Sáng 15-7, HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 chính thức khai mạc kỳ họp thứ 17 (kỳ họp thường lệ giữa năm) xem xét nhiều nội dung quan trọng về kinh tế, xã hội. Kỳ họp đợt này dự kiến kéo dài trong 2,5 ngày, từ ngày 15 đến ngày 17-7.
Tham dự phiên họp sáng nay có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết kỳ họp lần này các đại biểu sẽ nghe UBND TP báo cáo, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng an ninh 6 tháng đầu năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024; kết quả giải quyết, trả lời đối với kiến nghị cử tri trước và sau kỳ họp thứ 13 HĐND TP.HCM.
Cùng đó HĐND TP sẽ nghe báo cáo về các nội dung như: kết quả thực hiện chủ đề năm 2024; kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 6 tháng đầu năm 2024; báo cáo về tình hình sử dụng khoản chưa phân bổ từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách 16 quận theo nghị quyết 98.
Xem xét các tờ trình liên quan đến quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2024-2025 và các năm học tiếp theo. Cho ý kiến về kế hoạch đầu tư công năm 2025; quyết định chủ trương đầu tư, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án.
Một trong những nội dung trọng tâm tại kỳ họp là HĐND TP sẽ nghe UBND TP báo cáo về đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM (metro) theo kết luận 49 của Bộ Chính trị.
Các ban của HĐND TP.HCM sẽ báo cáo thẩm tra tờ trình của UBND TP; báo cáo của TAND TP, Viện KSND TP.HCM.
Theo chủ tịch HĐND TP.HCM, dù tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng nhất định đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhưng những chính sách, cùng với các giải pháp triển khai của TP đã chuyển biến và đạt một số kết quả tích cực.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng ước tăng 6,46% so với cùng kỳ năm 2023; số doanh nghiệp thành lập mới ước tăng 9,6% về số lượng. Thu ngân sách nhà nước đạt 54,77% dự toán năm, tăng 16,02% so với cùng kỳ.
Các công trình, dự án trọng điểm đã có nhiều chuyển động khả quan, các vướng mắc pháp lý của các dự án đã được tập trung tìm cách tháo gỡ để triển khai thực hiện.
Bà Lệ dẫn chứng các dự án như khởi công tuyến đường sắt đô thị số 2; dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên; dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3…
Nhưng dù gặt hái được nhiều kết quả quan trọng nêu trên, song theo dự báo, 6 tháng cuối năm 2024, TP sẽ tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, cần tập trung các biện pháp tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn, cản trở để thúc đẩy tăng trưởng.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ để có những ý kiến đóng góp sâu sắc, giải pháp chất lượng cho từng nội dung do bí thư Thành ủy đã chỉ đạo tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP; các văn bản luật mới được Quốc hội thông qua; cùng những nghị quyết được thông qua tại kỳ họp lần này.
Qua đó sẽ giúp cho HĐND TP có cơ sở thông qua những nghị quyết bảo đảm đúng quy định của pháp luật, khả năng thực thi cao, sát với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, với niềm tin của đồng bào, cử tri TP.
“Với quyết tâm tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của HĐND, phát huy những kết quả đã đạt được cùng với sự chuẩn bị chu đáo, tôi tin tưởng rằng kỳ họp thứ 17, HĐND khóa X sẽ hoàn thành toàn bộ chương trình, mục tiêu đã đề ra và thành công tốt đẹp”, bà Lệ nói.
UBND TP.HCM trình HĐND tán thành chủ trương sắp xếp 80 phường
Sáng 15-7, tại kỳ họp thứ 17, UBND TP.HCM trình HĐND TP tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2030.
Theo dự kiến phương án sắp xếp đơn vị hành chính, giai đoạn 2023-2030 TP.HCM thực hiện sắp xếp 80 phường. Sau sắp xếp, TP giảm 39 phường.
TP.HCM cũng đã xây dựng 38 phương án sắp xếp các phường của 10 quận gồm quận 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận. Trong đó có 6 phương án sáp nhập 3 phường thành 1 phường, 23 phương án sáp nhập 2 phường thành 1 phường và 9 phương án điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập phường mới.
Theo UBND TP, các phường trên địa bàn TP có diện tích nhỏ nhưng dân số lớn, có xu hướng tăng gấp bội qua từng năm. Sau sắp xếp, khối lượng công việc rất nhiều nhưng chế độ chính sách cho cán bộ không tăng gây áp lực lớn đến công tác quản lý.
Không chỉ vậy, sau sáp nhập, số hộ dân và quy mô dân số mỗi phường rất lớn nhưng cách thức vận hành cũ; chức năng, nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách không thay đổi dẫn đến mục tiêu là không cao.
Bên cạnh đó việc sắp xếp thực hiện trong thời gian rất ngắn, đặc biệt 2023-2025 là giai đoạn TP tập trung thực hiện nghị quyết 98 và sắp xếp khu phố, ấp sẽ làm ảnh hưởng đến việc đưa cơ chế, chính sách vào thực tiễn. Do đó, TP.HCM xây dựng phương án sắp xếp cho giai đoạn 2023-2025 và 2026-2030, thực hiện sắp xếp chung một lần trong giai đoạn hiện nay.
Để đảm bảo tiến độ hồ sơ trình Bộ Nội vụ, UBND TP.HCM đang tiến hành xây dựng đề án sắp xếp, tuy nhiên việc thực hiện cần có thời gian. UBND TP.HCM đề nghị HĐND TP.HCM tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2030. Sau đó, UBND TP.HCM sẽ tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ trình Bộ Nội vụ thẩm định theo quy định.
Hơn 91% cử tri đồng thuận chủ trương sắp xếp phường
Trước đó, UBND TP.HCM đã lấy ý kiến cử tri 80 phường thuộc diện sáp nhập, hơn 91% cử tri đồng ý chủ trương.
Các ý kiến khác tập trung nêu khó khăn trong việc chuyển đổi giấy tờ, địa chỉ sau sáp nhập, đồng thời đề nghị chính quyền hỗ trợ, tạo điều kiện trong việc chuyển đổi các loại giấy tờ sau khi sắp xếp.
Bên cạnh đó, người dân đề xuất việc đặt tên phường mới nên có chọn lọc để ít tác động nhất; sắp xếp trụ sở, bố trí cán bộ kịp thời để thuận tiện khi làm thủ tục hành chính; tăng cường an ninh trật tự, an sinh xã hội, vệ sinh môi trường tại phường mới khi dân số tăng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận