Ngày 30-6, tại An Giang, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư An Giang, TikTok Việt Nam tổ chức phiên livestream bán hàng OCOP tỉnh An Giang với sự tham gia của nhiều nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok.
Trong đó, có nhiều TikToker có tầm ảnh hưởng lớn và người dùng theo dõi đông đảo như Thiện Nhân, Hằng Du mục, Phương Oanh Daily…
Một giờ livestream cả trăm đơn hàng
Theo ghi nhận, chỉ trong hơn 2 giờ livestream, lượng lớn hàng hóa đặc sản, sản phẩm OCOP của 22 chủ thể (cơ sở, doanh nghiệp) như đường thốt nốt, mắm cá linh, khô cá lóc… đã thu hút đông đảo lượt người xem với hàng nghìn đơn hàng cũng đã được khách "chốt đơn".
Mới mở bán livestream trên nền tảng TikTok, bà Trần Thị Kim Loan, chủ cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ thốt nốt Tường Vy (An Giang), vui vẻ cho biết chỉ trong vòng 1 giờ đã bán được hơn 100 đơn hàng, trong đó đa phần là đũa thốt nốt, đường thốt nốt.
Tương tự, các sản phẩm của nhiều chủ thể khác như yến sào thốt nốt, tương hột thốt nốt, gạo ST25, mật ong tràm, trà sâm bạch thảo... cũng được hàng nghìn khách hàng chốt đơn khi xem livestream.
Nhiều mặt hàng phù hợp thương mại điện tử
Ông Lê Trung Hiếu, giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư An Giang, cho biết toàn tỉnh có 120 sản phẩm đạt OCOP, và phấn đấu hết năm nay sẽ lên khoảng 200 sản phẩm.
Tuy vậy, ông Hiếu thừa nhận do các sản phẩm OCOP thường sinh ra từ làng nghề, và người làm ra là nông dân nên quy mô sản xuất nhỏ lẻ, khâu thương mại, bao bì, bán hàng qua mạng còn nhiều hạn chế.
"Địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc đào tạo, kết nối để nâng cao năng lực cho các chủ thể OCOP, đặc biệt sẽ tính toán đến việc tăng ký kết với đơn vị vận chuyển để hỗ trợ đưa hàng hóa về các địa điểm trung tâm, từ đó tạo điều kiện để việc bán hàng được thuận lợi", ông Hiếu nói.
Theo ông Nguyễn Lâm Thanh - đại diện TikTok Việt Nam, chương trình hỗ trợ các sản phẩm OCOP hiện đã đi qua 30 tỉnh, thành và nhận thấy có rất nhiều sản phẩm hay, phù hợp để kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử.
"Thời gian tới, chương trình sẽ phát triển theo chiều sâu để nông, đặc sản địa phương được nhiều người biết đến và bán được giá cao hơn, cải thiện thu nhập cho bà con".
Trong khi đó, đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ các tỉnh thành trong việc tăng bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử. Đặc biệt, đang hướng tới hỗ trợ thêm nhóm sản phẩm từ làng nghề, đặc sản để phục vụ xuất khẩu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận