13/08/2013 04:36 GMT+7

Khách Hàn đông, trở tay không kịp

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TT - Trước năm 2010 khách Hàn Quốc đến miền Trung chỉ lác đác, nhưng đến nay đã vào “top ten” trong bảng khách quốc tế. Tại Huế khách Hàn đã tăng liên tục, năm 2010 chỉ 4.600 khách nhưng đến năm 2012 lên đến hơn 24.000 khách.

0XZysSF9.jpgPhóng to
Một đoàn khách Hàn Quốc tham quan chùa Thiên Mụ (Huế) - Ảnh: TIẾN LONG

Tại Hội An, năm 2010 chỉ có 3.838 khách, đến năm 2012 tăng lên 6.868 khách. Đặc biệt tại Đà Nẵng, năm 2010 khách Hàn chỉ xếp thứ 11 (6.620 khách), đến năm 2012 vươn lên xếp thứ ba (30.493 khách), riêng trong sáu tháng đầu năm nay đã đón 25.511 lượt.

Ông Trần Chí Cường, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao - du lịch Đà Nẵng, cho hay hiện mỗi tuần có bảy chuyến bay (một ngày/chuyến) trực tiếp Đà Nẵng - Incheon (Seoul) do hai hãng Asiana Airlines và Korean Airlines của Hàn Quốc khai thác. Từ ngày 1-7-2013, Vietnam Airlines mở đường bay Đà Nẵng - Incheon với tần suất ba chuyến/tuần. Với sự thuận tiện này, dự báo lượng khách Hàn Quốc đến miền Trung còn tăng mạnh.

Ông Lê Duy Phùng, hiện là hướng dẫn viên (HDV) tiếng Hàn duy nhất của Huế, cho biết các bãi biển sạch, trong, tuyệt đẹp và ấm áp ở miền Trung là “thiên đường” đối với khách Hàn. Ngoài ra, khẩu vị của người Hàn thiên về vị mặn và cay rất hợp với món ăn miền Trung. Khách Hàn Quốc được đánh giá chi tiêu khá sang: lưu trú khách sạn từ 3-5 sao, nhiều đoàn rất chịu mua sắm, sử dụng những dịch vụ tương đối cao cấp...

Thế nhưng khách Hàn Quốc tăng rất nhanh đã khiến ngành du lịch trở tay không kịp. Theo ông Trương Thành Minh, phó phòng nghiệp vụ Sở VH-TT&DL Thừa Thiên - Huế, các đơn vị lữ hành Hàn Quốc “tự tổ chức, tự đạo diễn, khai thác, kể cả làm hướng dẫn” chứ không thông qua đối tác là một đơn vị lữ hành VN như các thị trường khách khác. Họ tự đến miền Trung khảo sát điểm tham quan, dịch vụ, đi lại..., lên chương trình rồi bán cho khách”. Giám đốc một đơn vị lữ hành ở Đà Nẵng cho biết các hãng lữ hành phía Hàn Quốc “mua pháp nhân” của một văn phòng lữ hành ở Đà Nẵng. Việc mua này chỉ “cho có”, hợp pháp hóa để lách các quy định hiện hành.

Hiện ở miền Trung chỉ có một HDV tiếng Hàn (người Việt) được cấp phép hoạt động. Do vậy để đối phó, các hãng này thuê một HDV tiếng Việt với giá rất rẻ, chỉ làm bù nhìn để đối phó với thanh tra. Mọi hoạt động hướng dẫn đều do HDV người Hàn thực hiện. Ở Huế, vì công tác thanh tra “căng” hơn nên một HDV tiếng Anh được thuê đi cùng. Tại các điểm di tích, HDV người Hàn ngồi ở bến xe, đoàn khách được giao cho HDV tiếng Anh. Trong khi đó, rất ít người Hàn giao tiếp được bằng tiếng Anh nên khách được phát một giấy giới thiệu qua loa về di tích để đọc.

Theo ông Lê Duy Phùng, muốn khai thác tốt nguồn khách này, cơ quan chức năng nên thường xuyên kiểm tra các đơn vị đang khai thác khách Hàn xem phương thức hoạt động, chương trình như thế nào, có HDV tiếng Hàn (người Việt) hay không. Về lâu dài cần chuẩn bị một đội ngũ HDV và người khai thác dịch vụ, am hiểu tiếng Hàn để khai thác tốt loại khách rất tiềm năng này”.

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp