Dĩ nhiên ai cũng hiểu chuyện rằng đôi khi ra quán cà phê không phải chỉ vì vị cà phê mà còn vị thế của quán, vị trí đặt bàn, tầm nhìn cảnh quan.
Ở nơi công cộng phải cư xử có văn hóa
Một tài khoản bạn đọc của Tuổi Trẻ Online tên Khách qua đường bình luận rằng có rất nhiều bạn trẻ hành xử theo kiểu 1 cặp đôi, 2 laptop, 3 bàn, 4 ghế để balo, áo khoác. Một bàn khác để nước và đồ ăn nhanh, hoặc một mình chiếm hết 1 bàn dài thường được dùng cho 6 người ngồi.
"Cũng vì thế mà ở sân bay, WiFi trên mỗi hóa đơn chỉ sử dụng được 2 giờ, tốc độ chậm đủ để đọc tin tức", bạn đọc Khách qua đường viết.
Bạn đọc Lục Bình Trên Phố cũng cho hay nhiều bạn trẻ vào cửa hàng tiện lợi rồi ngang nhiên rải từ laptop, máy tính bảng, điện thoại, balô… chiếm hết bàn ghế. Thậm chí nhiều cặp đôi vào quán, một người ngồi còn một người "thẳng cẳng nằm ngủ".
Độc giả Duy Phạm cho rằng có lẽ là do lối sống ích kỷ, không biết ý nghĩa của sự sẻ chia, chỉ biết sống tham lam, vụ lợi cho bản thân thì mới làm thế.
Mạc Dũng nghĩ rằng hành xử nơi công cộng, giữa người với người nên có văn hóa, văn minh hơn, đặc biệt là sự quan tâm và biết chia sẻ.
Theo Duc Ngoc Nguyen, ở Việt Nam thì cảnh tượng trên không thiếu. Vì thế, tài khoản này bày tỏ việc nên xem giáo dục phải là quốc sách, là sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường. Nếu biết dạy con cư xử đúng mực từ trong gia đình, kính trên nhường dưới, muốn làm gì cũng phải nghĩ đến người khác, sống tử tế ngay khi còn bé "thì sẽ không phải nhìn thấy cảnh tượng khó coi trên ngoài xã hội".
Độc giả Hai nói hình như văn hóa cà phê chưa có nhiều người biết vì thường xuyên bắt gặp cảnh 1 người ngồi 2 bàn, hoặc một nhóm 2-3 người ngồi nói chuyện luyên thuyên, chửi tục, nói chuyện điện thoại oang oang.
Khách ngồi cà phê một mình chiếm hai bàn: Có nên đuổi?
Tài khoản Đoàn Hòa chia sẻ, là chủ quán, anh sẽ mời khách ngồi đúng vị trí. Nếu khách không đồng ý thì sẽ mời ra khỏi quán, từ chối cung cấp dịch vụ ở lần sau. "Kiểu khách này không đem thêm lợi lộc gì cho quán nên không cần phải giữ", Đoàn Hòa viết.
Trước quan điểm của Đoàn Hòa, bạn đọc Nhụy Nguyên cho rằng có thể với các vị khách này không đem lại lợi lộc cho quán, nhưng nên cẩn thận bởi có thể truyền đi tiếng xấu của quán. Việc đuổi khách có thể tự làm hại việc kinh doanh của mình.
Từ việc có nên đuổi khách hay không, bạn đọc Khanh nêu quan điểm, cần lưu ý có những việc mình đúng, khách sai nhưng vẫn rất dễ gây tranh cãi nếu như khách đem chuyện lên mạng. "Mà tranh cãi là điều mà người làm ăn muốn tránh tuyệt đối", Khanh viết.
Bạn đọc thân thiết của Tuổi Trẻ Online Phạm Thiết Hùng cũng tham gia bình luận trước ý kiến của Đoàn Hòa. "Người bán hàng luôn giữ khách ruột và kiếm tìm khách mới. Kinh doanh mà đuổi khách, dẹp tiệm đi. Sự khéo léo của chủ quán là các bàn ghế sử dụng loại gì để khách không thể dồn dịch, kê sao cho hài hòa và khách không thể chiếm dụng nhiều", ông viết.
Mách nước cho các chủ quán, bạn đọc Nguyễn Phong Phú nói các chủ quán nên sắp xếp từng bàn riêng, bởi việc cà phê cũng cần không gian riêng tư.
Là chủ một quán cà phê, tài khoản Nhụy Nguyên chia sẻ vẫn thường đào tạo nhân viên xếp các bàn nhỏ cạnh nhau nhưng luôn chừa một khe hở ít nhất khoảng 10cm.
Nếu khách đi nhóm đông, họ tự khắc biết nối các bàn đó dính vào (nếu họ muốn). Nhưng khi chỉ có một khách ngồi vào vị trí có hai cái bàn, nhân viên tự giác đến tách cái bàn trống ra xa hơn (kèm lời xin phép).
"Còn những chiếc bàn dài lớn có thể ngồi nhiều người, trên bàn đó đặt các tấm quảng cáo, lọ hoa... để chia bàn thành nhiều "phần" cho nhiều khách. Nhóm khách đi chung đến ngồi thì nhân viên ra thu dọn. Ngoài ra, các bàn nên đánh số, tạo tâm lý cho khách nào ngồi chiếm dụng nhiều số sẽ thấy kỳ cục", Nhụy Nguyên viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận