Phóng to |
Với mẫu mã đa dạng, giày dép VN thu hút đông đảo du khách nước ngoài lựa mua. Trong ảnh: khách hàng chọn mua giày dép tại chợ Bến Thành, TP.HCM - Ảnh: Nguyễn Trí |
Theo những người bán hàng, khách Nhật, khách Hàn, khách Malaysia... là những nhóm khách hàng thường xuyên trở lại mua sỉ sau khi đã mua lẻ và hài lòng với chất lượng hàng hóa.
Mướt mồ hôi đón khách...
Chợ Bến Thành (Q.1) những ngày cận Tết dương lịch 2014 không khí bán hàng vui vẻ, hoạt động mua sắm tấp nập len vào từng ngõ ngách các sạp hàng. Ở quầy hàng vải may mặc, sạp nào cũng đông khách. Chỉ trong vòng chưa đến 20 phút, tại gian hàng kinh doanh vải Tuyết có đến 20 lượt khách chủ yếu là người Malaysia đến mua vải, may đo. Người bán mướt mồ hôi đón khách.
Bà Lý Thị Tuyết Mai, chủ gian hàng, cho biết thường buổi chiều là khách đông nhất. “Không chỉ mua vải cuộn, nhiều khách du lịch còn có yêu cầu đặt may và giao hàng cho họ tận khách sạn. Có người đo tới 6-7 bộ nên mỗi lúc có đoàn du lịch tấp vào là đo mệt nghỉ” - bà Tuyết nói. Với lượng khách này, trung bình mỗi ngày bà Tuyết bán 70-80 bộ quần áo.
Không thua kém gian hàng vải, tại gian hàng giày dép và túi xách, khách ra vô nườm nượp. Tại cửa hàng giày dép Phương Toàn, ba du khách đến từ Brunei và Singapore mải mê lựa chọn những đôi dép ưng ý trước khi về nước. Một nữ du khách người Brunei cho biết năm 2013 đã ba lần sang VN, lần nào cô cũng vào chợ Bến Thành mua đồ lưu niệm. Có lần cô mua tới vài chục đôi dép để tặng người thân. Theo chủ gian hàng, cuối năm là dịp đông khách nhất. Trung bình mỗi ngày cửa hàng bán lẻ vài trăm đôi dép. Trên 70% khách mua hàng là người Đông Nam Á.
Trong khi đó, hàng thủ công mỹ nghệ lại hút khách châu Âu. Chủ cửa hàng thủ công mỹ nghệ 996 cho biết tất cả hàng thủ công mỹ nghệ đều sản xuất trong nước, nhu cầu của khách rất đa dạng nên cửa hàng cũng phải đa dạng các sản phẩm, nhờ nhỏ gọn nên được khách du lịch chuộng vì vận chuyển dễ dàng. Thời điểm cuối năm khi lượng khách tăng 70% so với ngày thường, để đáp ứng nhu cầu những đơn hàng trên 50 cái, cửa hàng còn bán qua hình thức chuyển hàng qua đường tàu và máy bay cho khách.
Từ bán lẻ đến bán sỉ
Khu vực đường Đồng Khởi (Q.1), những ngày này lượng khách du lịch mua sắm cũng khá tấp nập. Tại cửa hàng Miss Bee, chỉ trong hơn 30 phút có 50-60 khách quốc tế vào mua sắm. Miss Bee là cửa hàng bán các loại giày dép, váy áo, túi xách và rất nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm bằng tay cầu kỳ, mang bản sắc của những sản phẩm truyền thống VN. Khách hàng bị thu hút bởi những chiếc túi xách bằng vải thêu tay, hoặc những đôi xăngđan đính hạt khá tinh tế, hay những đôi đũa, bộ chén ăn được chăm chút đến từng hoa văn nhỏ...
Theo bà Đặng Mỹ Vân - chủ cửa hàng Miss Bee, nhờ giá hợp túi tiền nên rất nhiều du khách là người Nhật Bản, Hàn Quốc đã mua số lượng lớn về tặng quà cho người thân. Thậm chí sau khi về nước, những món hàng họ đã mua được đánh giá cao về chất lượng và khen đẹp về mẫu mã nên họ đã trở lại mua với số lượng lớn hơn. Bà Vân cho biết khoảng 2-3 tháng lại nhận được một đơn hàng giá trị khoảng 20.000 USD. Đơn hàng nhận gần nhất là của một khách người Hàn Quốc sau khi mua túi xách vải thêu hoa tại cửa hàng đã trở lại và đặt mua đúng mẫu đó với tổng giá trị đơn hàng tới 20.000 USD.
Bà Tuyết, tiểu thương chợ Bến Thành, cho biết nhiều khách hàng người Malaysia đã mua mỗi lần hàng trăm tấm vải. Họ mua để mang về nước bán lại lấy lời. Nhờ có nhiều khách mua sỉ, từ khoảng bốn tháng trở lại đây lượng vải mà sạp bà Tuyết bán ra tăng khoảng 70% so với trước đó. Tương tự, bà Võ Thị Kim Trang, chủ cửa hàng kinh doanh vải Thủy Được, cho biết khoảng 90% người Malaysia chuộng vải VN. Họ cho biết vải Trung Quốc cứng và nóng, trong khi vải VN mềm lại có kết hoa, thêu cườm.
Theo bà Dương Thị Mai Lan - phó ban quản lý chợ Bến Thành, hiện chợ Bến Thành có 1.446 hộ kinh doanh với 1.470 sạp. Trung bình mỗi ngày chợ đón khoảng 10.000 lượt khách, trong đó 90% là khách du lịch. Mặc dù vậy, bà Tuyết cho biết phải có đến 70% hàng trong chợ được bán sỉ.
Muốn tồn tại, phải bán hàng Việt
Khác với trước đây, đa số hàng bán cho khách du lịch được sản xuất từ Trung Quốc thì nay hàng Việt đã nhiều lên. “Kinh doanh ở nơi rất đắt đỏ về chi phí mặt bằng nên chất lượng sản phẩm phải được chú trọng từng chút một. Toàn bộ đều là hàng được đặt sản xuất trong nước và làm bằng tay ở rất nhiều công đoạn” - bà Vân cho hay. Gần 10 năm kinh doanh hàng lưu niệm cho du khách nước ngoài, bà Vân cho biết các sản phẩm bán cho khách du lịch ngày càng tốt lên, được làm đẹp hơn và thật sự là hàng VN chứ không phải hàng nhập từ Trung Quốc.
Theo bà Vân, để bán được hàng, giá cả rất quan trọng. Với những loại lưu niệm, đại trà thì Miss Bee bán rẻ hơn ở chợ. Nhưng để duy trì được, cửa hàng luôn có rất nhiều sản phẩm cao cấp. Thực tế, tại đây hàng hóa đều được niêm yết giá, khách mua không phải mặc cả. Loại dép đính hạt bằng tay khá cầu kỳ và hút khách nhất tại đây được bán khoảng 450.000 đồng/đôi. Các loại túi xách bằng cói giá chủ yếu 450.000-670.000 đồng/chiếc. Có loại túi xách bán 4 triệu đồng/chiếc được thêu rất tỉ mỉ và tinh tế. Tuy nhiên, nhiều chiếc khăn choàng chỉ bán giá 255.000 đồng/chiếc, hoặc đồ lưu niệm giá chỉ khoảng 100.000 đồng/sản phẩm...
Tại cửa hàng Tuyết Lan (Q.1), nhân viên bán hàng cho biết những sản phẩm áo, váy thêu tay luôn thu hút khách mua là người Úc, Pháp, Mỹ... Những khách hàng này chuộng chất liệu vải bằng lụa nhẹ hoặc bằng silk, thêu hoa văn truyền thống. Các sản phẩm bán tại đây đều được cửa hàng tự thiết kế và may. Giá bán chủ yếu 750.000-2.500.000 đồng/sản phẩm là mức giá mà đa số khách hàng có thể chi trả.
Doanh thu du lịch tăng hơn 15% Thống kê của Sở VH-TT&DL TP.HCM, tổng doanh thu du lịch của TP.HCM tháng 12-2013 đạt hơn 17.976 tỉ đồng, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó riêng doanh thu từ lữ hành, khách sạn và nhà hàng đạt hơn 6.651 tỉ đồng. Ông Lã Quốc Khánh, phó giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM, cho biết lần đầu tiên thực hiện chương trình khuyến mãi du lịch mua sắm TP.HCM 2013 do Sở VH-TT&DL TP.HCM, Sở Công thương TP.HCM và Hiệp hội Du lịch TP.HCM tổ chức, có hơn 365 doanh nghiệp tham gia bao gồm các trung tâm, cửa hàng du lịch đạt chuẩn, 64 khách sạn từ 2 sao trở lên, các trung tâm thương mại, mua sắm... với kỳ vọng sẽ có nhiều hoạt động kích cầu tiêu dùng phong phú và hấp dẫn, góp phần làm tăng khả năng thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan thành phố, tăng doanh thu cho ngành du lịch của thành phố, đồng thời góp phần tích cực tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội của thành phố.Lê Nam |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận