02/06/2020 20:38 GMT+7

Khách trung lưu, bình dân chưa nhiều, cần kích cầu du lịch cao cấp?

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Ngay sau dịch kết thúc, nhóm du khách đi các tour, sản phẩm du lịch cao cấp hưởng ứng kích cầu du lịch rất sôi nổi, trong khi khách trung lưu và bình dân vẫn còn tâm lý e ngại, chờ đợi giảm giá nhiều hơn nữa mới quyết định.

Khách trung lưu, bình dân chưa nhiều, cần kích cầu du lịch cao cấp? - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi tọa đàm Phát huy vai trò của truyền thông trong chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" - Ảnh: N.BÌNH

Chiều 2-6, tại tọa đàm Phát huy vai trò của truyền thông trong chương trình Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam do Sở Du lịch TP.HCM, Hội Nhà báo TP.HCM, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Hữu Thọ, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết đang có 3 kịch bản với 3 thời điểm mở cửa của ngành du lịch là tháng 6, tháng 9 và tháng 12. 

Trong tất cả kịch bản này, du lịch Việt Nam có bung hết cỡ cũng chỉ có thể đón hơn 34 triệu lượt du khách nội địa, tổng thu du lịch cả năm 2020 đạt 261.600 tỉ đồng, tương ứng khoảng 1,1 tỉ USD, giảm 68% so với năm 2019.

Với du lịch quốc tế, tình hình còn bi quan hơn do còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của các nước. Trường hợp lạc quan nhất, nếu Việt Nam có thể mở cửa du lịch quốc tế từ tháng 9 thì lượng du khách quốc tế ước giảm 75%, chỉ còn khoảng 4,6 triệu lượt. 

Đây là con số khiêm tốn so với kế hoạch trước đó của ngành du lịch Việt Nam là sẽ đón 92 triệu lượt khách nội địa, trên 20 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2020. "Dù kịch bản nào thì du lịch nội địa cũng sẽ hồi phục trước tiên và đây là thị trường cần kích cầu lúc này", ông Thọ nhấn mạnh.

Theo quan sát của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiện thị trường du lịch đang chia rõ ba nhóm cao cấp, trung cấp và bình dân. Trong đó khách cao cấp hưởng ứng du lịch kích cầu tốt sau dịch, nhưng thị trường du lịch rất đa dạng và cần những sản phẩm cụ thể cho nhiều đối tượng khác nhau.  Dòng sản phẩm tour du lịch nội địa trung và bình dân lại đang khá hiu hắt do người dân gặp khó khăn kinh tế sau dịch, tâm lý e ngại dịch vẫn còn.

"Tôi đi thực tế với các doanh nghiệp thì thấy nhiều villa hạng sang với giá vài chục triệu đồng/đêm đều được khách theo nhóm gia đình đặt. Công suất của nhiều resort hạng sang đạt đến 80-90% trong ngày cuối tuần, giữa tuần cũng được 60%.  Kích cầu du lịch thì phải đến được với 3 đối tượng khách cao cấp, trung lưu, thu nhập thấp. Chúng ta có cần tập trung kích cầu du lịch cao cấp không? Truyền thông phải làm sao đến đối tượng đang chần chừ, ngần ngại chưa dám đi du lịch", ông Thọ đặt vấn đề.

Ông Võ Anh Tài, phó tổng giám đốc Saigontourist Group, cho biết các chương trình kích cầu của Saigontourist Group hiện nay giảm giá sâu nhưng cam kết không giảm dưới giá thành, không cắt bớt dịch vụ. Bên cạnh đó, còn có những gói dịch vụ giữ nguyên giá nhưng tăng thêm chất lượng, tiện ích cho du khách.

Từ thực tế hiện nay các địa phương đang kêu gọi, thu hút du khách đến địa phương mình, ông Tài cho rằng cũng đến lúc TP.HCM có chiến dịch riêng. Ông Tài đề xuất một chiến dịch Người Sài Gòn đi du lịch Sài Gòn, giúp người dân không chỉ trải nghiệm các dịch vụ lưu trú đẳng cấp mà còn nhiều khám phá điểm mới của du lịch.

"Báo Tuổi Trẻ đã có chương trình Ấn tượng Việt Nam thì chúng ta cũng có thể nghiên cứu "Ấn tượng Sài Gòn" với chiến dịch "Người Sài Gòn đi du lịch Sài Gòn". Qua nhiều khảo sát cho thấy vẫn còn nhiều người Sài Gòn chưa biết hết những cảnh đẹp, địa điểm của TP mình đang sống", ông Tài nói và gợi ý hướng truyền thông mới cho quá trình hồi phục du lịch sau dịch của TP.HCM là không chỉ hướng đến người Việt Nam, mà người nước ngoài đang sống ở TP.HCM cảm thấy an toàn, theo các tiêu chí an toàn đã được Tổng cục Du lịch ban hành.

Khách trung lưu, bình dân chưa nhiều, cần kích cầu du lịch cao cấp? - Ảnh 2.

Nhiều ý tưởng quảng bá du lịch TP.HCM như "Người Sài Gòn du lịch Sài Gòn" - Ảnh tư liệu TT

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, tổng giám đốc Vietravel, cũng đồng tình với đề xuất Người Sài Gòn du lịch Sài Gòn. Hiện nay, Vietravel đã có Saigon Free Walking Tour kéo dài trong hai giờ, giúp du khách tản bộ khám phá TP.HCM về chiều. 

"Trải nghiệm khám phá thành phố thong dong khác với đi xe máy hay xe buýt, tour rất hấp dẫn khách quốc tế và đem lại góc nhìn mới mẻ về Sài Gòn", ông Kỳ cho biết. 

Ông Ngô Minh Đức, chủ tịch Tập đoàn HG, cho rằng với tình hình hiện nay, du lịch quốc tế của Việt Nam phải đến cuối năm 2021 mới thực sự hồi phục. Lúc này các dịch vụ, sản phẩm của công ty đang tạm ngưng thị trường quốc tế, quay về thị trường nội địa. 

"Mỗi năm chúng tôi phục vụ khoảng 100.000 khách quốc tế, chủ yếu khách châu Âu. Bây giờ quay lại thị trường nội địa nhưng muốn hồi phục, chúng ta cần có cách đối xử tích cực. Làm sao để du khách không quá lo lắng, tùy địa điểm mà có triển khai các biện pháp an toàn khác nhau, tránh cảm giác e ngại, nặng nề cho du khách, lúc đó du lịch mới phát triển được", ông Đức nói.

thechu2

Ông Lê Thế Chữ, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, chia sẻ các ý kiến tại diễn đàn - Ảnh: N.BÌNH

Ông Lê Thế Chữ (tổng biên tập báo Tuổi Trẻ):

Phải đánh tan nghi ngại an toàn hay không an toàn của du khách

Chúng ta tập trung thúc đẩy thị trường du lịch nội địa trong bối cảnh còn nhiều khó khăn. Tôi vừa gặp chủ một resort ở Hội An, ông cũng phải chia tay 200 nhân viên vì không thể gắng gượng được.

Các doanh nghiệp nói họ gồng hết nổi, nhiều điểm đến nổi tiếng của du lịch Việt Nam vẫn đang vắng khách. Trong lúc này, hàng không và du lịch như "vợ với chồng" làm sao kết nối, thúc đẩy tần suất các chuyến bay lớn hơn, tung ra các gói giảm giá nhiều hơn sẽ kéo được du khách.

Khó khăn của ngành du lịch sau dịch là người dân thắt chặt chi tiêu hơn, tâm lý e ngại dịch vẫn còn. Làm sao đánh tan nghi ngại an toàn hay không an toàn của du khách lúc này? Vai trò truyền thông làm sao để người dân thấy được các giá trị an toàn mà Việt Nam đã đạt được và yên tâm đi du lịch.

Cách đây 6 ngày, báo Tuổi Trẻ phối hợp với tỉnh Quảng Nam phát động diễn đàn "Ấn tượng Việt Nam" tại miền Trung, như một cú hích cho du lịch miền trung. Thời gian tới, báo sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Du lịch TP.HCM thúc đẩy quảng bá du lịch TP, tổ chức những sự kiện mang tính kết nối người tiêu dùng, cộng đồng.

TP.HCM sắp tung ra chiến dịch "Hello Ho Chi Minh City", Đà Nẵng cũng có chiến dịch "Thank you Đà Nẵng", tương tự các địa phương khác cũng có những chương trình kích cầu riêng, cần có sự kết nối các chương trình này lại, tăng thêm giá trị cho người tiêu dùng.

Từ trong những ngày còn giãn cách, báo Tuổi Trẻ đã suy nghĩ làm gì để cùng doanh nghiệp vượt khó, hồi phục kinh doanh sau dịch và chúng tôi tiếp tục hết sức đồng hành, chia sẻ cùng các doanh nghiệp góp phần hồi sinh du lịch Việt Nam và phát triển kinh tế thời gian tới.

Diễn đàn du lịch Ấn tượng Việt Nam do báo Tuổi Trẻ phát động tổ chức, với sự đồng hành của: Vinpearl, Hãng hàng không Vietjet Air, Tổng công ty Saigontourist. Diễn đàn gồm các chương trình truyền thông, cuộc thi dành cho bạn đọc và các sự kiện tại nhiều địa phương trên cả nước. Diễn đàn mong nhận được nhiều ý kiến hiến kế đóng góp, các bài dự thi của độc giả cả nước. Bài dự thi xin gửi về: [email protected].

Khách trung lưu, bình dân chưa nhiều, cần kích cầu du lịch cao cấp? - Ảnh 6.
Nhật Bản nhất trí thảo luận khôi phục đi lại với Việt Nam Nhật Bản nhất trí thảo luận khôi phục đi lại với Việt Nam

TTO - Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi đã nhất trí việc hai nước tiến hành các cuộc thảo luận để có thể khôi phục việc đi lại giữa hai nước trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Việt Nam vào ngày 1-6.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp