Hành khách đi xe khách từ Huế, Đà Nẵng vào bến xe Miền Đông (cũ), quận Bình Thạnh (TP.HCM) sáng 17-2 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Gia đình tôi có hai trẻ đang học phổ thông tại TP.HCM. Kỳ nghỉ tết năm nay, cô chủ nhiệm thường xuyên nhắn tin qua Zalo về các ca nhiễm trên địa bàn, kể lịch trình đi lại của các ca nghi nhiễm, vài ca F1.
Tối mùng 1 tết, cô giáo nhắn tin yêu cầu phụ huynh có đưa con về quê, đi khỏi TP.HCM báo lịch trình đi những đâu cho giáo viên báo cáo nhà trường, hạn cuối ngày mùng 3 tết. Bạn bè tôi là giáo viên cũng phải báo cáo cơ quan về việc này.
Mùng 3 tết, các cô lại nhắn tin thông báo về việc học sinh TP.HCM sẽ ở nhà đến hết tháng 2-2021.
Có thể thấy, hoạt động phòng dịch trong nhà trường không nghỉ tết. Thế nhưng, do chưa phải đến trường vào mùng 6 nên đến nay còn nhiều học sinh vẫn đang ở xa chưa về lại nhà. Vì an toàn phòng dịch, dự kiến trước ngày trẻ quay lại trường sẽ có thông báo yêu cầu phụ huynh khai báo trẻ đã đi đâu cho đến hết tháng 2.
Dù có chút phiền hà nhưng rõ ràng ngành giáo dục TP.HCM đã tổ chức sàng lọc nguy cơ lây lan dịch từ khi học sinh còn ở nhà!
Em tôi làm việc tại công ty nước ngoài ở quận 1, công ty rất đông người, làm việc ở tòa nhà cao tầng. Lo nguy cơ lây nhiễm, công ty yêu cầu nhân viên làm việc từ xa sau khi có thông tin các ca lây nhiễm ở sân bay Tân Sơn Nhất (trước khi nghỉ tết).
Gần nhà tôi, không ít trường hợp người lao động phổ thông từ các tỉnh đã trở lại TP.HCM nhưng chưa khai báo y tế (KBYT).
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) kịp thời triển khai việc KBYT ở các bến xe, bến tàu, sân bay... nhưng còn rất nhiều trường hợp về lại TP.HCM bằng xe cá nhân sẽ khai báo thế nào, ở đâu? Điều này nhiều người còn thờ ơ, chưa rõ.
Trong khi việc khai báo lịch trình đi lại trong nhà trường chặt chẽ đến từng ngày thì bên ngoài vẫn còn những khoảng trống cần sự tự giác và trung thực của từng cá nhân và sự quan tâm của cộng đồng.
Bác chủ nhà trọ hàng xóm của tôi đã chủ động phối hợp với cán bộ phường và khu phố vận động người tạm trú KBYT, kể cả những người ở lại thành phố ăn tết. Nỗ lực của bác đã góp phần giúp ngành chức năng phát hiện được một trường hợp F2 để có hướng giải quyết.
Tâm lý phổ biến nhất của không ít người dân đó là "ngại" kể chi tiết hành trình trong kỳ nghỉ tết. Một bộ phận vẫn còn thờ ơ, xem thường việc này.
Thực tế cho thấy hàng trăm ngàn công nhân, sinh viên ở lại thành phố ăn tết, ai cũng đi đó đi đây và những tiếp xúc nay mai khi thành phố đông người từ các tỉnh là điều rất đáng quan tâm.
Do vậy, việc KBYT rất quan trọng để giúp truy vết các trường hợp F0, F1, F2... Sau tết, việc đi lại qua những địa phương khác nhau, nguy cơ tiếp xúc gần với người mang mầm bệnh là khó tránh.
KBYT và khai báo trung thực, đầy đủ trước là để bảo vệ mình và giữ yên tâm cho cộng đồng. Trong lúc chờ nguồn vắcxin ngừa COVID-19, có một "kháng thể" có sẵn trong mỗi người đó là ý thức.
Việc triển khai hướng dẫn, động viên, giám sát người dân KBYT không chỉ trông chờ vào ngành y tế. Và tuyệt đối tránh tình trạng đối phó, khai báo gian dối.
Qua công tác truy xét, cơ quan chức năng liên ngành (gồm cả ngành công an) đã phát hiện một số cá nhân cố tình trốn KBYT, xử phạt người trốn cách ly. Các cơ sở kinh doanh lưu trú cần tích cực phối hợp giúp cơ quan chức năng truy dấu, tìm nguồn lây (nếu có).
Tài xế xe khách tỉnh Bắc Giang khai báo y tế tại bến xe Ngã Tư Ga, quận 12, TP.HCM chiều 17-2 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
"Tấm lá chắn" giúp tự bảo vệ mình đang nằm trong nhận thức của mỗi người. Biết phát huy tác dụng của nó sẽ đồng nghĩa với đẩy lùi được dịch bệnh.
Vậy nên, chủ động KBYT, tự sàng lọc nguy cơ cho mình và thông báo đến ngành y tế là điều ai cũng phải có trách nhiệm để giữ an toàn cho cả cộng đồng. Nhất là ở những nơi rất đông người trở lại từ mọi miền đất nước sau Tết Nguyên đán như Hà Nội, TP.HCM.
Giảm nguy cơ "lọt lưới"
Có thể thấy dịch bệnh COVID-19 ở TP.HCM thời gian qua được kiểm soát khá tốt bởi sự nỗ lực triển khai thực hiện khai báo y tế (KBYT) đồng bộ. Nhờ đó, tốc độ truy vết và tốc độ xét nghiệm được thực hiện một cách "thần tốc" mới có cơ hội khống chế nguồn lây.
Mới đây, ngành y tế thành phố tiếp tục có các hướng dẫn siết chặt KBYT để giám sát người từ các vùng dịch trong nước sau đợt nghỉ tết ở sân bay, nhà ga, bến xe, khu công nghiệp - khu chế xuất, trường học, cơ sở khám chữa bệnh, địa bàn dân cư...
Điều này cho thấy TP.HCM đã rất chủ động ứng phó với các nguy cơ tiềm ẩn từ các vùng dịch (phía Bắc, Tây Nguyên).
Thế nhưng dù có kiểm soát chặt cỡ nào, nguy cơ "lọt lưới" dịch bệnh vẫn có thể xảy ra, nhiều khi từ một trường hợp đi về từ vùng dịch không thực hiện KBYT hoặc khai báo không đầy đủ.
Thông tin KBYT của mỗi người được xem là "hàng rào", là cơ sở dữ liệu đầu tiên để cơ quan y tế vào cuộc truy vết một cách nhanh nhất có thể.
Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, ai cũng phải đi lại, giao lưu, tiếp xúc. Một ngày nào đó "nằm trong diện nguy cơ" là điều hoàn toàn có thể xảy ra với bất cứ ai. Tôi khuyên mỗi người hãy xem đó là việc bình thường, hãy chủ động nắm rõ lịch trình di chuyển tiếp xúc của mình để trung thực KBYT đầy đủ.
Điều này xét về lợi ích trước tiên là bảo vệ sức khỏe chính bản thân mình, gia đình, sau đó là cộng đồng xã hội.
Trong bối cảnh thông tin như hiện nay, với việc công khai các khu vực nguy cơ và "con mắt" của người dân thì một người đi từ vùng dịch về sẽ không thể giấu được cộng đồng.
Quy định hướng dẫn đã có, thậm chí nêu rất kỹ các mức độ nguy cơ, do đó việc cần thiết là trung thực KBYT của mỗi người dân. Bởi một người không tự giác khai báo, nếu phát sinh dịch bệnh thì chính người đó sẽ lãnh hậu quả nặng nề đầu tiên.
Bác sĩ TRƯƠNG HỮU KHANH
(chuyên gia truyền nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM)
H.LỘC ghi
Sức khỏe trên hết
Nghịch cảnh COVID-19 có thể khiến ta chậm lại bước chân cùng bao lo âu. "Bóng ma" dịch bệnh bủa vây thế giới hơn một năm nay, bao cuộc đoàn tụ đã hoãn. Nhà nhà khốn khó bởi công ăn việc làm bấp bênh, tổn thất thu nhập.
Một cái tết đặc biệt đã qua. Người ăn tết tại gia, người "bó chân" ở nơi phong tỏa. Có những đứa trẻ đón tết trong khu cách ly, xa vòng tay gia đình... Nhưng dù thế nào cũng phải chọn cho mình một tâm thế bình thản đón nhận hiện thực này. COVID-19 như một thử thách đo lòng kiên trì và ý chí quyết tâm!
Tôi còn nhớ như in bao người bước ra từ mấy đợt giãn cách xã hội trong năm qua đã mừng vui và trân quý sự bình yên quay trở lại nếp sống thường nhật.
Chúng ta đã qua thời gian toàn dân đồng lòng "ở nhà là yêu nước". Tháng ngày rảnh rỗi tưởng sinh nông nổi lại hóa ngày dài trong trẻo... Những mái nhà rộn vang tiếng cười khi cha mẹ có thời gian gần gũi con cái nhiều hơn. Sau khó khăn có những người tìm sinh kế mới.
COVID-19 đã cùm chân bao người ở nhà nhưng chẳng thể trói buộc lòng người ngừng yêu thương, quan tâm, sẻ chia giữa khốn khó. ATM gạo, xe buýt khẩu trang cùng muôn triệu trái tim hướng về tâm dịch là minh chứng hùng hồn cho sức dân bền chặt!
Tết Nguyên đán Tân Sửu giản tiện hết mức có thể từ khâu mua sắm, thăm viếng, tiệc tùng... cũng chính là góp sức cho bình yên. Tiết kiệm hơn sau một năm khó khăn, giảm bớt những gặp gỡ hình thức, giảm tiệc tùng say sưa...
Chúng ta đã sống chững lại và sẽ sống chậm lại một thời gian nữa. Chỉ cần mỗi người góp thêm chút ý thức cộng đồng, thực hiện nghiêm túc quy định phòng dịch 5K và sống với tâm thế chủ động... Mọi khó khăn sẽ qua khi sức khỏe cộng đồng được ưu tiên hàng đầu.
THANH NGUYỄN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận