Các doanh nghiệp và địa phương cũng đang tích cực xúc tiến, xây dựng các sản phẩm du lịch mới để đón làn sóng khách ngoại cuối năm nay và các năm sắp tới.
Bùng nổ khách quốc tế đến miền Trung
Sau thời gian dài ảnh hưởng bởi COVID-19, từ đầu năm tới nay các địa điểm tham quan mua sắm trong khu phố cổ Hội An (Quảng Nam) chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ với lượng khách mua vé đạt trên 2,5 triệu lượt.
Hàng loạt tiệm ăn, nhà hàng, quầy mua sắm đồ lưu niệm, vải vóc... trong khu phố cổ mở cửa kinh doanh sầm uất trở lại.
Trong khi đó, khu đền tháp Mỹ Sơn cũng chứng kiến sự trở lại của dòng khách quốc tế. Ông Nguyễn Sơn Thủy - giám đốc Công ty du lịch Duy Nhất Đông Dương - cho biết từ đầu năm tới đón rất nhiều đoàn khách nước ngoài, tăng mạnh mẽ nhất là khách Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ...
Trong khi đó, với nhiều sự kiện lớn liên tục tổ chức trở lại sau thời kỳ đóng cửa, ngành du lịch - dịch vụ Đà Nẵng đã có đóng góp rất lớn vào sự phục hồi kinh tế địa phương.
Theo ghi nhận, thị trường khách ngoại phục hồi tích cực nhất là khách Hàn Quốc khi nhiều thời điểm chiếm tới 50% khách quốc tế tại địa phương này.
Theo đánh giá, khách Hàn Quốc bạo chi, lại có xu hướng du lịch tập trung vào các hoạt động nghỉ dưỡng, làm đẹp nên Đà Nẵng đã có sức hút rất lớn. Đặc biệt là với các bãi tắm đẹp, các dịch vụ chăm sóc cơ thể và khu nghỉ dưỡng đẳng cấp thế giới.
Tuy nhiên để tránh bỏ trứng vào một rổ, ngành du lịch Đà Nẵng cho biết trong thời gian tới sẽ đa dạng hóa nguồn khách đến từ nhiều thị trường.
Trong đó sẽ xúc tiến mở các đường bay lớn từ thị trường tỉ dân Ấn Độ, các đường bay với Thái Lan và các nước Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, mở đón các tuyến tàu du lịch biển cùng với các đường hàng không. Mới đây nhất, tàu biển Resorts World One trở lại cảng Tiên Sa đưa gần 1.800 khách quốc tịch Anh, Úc, Canada, Hong Kong (Trung Quốc), Malaysia... đến thăm Đà Nẵng.
Nâng mục tiêu du lịch 2023
Theo Tổng cục Thống kê, chín tháng đầu năm du lịch Việt Nam đã đón hơn 8,9 triệu lượt khách quốc tế. Nhiều điểm đến như Hà Nội, Quảng Ninh, Hội An, Nha Trang ghi nhận lượng khách tăng vọt.
Ba tháng cuối năm là thời điểm du lịch bước vào mùa đón khách quốc tế, những tín hiệu đáng mừng từ lượng khách đến giúp các doanh nghiệp Việt thêm tự tin vào thị trường du lịch cuối năm.
Theo tính toán của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), với tình hình khả quan như hiện nay, Việt Nam có thể nâng mục tiêu đón khách du lịch quốc tế lên ít nhất đón 10 - 12 triệu lượt khách trong năm 2023, mức tăng tương ứng với các nước trong khu vực.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Hoài Thu - phó giám đốc Lữ hành Saigontourist chi nhánh Hà Nội - cho biết sau nhiều hoạt động xúc tiến đến các thị trường khách quốc tế châu Âu và châu Mỹ, lượng khách quốc tế đã đặt các sản phẩm, dịch vụ du lịch của Saigontourist tăng 30% so với cùng kỳ năm 2022.
"Đặc biệt, với chính sách mới của Việt Nam, thời gian lưu trú được tăng lên, chúng tôi cũng đã thông báo cho du khách.
Việc thời gian lưu trú kéo dài giúp du khách có thêm nhiều thời gian trải nghiệm. Thay vì chỉ đi gọn vài điểm đến, du khách có dư dả thời gian hơn để trải nghiệm thêm nhiều nét văn hóa của Việt Nam đặc sắc và mới lạ", bà Thu cho hay.
Còn ông Bùi Thanh Tú - giám đốc marketing Công ty du lịch Bestprice - cho biết hiện công ty đã nhận được các đơn hàng từ khách quốc tế đến tháng 5-2024 và tin tưởng du lịch Việt trong thời gian tới không chỉ tăng trưởng về lượng mà còn tăng cả về chất.
Ba tháng cuối năm được cho là thời gian chúng ta đón luồng khách từ các thị trường châu Âu, châu Mỹ. Đây là những thị trường khách cao cấp và có mức chi tiêu cao của Việt Nam.
"Một tour đi Việt Nam có chi phí hơn 45 triệu đồng, khi kéo dài được thời gian khách lưu trú tại Việt Nam thì sẽ thu được các khoản khách chi tiêu thêm. Theo thống kê của chúng tôi, mức chi tiêu thêm tour sẽ khoảng 11-23 triệu đồng/khách", ông Tú nhận định.
Chủ động mời gọi du khách đến Việt Nam
Ông Vũ Trọng Thức - giám đốc kinh doanh Champa Island Resort - cho hay sắp đến thời điểm khách quốc tế đến Việt Nam để nghỉ đông, các resort tại Nha Trang và Cam Ranh đã bắt đầu nhận booking, dự kiến nhiều nơi đạt công suất cao.
"Resort cũng đã lên kế hoạch tổ chức các sự kiện dịp Giáng sinh. Nguồn khách quốc tế đến Khánh Hòa tăng trong những tháng gần đây nhờ vào sự hấp dẫn của chương trình Festival Biển, công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Việc đón các đoàn famtrip, lữ hành quốc tế đến địa phương cũng là cách kết nối, tiếp thị sản phẩm du lịch địa phương", ông Thức nói.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cho biết giữa tháng 9 vừa qua ngành du lịch thành phố đã có các buổi tiếp xúc, quảng bá tại thủ đô New Delhi và Gurugram của Ấn Độ (thành phố lớn nhất bang Haryana của Bắc Ấn và là nơi tập trung trụ sở các hãng hàng không).
Sở Du lịch Đà Nẵng đã trực tiếp làm việc với các hãng hàng không Air India, Vistara và Indigo để cung cấp thông tin về điểm đến, tiềm năng và sự tăng trưởng ấn tượng của thị trường khách Ấn Độ đến Đà Nẵng, các chính sách ưu đãi dành cho các hãng hàng không quốc tế mở đường bay trực tiếp, đồng thời tiếp nhận thông tin, đề xuất từ các đối tác hàng không về kế hoạch mở rộng mạng lưới bay đến Đà Nẵng.
Theo bà Lê Thị Hồng Minh - tổng giám đốc Công ty CP Nhà ga quốc tế Cam Ranh - hiện nay có khoảng 15 chuyến bay/ngày từ các thành phố lớn của Hàn Quốc như Seoul, Busan, Gwangju đến Cam Ranh.
Dự kiến từ đầu tháng 11, Hãng hàng không Eastar Jet (Hàn Quốc) khai thác trở lại đường bay Incheon - Cam Ranh với tần suất 4 chuyến/tuần. Một số hãng hàng không khác cũng có thể sẽ tăng thêm chuyến bay từ Hàn Quốc đến Cam Ranh khi bước vào mùa du lịch đông.
Ở góc độ nhà quản lý, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa - cho hay ngành du lịch Khánh Hòa đang đẩy mạnh xúc tiến các thị trường khách tiềm năng như Úc, Ấn Độ và sắp tới là Nhật Bản.
Để đưa nguồn khách quốc tế đến Khánh Hòa, địa phương đang phối hợp với hãng hàng không để xúc tiến mở các đường bay từ các thành phố lớn ở Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Ngoài ra, Khánh Hòa cũng mời các đoàn famtrip quốc tế đến khảo sát du lịch.
Huế: chuyển hướng "mưa buồn" thành "mưa tiền"
Ông Nguyễn Văn Phúc, giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, nhận định cuối năm nay khách châu Âu và Mỹ sẽ đến Huế nhiều hơn khi sắp tới đón nhiều tàu du lịch hạng sang cập cảng Chân Mây.
Một điểm khá bất lợi ở Huế sắp tới đó là thời tiết khi mùa mưa bão miền Trung đã đến rất gần. Huế đã trải qua quá nhiều "mùa mưa buồn" nên đã và đang cố gắng chuyển mình để tận dụng "mưa Huế".
Theo đó ngành du lịch Huế sẽ hướng du khách nước ngoài trải nghiệm các dịch vụ du lịch chăm sóc sức khỏe như spa, massage, tắm suối khoáng nóng…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận