15/12/2013 07:33 GMT+7

Khái niệm quả cảm nên thoát sự rập khuôn

NGÔ DI LÂN
NGÔ DI LÂN

TT - Tham gia diễn đàn lần này là chia sẻ của một đại diện phái mày râu thuộc thế hệ 9X.

Du học từ năm lớp 8, Ngô Di Lân (sinh 1994) là gương mặt du học sinh tiêu biểu tại Hà Lan với thành tích học bổng toàn phần ĐH Maastricht, đoạt nhiều giải thưởng hùng biện, thể thao trong nước lẫn quốc tế. Anh chàng du học sinh có địa chỉ email “không bao giờ bỏ cuộc” này sẽ nói gì về khái niệm quả cảm cũng như hình ảnh đấng nam nhi ngày nay?

Trong thời bình, theo tôi, quả cảm nên hiểu thiên về mặt ý chí và đừng quá “đao to búa lớn”. Chỉ cần người trẻ có quyết tâm theo đuổi đam mê, dám đấu tranh tới cùng vì cái đúng, có bản lĩnh nhận lỗi và sửa lỗi... là đã đủ để khen ngợi.

Nếu chỉ gắn kết một cách rập khuôn khái niệm quả cảm với những câu chuyện xả thân cứu người có thể dẫn đến những bức xúc nhất định ở người trẻ, vì những giá trị tích cực khác mà họ nỗ lực gầy dựng sẽ dễ bị hiểu lầm là vặt vãnh, không đáng giá...

Dĩ nhiên những tấm gương người trẻ quên mình cứu người hoàn toàn xứng đáng được tôn vinh, vì rõ ràng đó là điều phi thường. Nhưng cái gì cực đoan quá cũng sẽ hóa dở, những lời ca ngợi đó nên dừng lại ở một chừng mực nhất định, để không khiến người trẻ hiểu lầm rằng đó là “kim chỉ nam” duy nhất dẫn dắt họ trở thành đấng nam nhi thực thụ, người quả cảm để rồi có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc sau này. Sự quả cảm nên được giải thích cặn kẽ, khuyến khích đi cùng sự khôn ngoan, cẩn trọng một cách linh hoạt trong từng trường hợp cụ thể thì hành động xả thân đó mới ý nghĩa, lý tưởng nhất.

Có cơ hội đặt chân tới gần 20 quốc gia và trải nghiệm bốn nền giáo dục khác nhau, tôi thấy có độ chênh nhất định trong khái niệm quả cảm, nam tính giữa VN và những nơi khác. Ở phương Tây, chỉ cần bạn dám chọn kiểu sống “ngược dòng” số đông, tham gia những hoạt động tập thể phản đối sự lộng hành của các công ty, tập đoàn có hành vi gây ảnh hưởng cuộc sống dân sinh... là đủ để khiến mọi người dành cho bạn ánh mắt nể trọng. Định nghĩa quả cảm của họ có thể giống người Việt nhưng góc nhìn thì khác, họ hiếm khi đánh giá cao hoặc khuyến khích tinh thần quả cảm bằng mọi giá theo hướng người Việt vẫn làm.

Tương tự, nếu biết tôi là một người có sở thích nấu ăn thì người Việt sẽ ít nhiều nghi ngờ chất “đàn ông” trong tôi. Tuy nhiên, ở nước ngoài người ta lại đánh giá tôi rằng chính việc thích nấu nướng đã khẳng định tôi rất nam tính, dũng cảm khi dám vượt qua những định kiến tầm thường để hoàn thiện bản thân, làm điều bản thân yêu thích.

Phái nam hay phái nữ thời nào cũng phải gánh chịu áp lực, kỳ vọng nhất định từ xã hội. Những kỳ vọng về tinh thần quả cảm là hoàn toàn chính đáng, nhưng sẽ ý nghĩa, thuyết phục hơn nếu không phải là một điều gì đó quá xa thực tế.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

NGÔ DI LÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp