Lượng khách du lịch quốc tế và doanh thu không như kỳ vọng, nhiều khách sạn ở trung tâm TP.HCM cũng đành chấp nhận đóng cửa, rao bán hoặc thay đổi công năng.
Khách sạn trung tâm: Nơi ngừng hoạt động, nơi thay đổi công năng
Thời gian qua, người dân đi ngang khu vực phía trước UBND TP.HCM đã không còn thấy tấm bảng hiệu quen thuộc của khách sạn 4 sao Norfolk ở số 117 Lê Thánh Tôn (quận 1). Trên trang web chính thức ngày 25-5, Norfolk chạy dòng thông báo sau 30 năm, khách sạn này đã khép lại hành trình phục vụ khách hàng.
Hiện tại, các cánh cửa của khách sạn này đã khóa chặt, bàn ghế bên trong được sắp xếp gọn gàng nhưng không còn bất kỳ thông tin nào liên hệ.
Norfolk là một trong những khách sạn liên doanh giai đoạn ngành du lịch mở cửa đón khách quốc tế. Trước khi đóng cửa, nơi đây có 104 phòng khách sạn với những dịch vụ tiện ích khác.
Kế bên Norfolk, một dãy các mặt bằng cũng treo biển cho thuê, trong khi một khách sạn sát đó cũng tạm thời chưa hoạt động.
Còn tại con đường đắt đỏ Đồng Khởi, nằm lọt giữa hàng loạt cửa hàng treo biển cho thuê mặt bằng là khách sạn Catina Saigon đã "cửa đóng then cài". Hiện khách sạn 5 tầng này đã ngưng hoạt động hoàn toàn, khu vực tầng trệt đã bị dán chi chít các thông báo cho thuê nhà và bị vẽ bậy loang lổ.
Còn tại đường Lý Tự Trọng, một khách sạn tên T.T. vẫn treo biển cho thuê gần 3 năm qua. Từ lúc COVID-19, vị khách thuê trước đã trả lại khách sạn nên chủ mặt bằng này sửa sang phòng ốc và treo biển cho thuê. Tuy nhiên, đến nay khách sạn 5 tầng với 19 phòng này vẫn chưa hoạt động trở lại.
Cũng trên trục đường này, khách sạn 4 sao Lavender đã đóng cửa sau COVID-19 và hiện đang chuyển đổi công năng.
Nhiều khách sạn bị rao bán
Tại các con đường chuyên cho khách Tây lưu trú, nhiều khách sạn cũng đã tháo biển hoặc ngưng hoạt động trong nhiều tháng qua. Trong khi đó, nhiều khách sạn đang được rao bán, cho thuê trên các sàn giao dịch điện tử chuyên về bất động sản.
Cụ thể, ông L. hiện rao bán một khách sạn 8 lầu tại quận 1 với giá 138 tỉ đồng. Hiện khách sạn này còn hợp đồng cho thuê trong 2 năm với giá hơn 400 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, ông N. rao bán khách sạn 3 sao với 12 tầng, giá bán 265 tỉ đồng. Với các khách sạn nhỏ và thấp tầng hơn, nhiều khách sạn đang được rao với giá dưới 100 tỉ đồng, phổ biến ở mức 35-60 tỉ đồng. Không ít trong số khách sạn đang rao bán đều cho biết giấy chứng nhận đang "cắm" ở ngân hàng.
Từ cuối năm 2020 đến nay, làn sóng rao bán vẫn âm ỉ khi các khách sạn vắng khách quốc tế, kinh doanh ế ẩm.
Theo một chuyên gia bất động sản, nhiều chủ khách sạn phải đi vay ngân hàng để kinh doanh hoặc thuê lại mặt bằng, nên trong thời buổi khó khăn phải sang nhượng, bán tài sản.
Đặc biệt, các khách sạn doanh thu chủ yếu đến từ khách nước ngoài thì lại càng khó khăn bởi du khách đến Việt Nam chưa sôi động và đều như trước.
Theo báo cáo về thị trường khách sạn tại TP.HCM vào quý 1, Savills cho biết công suất phòng tại các khách sạn ở TP đã tăng, đạt 68%. Trong đó, nhu cầu tăng từ khách du lịch và công tác giúp cải thiện tình hình hoạt động ở tất cả các phân khúc khách sạn. Doanh thu dịch vụ lưu trú của TP trong quý đã tăng 29% theo năm, số lượt khách quốc tế giảm 54% so với quý 1-2019.
Mặc dù tình hình hoạt động vẫn chưa đạt được mức trước dịch vào năm 2019, nhưng Savills nhận định thị trường này sẽ có những triển vọng tích cực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận