Người dân khai báo y tế qua phần mềm trước khi vào Bệnh viện Quân y 175 - Ảnh: HOÀNG LỘC
Ngày 29-4, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) - cho biết thực tiễn khai báo y tế hiện nay phụ thuộc vào sự trung thực của người dân. Do đó không còn cách nào khác ngoài vận động sự trung thực trong khai báo y tế ở mỗi người và tai mắt cảnh giác tố giác từ cộng đồng.
Trường hợp không trung thực điển hình đó là trường hợp sản phụ người Campuchia (mang bầu 33 tuần, bị xuất huyết âm đạo) cùng mẹ ruột chèo xuồng qua sông, nhập cảnh trái phép ở ngõ biên giới An Giang, sau đó đến Bệnh viện Từ Dũ điều trị.
Điều đáng nói là hai người này nhập cảnh trái phép vào Việt Nam từ ngày 20-4. Sau đó bắt xe khách đi TP.HCM, đón xe ôm đến Bệnh viện Từ Dũ. Khi đến khám, người bệnh sử dụng chứng minh nhân dân Việt Nam và không khai báo từ Campuchia về.
Và phải 6 ngày sau (tức 26-4), trong quá trình khám bệnh, nhân viên y tế mới kịp phát hiện bệnh nhân nhập cảnh trái phép, chuyển vào khu cách ly lấy mẫu xét nghiệm.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - phát biểu trong cuộc làm việc với Phó thủ tướng Trương Hòa Bình ngày 28-4 - Ảnh: CTV
Trong thời gian ở bệnh viện đã có 39 nhân viên y tế tiếp xúc với hai mẹ con nhập cảnh trái phép. Nhưng may mắn, kết quả xét nghiệm bước đầu âm tính với COVID-19.
Trước câu hỏi nếu tất cả bệnh nhân đến khám không khai báo trung thực, liệu sẽ ra sao? Bác sĩ Dũng khẳng định: "Sẽ rất khó biết được nếu người dân cố tình khai gian dối. Do đó cần phải tuyên truyền vận động để người dân trung thực, đồng thời cộng đồng cần phải cảnh giác phát hiện, tố giác các trường hợp gian dối".
Ngành y tế TP.HCM cho biết có tình trạng người bệnh nhập cảnh trái phép, sau đó đi trên các chuyến xe công cộng hoặc thuê xe riêng đến các cơ sở y tế để khám bệnh. Qua đó khuyến cáo các cơ sở y tế, kể cả các phòng khám nhỏ, phòng mạch tư và người dân tiếp tục đề cao cảnh giác, nếu phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép kịp thời thông báo xử lý theo quy định.
Từ hiện tượng này, bác sĩ Dũng cũng cho rằng nguy cơ xuất hiện trường hợp tương tự tương đối cao và cần bổ sung quy trình kiểm soát người bệnh có yếu tố dịch tễ từ Campuchia, Thái Lan, Lào...
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 29-4 về hướng xử lý đối với hai trường hợp nhập cảnh trái phép này, đại tá Nguyễn Sĩ Quang - phó giám đốc Công an TP.HCM - cho biết trước mắt chờ cho hai mẹ con hoàn thành quy trình cách ly, lấy đủ số mẫu xét nghiệm. Sau thời gian cách ly, Công an TP.HCM sẽ xử lý về hành vi nhập cảnh trái phép.
"Đây là hiểm họa rất lớn. Do đó tôi khuyến cáo không nên nhập cảnh trái phép, nếu muốn vào Việt Nam tất cả mọi người cần tuân thủ quy định khai báo y tế để được cách ly theo quy định. Chính phủ Việt Nam rất quan tâm, tạo điều kiện đáp ứng nguyện vọng của người nhập cảnh, đồng thời sẽ có các giải pháp đảm bảo an toàn cho cộng đồng" - đại tá Quang chia sẻ.
Đại tá Nguyễn Sĩ Quang - phó giám đốc Công an TP.HCM - Ảnh: MINH HÒA
Theo ông, hiện nay điều khó nhất là người Việt Nam nhập cảnh trái phép. Và để ngăn chặn, ngoài sự giám sát của cơ quan chức năng, cần nêu cao sự cảnh giác, tố giác của cộng đồng.
Theo đại tá Quang, từ đầu năm đến nay TP.HCM xử lý trên 100 trường hợp, bao gồm nhập cảnh trái phép, tổ chức nhập cảnh trái phép, chứa chấp người nhập cảnh trái phép… Trong đó cách đây một tháng Công an TP.HCM đã xử lý hình sự 3 đối tượng trong đường dây đưa 35 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép về khách sạn Symphony (Q.1) lưu trú, sau đó đưa đi An Giang, sang Campuchia.
TP.HCM nguy cơ cao hơn các tỉnh biên giới
Tại cuộc họp kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 ở TP.HCM sáng 28-4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định tuy TP.HCM không tiếp giáp trực tiếp với các tỉnh biên giới nhưng lại là địa bàn trọng điểm, trung tâm của cả khu vực miền Nam.
Do đó nguy cơ xâm nhập dịch bệnh là rất hiện hữu. "Thậm chí qua đánh giá mức nguy cơ, TP.HCM có đầy đủ các yếu tố nguy cơ, cao hơn rất nhiều so với các tỉnh, thành phố khác, kể cả các tỉnh có đường biên với Campuchia" - bộ trưởng cảnh báo. Và theo ông, để ứng phó với tình hình này, TP.HCM bắt buộc phải chủ động kích hoạt toàn bộ hệ thống chống dịch.
Đến hôm nay, TP.HCM đã trải qua 76 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng kể từ ngày 10-2 đến nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận