mình?

- Có lẽ vì tính triết lý trong đó. Khi dùng hóa chất tác động lên các chất liệu để tạo hình ảnh, nó không chỉ chuyển đổi về vật lý mà có cả biến đổi hóa học, không chỉ thay đổi về hình thái mà cả bản chất. Nó biến đổi cái cũ và tạo nên thứ gì đó mới, trong đó có sự ngẫu nhiên.

Ngẫu nhiên không phải là không kiểm soát được, mà phải đủ kiến thức và kinh nghiệm để chủ động tạo điều kiện cho sự ngẫu nhiên đó xảy ra. Và ngẫu nhiên thì không lặp lại, mỗi tác phẩm đều là độc bản, có một không hai. Mình thích điều đó.

Với một nghệ sĩ thị giác như mình, tác phẩm mà không có triết lý thì chỉ đẹp mắt nhưng vô hồn. Hướng đi này cho mình sự phù hợp cả về lớp vỏ lẫn nội dung, cả hồn và xác.

Khai phá vẻ đẹp độc đáo của nhiếp ảnh thủ công - Ảnh 2.

Những bông hoa “sớm nở tối tàn” trở nên bất tử khi được ánh nắng in vào giấy ảnh

* Anh có thể giải thích chi tiết hơn về tính triết lý này trong quá trình thực hành và sáng tạo các tác phẩm cho triển lãm Chloris? Vì sao lại có đến hai bộ tác phẩm khác nhau?

- Cả hai bộ ảnh đều dùng kỹ thuật lumen print (in nắng trên giấy ảnh đen trắng), là kỹ thuật đặt vật thể có nguồn gốc thực vật hoặc động vật lên giấy muối bạc và đem phơi dưới nắng thay vì để lộ sáng rồi xử lý bằng hóa chất trong phòng tối.

Dưới tác động của ánh nắng trực tiếp, các chất liệu nhạy sáng sẽ sinh ra phản ứng vật lý và hóa học, tạo nên những hình ảnh độc đáo, có tính ngẫu nhiên và duy nhất.

Với bộ "Bất tử", mình mang hoa phơi trên giấy muối bạc với mong muốn lưu giữ vẻ đẹp nhất thời của hoa một cách vĩnh cửu. Sau thành công của bộ đầu tiên, mình vẫn chưa thỏa mãn. Có gì đó thôi thúc mình phải khám phá thêm.

Với bộ "Tái sinh", vai trò nghệ sĩ của mình được khẳng định nhiều hơn nhưng cũng "ác" hơn. Mình không giữ cho hoa đẹp mãi, mà "giết" nó, đè nén, thiêu đốt nó dưới ánh nắng dữ dội để tác động đến cái chết và sự hóa thân từ dạng này sang dạng thức khác.

Câu chuyện mình muốn kể là từ một vẻ đẹp như thế, nếu chấp nhận hy sinh, như phượng hoàng đi qua hỏa ngục để tái sinh từ tro tàn, sẽ đạt đến một vẻ đẹp mới của sự hóa thân: dữ dội, mạnh mẽ, không còn là bông hoa hiền lành mà là bông hoa bùng nổ.

* Nhiều người chia sẻ khi ngắm các tác phẩm trong bộ "Tái sinh", họ không thể ngờ đó lại là hình ảnh từ những bông hoa. Đa số đều liên tưởng đến vẻ đẹp sâu thẳm, lắng đọng của đại dương, vũ trụ, không gian, thời gian... Đó có phải là triết lý hóa thân mà anh nhắc đến?

- Mình rất vui khi nhiều người có cùng cảm nhận. Ngoài kỹ thuật lumen print, mình scan hình ảnh lại và phóng lớn lên. Khi đi sâu vào từng nhụy hoa, cánh hoa nhỏ nhất và phóng lên cực lớn, nó lại cho ra hình ảnh trừu tượng như những vì sao, những thiên hà đang bùng nổ.

Trong cái nhỏ có lớn và trong lớn có nhỏ. Trong cái chết có sự sống, và sự sống ẩn chứa lần hóa thân tiếp theo, vừa tuần hoàn vừa tái sinh.

Một tình cờ vừa vặn nữa là ngoài bàn tay nghệ sĩ, những yếu tố tạo thành tác phẩm đều đến từ tự nhiên. Mặt trời cũng là một vì sao đang đốt cháy chính nó để tạo ra ánh sáng. Ánh sáng đó lại đốt cháy hoa và tạo hình.

Rồi hơi nước trong hoa, nhựa hoa tạo nên màu sắc... tất cả đều là yếu tố tự nhiên. Bộ ảnh hội tụ đủ cả Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ (theo phương Đông) hay Đất, Nước, Lửa, Không khí (phương Tây). Càng ngày, các thực hành của mình càng gắn với tự nhiên và mình tìm thấy sự cân bằng trong đó.

Có thể tác phẩm của mình chưa đạt đến mức đó nhưng khi nhìn vào quá trình sáng tạo, mình thấy được những triết lý đáng để suy ngẫm về quá trình hình thành một bông hoa hay cả vũ trụ, từ nhỏ đến lớn, từ chết đi đến tái sinh chứ không chỉ là nhìn đẹp.

Pham Tuan Ngoc 2(Read-Only)

Phạm Tuấn Ngọc (1982) là nhiếp ảnh gia - nghệ sĩ, chuyên gia in ảnh thủ công và cố vấn nhiếp ảnh. Anh là người sáng lập Noirfoto Darkroom-Gallery-Studio dành riêng cho nhiếp ảnh nghệ thuật, nơi anh thực hành sáng tác mọi quy trình tạo ảnh thủ công, trau dồi những kỹ thuật có từ ngày đầu của lịch sử nhiếp ảnh.

Anh còn tổ chức các cuộc triển lãm nhóm, làm người giảng dạy hoặc diễn giả cho các buổi trò chuyện, workshop, portfolio review... về nhiếp ảnh.

Nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt đưa bún cá lên Discovery Nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt đưa bún cá lên Discovery

TTO - “Việt Nam của chúng tôi đã bình yên rồi, mọi nhịp sống đều đã trở lại bình thường như trước khi đại dịch COVID-19 diễn ra. Bạn có thể yên tâm khi đến với quê hương chúng tôi, thưởng thức bún cá và nhiều món ngon khác”.

HUỲNH VY thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp