07/09/2021 06:24 GMT+7

Khai giảng xong, phụ huynh Hà Nội... lén lút mua vở, đồ dùng học tập

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - "Nhà bán vở và đồ dùng học tập chỉ mở hé cửa. Chồng tôi ghi ra giấy những thứ cần, người bán cầm giấy vào trong một lát mang ra. Việc mua bán lén lút như phạm pháp".

Khai giảng xong, phụ huynh Hà Nội... lén lút mua vở, đồ dùng học tập - Ảnh 1.

Học sinh Trường THCS Ba Đình (Hà Nội) trong năm học mới - Ảnh: nhà trường cung cấp

Sau lễ khai giảng năm học mới, nhiều phụ huynh tại Hà Nội vẫn lên các group (nhóm) để hỏi nhau cách mua vở, đồ dùng học tập vì ngày 6-9 con bắt đầu học nhưng không mua được những thứ giáo viên yêu cầu phụ huynh chuẩn bị.

Chị H. - phụ huynh ở Cầu Giấy - kể: "Sách vở, đồ dùng học tập không phải thiết yếu nên các nhà sách, cửa hàng văn phòng phẩm không mở cửa. Đặt mua online quá lâu, vợ chồng tôi đành chia nhau đi tìm chỗ. 

Trong siêu thị có bán một số loại vở nhưng chỉ có vở kẻ ngang cho học sinh trung học, không có vở ô li, không có bọc vở, nhãn vở, bút đúng yêu cầu. Cuối cùng, chồng tôi tìm được một địa chỉ".

Mua bán lén lút

Phụ huynh này kể thêm: "Theo người dân chỉ dẫn phải đi vào trong ngõ. Nhà bán vở và đồ dùng học tập chỉ mở hé cửa. Chồng tôi ghi ra giấy những thứ cần, người bán cầm giấy vào trong một lát mang ra. Thôi thì có gì mua nấy. Cần 10 quyển vở mà phải lấy ba loại khác nhau. Việc mua bán lén lút như phạm pháp. 

Thiết nghĩ ngành giáo dục nên có kiến nghị với TP để người dân được mua sách vở cho con đàng hoàng, đảm bảo giãn cách, phòng dịch hơn là cách lén lút này. Nhưng khi không được quan tâm thì phụ huynh đành phải tìm cách để con có sách vở học".

Nhiều phụ huynh khác cũng mô tả các kiểu mua bán lén lút. Thậm chí dựa trên số điện thoại, phụ huynh gọi và chờ ở một điểm, có người bán mang ra; có gì dùng nấy, giá thế nào mua thế đấy, không có cách lựa chọn. 

"Tôi mua được một tệp giấy và hai cái thước kẻ của một cửa hàng mở cửa vội để bán trộm. Nhưng không có bọc vở, không có compa, êke theo yêu cầu của cô giáo mà không biết mua ở đâu" - một phụ huynh ở quận Tây Hồ cho biết.

Một phụ huynh khác ở quận Hoàng Mai cho biết điểm có thể mua sách nằm kẹt giữa hai chốt. Phụ huynh không thể có giấy "thông chốt" để đi mua sách nên đành chịu. Cuối cùng phải nhờ vả từ người bán sách đến các chú canh chốt để chuyền tay lòng vòng mới mua được mấy quyển vở. 

Những phụ huynh đặt sách, vở, đồ dùng qua mạng cũng rất vất vả. Muốn có đủ sách vở, bút, mực, giấy bọc vở, nhãn vở và các dụng cụ khác, phụ huynh phải đặt từ nhiều địa chỉ hoặc cùng một địa chỉ nhưng đặt nhiều lần.

Một phụ huynh ở Hà Nội cho xem hóa đơn điện tử đặt cả chục lần khác nhau mới đủ các thứ cho con. Lý do đơn vị nhận ship chỉ nhận chuyển từng loại. Ví dụ đặt nhãn vở, giấy bọc vở khác, đặt sách, đặt bút mực lại khác, không có combo nào cho tất cả các loại. 

"Tiền ship 40.000 - 60.000 đồng/lần", một phụ huynh chia sẻ. Còn có những phụ huynh cho biết mua 1 tệp vở, riêng tiền ship là 70.000 đồng.

Tăng giá gấp đôi

Theo khảo sát của Tuổi Trẻ, không phải tất cả phụ huynh đều gặp khó khăn. Có một số trường đã khá chu đáo khi lên danh sách những đồ dùng bao gồm sách giáo khoa, vở viết, đồ dùng học tập thiết yếu. 

Mỗi học sinh sẽ được chuyển đến nhà một túi bao gồm những thứ cần thiết cho việc học tập và phụ huynh được thông báo giá tiền nhà trường mua giúp, chuyển khoản. 

Một số trường học cũng thông báo cho phụ huynh nếu gặp khó khăn có thể tận dụng vở viết cũ, những vật dụng thay thế để học trong thời gian Hà Nội đã thực hiện giãn cách, các cửa hàng văn phòng phẩm chưa mở lại. 

Những phụ huynh gặp khó là những người có con học ở những trường chưa có giải pháp quan tâm chu đáo nhưng lại chỉ đạo quá máy móc. Khó khăn của phụ huynh Hà Nội chẳng những không được chia sẻ mà còn bị người kinh doanh tận dụng cơ hội nâng giá cao.

"Hầu như giá các loại vở, đồ dùng học tập đều tăng gấp đôi, hơn gấp đôi bình thường. Ví dụ giá vở kẻ ngang bình thường là 8.500 đồng/cuốn loại 80 trang thì bây giờ là 15.000 đồng/cuốn. Vở loại 300 trang A4 trước chỉ 35.000 đồng/cuốn, bây giờ 54.000 đồng/cuốn" - phụ huynh có hai con đang học phổ thông ở quận Hà Đông cho biết.

"Không có vở thì viết tạm ra giấy một mặt. Không có bút bi nước theo yêu cầu của cô thì viết bút bi thường. Tôi vót cả thanh tre làm thước kẻ cho con rồi. Dịch giã cũng như thời chiến. Phụ huynh cần tự khắc phục. 

Nhưng nhà trường cũng cần chỉ đạo giáo viên hướng dẫn linh hoạt hơn. Không thể cứ đòi hỏi học sinh như lúc thường nhưng TP, các nhà trường lại không quan tâm hỗ trợ" - chị Nguyệt, một phụ huynh, chia sẻ.

Hàng rau thịt bán luôn sách vở

Chị Nguyệt ở khu vực huyện Thanh Trì giáp ranh với Hoàng Mai, một vùng đỏ có nguy cơ cao về dịch bệnh. Chị Nguyệt kể nhiều cửa hàng bán rau, thịt đã nhanh nhạy nhập sách, vở bán kèm.

Nhìn những tệp vở lèo tèo để lẫn trên giá rau quả hay quầy thịt mà buồn, vì người bán cho biết: "Sách vở không phải thiết yếu, nếu không bán kèm rau, thịt thì ai cho mở cửa".

Bộ Giáo dục - đào tạo: Học trực tuyến khó khăn do thiếu thiết bị, thiếu dung lượng đường truyền Bộ Giáo dục - đào tạo: Học trực tuyến khó khăn do thiếu thiết bị, thiếu dung lượng đường truyền

TTO - Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo Hoàng Minh Sơn, đường truyền, thiết bị đang là những khó khăn lớn nhất cho việc triển khai dạy và học trực tuyến cho hơn 20 triệu học sinh, sinh viên hiện nay.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp