07/10/2019 13:40 GMT+7

Khách hàng khó đòi tiền vì công ty bảo hiểm được ưu ái?

BÔNG MAI - THU DUNG
BÔNG MAI - THU DUNG

TTO - Sau bài "Khó như đi đòi bảo hiểm" (Tuổi Trẻ ngày 6-10), hàng loạt sự việc được thông tin thêm cùng nhiều ý kiến đề nghị phải thay đổi quy định, giảm bất lợi cho người dân.

Khách hàng khó đòi tiền vì công ty bảo hiểm được ưu ái? - Ảnh 1.

Thất vọng do khó đòi bồi thường, nhiều người dân chuyển qua mua bảo hiểm siêu rẻ để đối phó. Trong ảnh: bán bảo hiểm xe máy giá 10.000 đồng/năm trên xa lộ Hà Nội, Q.2, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Bộ Tài chính được đề nghị cần xem xét sớm sửa thông tư, thậm chí đề xuất sửa quy định cao hơn.

Đủ lý do khó đòi bồi thường

Anh Nguyễn Thành Trung (ngụ Đà Nẵng, hiện kinh doanh ngành xe vận tải) có xe hiệu Audi (trị giá 2 tỉ đồng) cho hay đang gặp khúc mắc với công ty bảo hiểm B.Đ. Xe bị tai nạn, tổng chi phí khắc phục hết 36 triệu đồng, nhưng công ty bảo hiểm chỉ chịu đền bù 24 triệu đồng, còn 12 triệu đồng tiền cẩu kéo thì không chịu giải quyết với lý do nhân viên… quên đưa thông tin vào hồ sơ và người này đã nghỉ việc.

Anh Trung phải tự tìm nhân viên này đòi. "Nhân viên làm sai công ty phải chịu trách nhiệm, làm sao bắt khách hàng tự đi tìm nhân viên đó được", anh Trung bức xúc.

Trước đó, xe của anh bị va quẹt, bể đèn... Liên hệ công ty bảo hiểm B.M - nơi mua bảo hiểm vật chất thì công ty không chịu đền bù với lý do công an kết luận điều tra không rõ nguyên nhân.

Sau nhiều lần tranh luận, phía bảo hiểm đề nghị thương lượng bằng cách thay vì mua phụ tùng chính hãng có giá hơn 260 triệu thì sẽ mua phụ tùng từ nước ngoài có giá 82 triệu để thay thế, anh Trung đồng ý.

Dù đã xong nhưng anh Trung thấy phiền phức vì "ông bán đùn đẩy qua phòng kinh doanh, rồi tôi được đẩy qua ông giám định, ông giám định bảo không được. Tính đổi chỗ mua bảo hiểm, nhưng khổ nỗi mua bảo hiểm tại nhiều công ty rồi, mà ông nào cũng giống nhau. Chỉ ngon ngọt ban đầu" - anh Trung nói.

Mua bảo hiểm cho xe Ford của công ty bảo hiểm M. (trụ sở Q.1, TP.HCM), khi xe bị xước, chị Châu (Bến Lức, Long An) yêu cầu thẩm định, sau một tuần công ty M. vẫn không liên lạc. Chị gọi đến thì nhân viên nói sếp đang đi công tác, hẹn ngày đến giải quyết.

Đúng hẹn chị đến thì bị bắt chờ tới trưa, rồi lại hẹn hai ngày sau tới tiếp. Sau nhiều lần lên rồi lại về, làm thủ tục này đến giấy tờ kia, chị Châu mới được bảo hiểm chi trả. Cả chị Châu và chồng cảm thấy quá mệt mỏi.

Anh Lữ Phú Quốc (nhân viên kinh doanh thuộc công ty bảo hiểm C.T) công nhận trong những người thường từ chối mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc có một nhóm đã mất niềm tin vào bảo hiểm.

Công ty bảo hiểm phải là đơn vị chịu trách nhiệm thu thập hồ sơ bồi thường, chứ không phải người dân tự thu thập. Công ty bảo hiểm không làm đúng trách nhiệm phải chịu sự chế tài.

PGS.TS NGUYỄN LÊ NINH

Không thể dễ cho doanh nghiệp, khó cho dân

TS Trần Quang Thắng - viện trưởng Viện Kinh tế quản lý TP.HCM - cho rằng hiện quy trình bồi thường bảo hiểm xe máy, ôtô quá rườm rà, phức tạp. Khi xảy ra tai nạn giao thông, người dân phải trình báo công ty bảo hiểm, xin hồ sơ tai nạn từ cơ quan công an… Hồ sơ còn phải đầy đủ biên bản, quá trình tai nạn, nguyên nhân tai nạn…

Sau đó, họ lại phải tiếp tục chờ quá trình làm việc của công ty bảo hiểm với công an. Nhiều công ty bảo hiểm cứ kéo dài quá trình này nhiều tháng, nhiều năm để người mua chán nản.

Theo ông Thắng, Nhà nước cần đơn giản hóa các quy định về bồi thường bảo hiểm. Chỉ cần người dân nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường gồm biên bản tai nạn có xác nhận của cơ quan công an, giấy tờ của bệnh viện… công ty bảo hiểm có trách nhiệm làm việc với các cơ quan chức năng để xác minh, bồi thường.

Cùng với đó, cần có và thông báo rõ cơ quan mà người dân có thể gửi khiếu nại khi không được bồi thường và quy định rõ trách nhiệm, thời gian trả lời của cơ quan đó.

Buộc doanh nghiệp có trách nhiệm hơn

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - ủy viên Mặt trận Tổ quốc TP.HCM - khẳng định tình trạng người dân trần ai đi đòi bảo hiểm chính là do luật pháp chưa rõ ràng. VN bắt buộc người tham gia giao thông phải có bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe cơ giới nhưng lại không có quy định hữu hiệu để ngăn chặn, chế tài các doanh nghiệp bảo hiểm chây ì.

Phần lớn người dân do sợ bị cảnh sát giao thông xử phạt, họ chấp nhận bỏ tiền ra mua bảo hiểm xe. Nhưng khi xảy ra tai nạn, không ít nhân viên, đại lý bảo hiểm tỏ ra thờ ơ, vô trách nhiệm.

Một số cảnh sát giao thông tâm sự, có nhiều vụ tai nạn công an lập hồ sơ, chủ động yêu cầu công ty bảo hiểm đến hiện trường nhưng các công ty bảo hiểm thường đến rất trễ hoặc… mất hút khiến quá trình xử lý bị kéo dài. Khi đó, công an cũng chịu.

Chính vì vậy, Nhà nước nên sớm bổ sung quy định, theo ông Ninh, công ty bảo hiểm phải là đơn vị chịu trách nhiệm thu thập hồ sơ bồi thường, chứ không phải người dân tự thu thập. Công ty bảo hiểm không làm đúng trách nhiệm phải chịu sự chế tài của pháp luật.

Những quy định làm khó người mua bảo hiểm

Thông tư 22/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn: khi gặp tai nạn giao thông, chủ xe cơ giới phải thông báo ngay cho DN bảo hiểm, bảo vệ hiện trường tai nạn, đồng thời thông báo cho cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương... Chủ xe không được di chuyển, tháo gỡ hoặc sửa chữa tài sản khi chưa có ý kiến chấp thuận của DN bảo hiểm, trừ trường hợp cần thiết để đảm bảo an toàn...

Ngoài bản thông báo tới DN bảo hiểm với hàng loạt thông tin phải kê khai, chủ xe phải tập hợp đủ tài liệu, đơn cử như: giấy phép lái xe, giấy ra viện, hồ sơ bệnh án, hóa đơn sửa chữa, thay thế phụ tùng phương tiện tại cơ sở mà DN bảo hiểm chỉ định... và phải gửi tới DN bảo hiểm trong thời hạn 5 ngày từ ngày xảy ra tai nạn (trừ trường hợp bất khả kháng).

Còn trách nhiệm của DN bảo hiểm là phải "phối hợp" với chủ xe cơ giới, người bị thiệt hại, cơ quan công an... để thu thập các tài liệu có liên quan. Theo nhiều người mua bảo hiểm, khi bị tai nạn rất khó đáp ứng những yêu cầu trên. Quy định nhiều điểm không cụ thể, như "trừ trường hợp cần thiết", cộng với những hợp đồng mẫu dài dằng dặc, khiến người mua rất khó đòi được bảo hiểm.

Khoảng 30 triệu xe máy không mua bảo hiểm

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, từ tháng 9-2008, Chính phủ đã ban hành nghị định số 103/2008/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Sau 10 năm thực hiện, 90% số chủ xe ôtô tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự nhưng chỉ có 40% số chủ xe môtô mua loại hình bảo hiểm này.

Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải, đến hết tháng 3-2018, cả nước đã có tới trên 55 triệu môtô, xe máy và gần 4 triệu ôtô đăng ký hoạt động. Như vậy, hiện có tới 30 triệu xe máy không mua bảo hiểm bắt buộc và khoảng 400.000 ôtô không thực hiện nghĩa vụ này.

332.000 người đi xe máy bị phạt vì mũ bảo hiểm 332.000 người đi xe máy bị phạt vì mũ bảo hiểm

TTO - Theo Cục cảnh sát giao thông Bộ Công an, 6 tháng đầu năm nay lực lượng cảnh sát giao thông trong cả nước đã xử phạt 659.059 vụ vi phạm của người đi xe gắn máy.

BÔNG MAI - THU DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp