Trung Đông là thị trường khách có tiềm năng lớn - Ảnh: N.BÌNH
Khu vực Trung Đông bao gồm 16 nước, có dân số 453 triệu người, trong đó Hội đồng các nước vùng Vịnh (GCC) gồm 6 nước Saudi Arabia, UAE, Oman, Qatar, Kuwait và Bahrain có dân số 54 triệu và tổng thu nhập hơn 3.464 tỉ USD.
Tại hội thảo về khai thác thị trường du khách Trung Đông được tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM (ITE) 2022 ngày 9-9, ông Robert Hayek - giám đốc điều hành Q'go Travel (Kuwait) - cho biết với mức thu nhập cao và sẵn sàng chi trả cho du lịch, du khách thuộc GCC có vai trò quan trọng trong việc phục hồi du lịch.
Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du khách các nước thuộc GCC chi tiêu nhiều hơn 6,5 lần so với mức bình quân của toàn cầu, với 40% du khách cá nhân chi tiêu nhiều hơn 10.000 USD mỗi chuyến đi.
Khi nói đến du lịch, các du khách này mong muốn ưu tiên hàng đầu là có những trải nghiệm mới, đó là những trải nghiệm mà họ chưa từng biết hoặc là sự thay đổi lớn mà họ từng biết trong quá khứ. Tâm lý này khiến cho Việt Nam được xem là điểm đến mới trong các kỳ nghỉ của du khách Trung Đông, đặc biệt sau hai năm dịch COVID-19.
Việt Nam nên làm gì để thu hút du khách Trung Đông?
Theo ông Robert Hayek, các yếu tố cần tập trung là xóa bỏ rào cản ngôn ngữ, tôn trọng tín ngưỡng tôn giáo, cảm giác thân thiện, có sẵn chuỗi nhà hàng quốc tế, thực phẩm Halal, các chuyến bay dễ dàng và visa thuận lợi...
"Thực tế, những yếu tố trên Việt Nam đều có nhưng vấn đề của Việt Nam là chưa quảng bá để du khách Trung Đông biết", ông Robert Hayek nói.
Ông Trần Đức Hùng - đại sứ Việt Nam tại Qatar - cũng thừa nhận điểm yếu nhất của du lịch Việt Nam là chưa đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch ra thị trường này.
"Trong các đợt quảng bá ở một số nước khu vực này, chúng tôi nhận được phản ứng ngạc nhiên của không ít người. Họ ngạc nhiên và hỏi Việt Nam nằm ở đâu, có những gì... Chứng tỏ thông tin quảng bá của mình hạn chế", ông Hùng dẫn chứng.
Với đặc điểm có khả năng chi trả cao, nhóm du khách này có nhu cầu đi nghỉ dưỡng phân khúc cao cấp, hạng sang với đầy đủ tiện nghi gồm spa, safari cho trẻ con để đi cùng gia đình.
Nhưng du khách Trung Đông chưa biết nhiều về du lịch Việt Nam, vì vậy trước mắt cần phải đẩy mạnh quảng bá, tăng cường truyền thông về du lịch Việt Nam như: phát sóng các video giới thiệu về du lịch Việt Nam trên kênh truyền hình của khu vực, kết hợp với các travelblogger, influencer quảng bá du lịch Việt Nam...
Nghiên cứu thiết kế những chương trình du lịch riêng cho khách Ả Rập, đảm bảo yếu tố tôn giáo như: yêu cầu về thực phẩm Halal, phòng cầu nguyện, sự riêng tư... Từ bây giờ, phải tính đến việc đào tạo nguồn nhân lực dịch vụ du lịch biết tiếng Ả Rập để phục vụ khách từ các nước theo đạo Hồi.
Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, trước dịch COVID-19, lượng khách du lịch từ các quốc gia Trung Đông đến Việt Nam và TP tuy có tăng theo từng năm nhưng vẫn ở mức thấp, chủ yếu đến từ các nước Israel, Iran, Ai Cập, Kuwait...
Lý do chính là thông tin về du lịch Việt Nam vẫn chưa đến được với thị trường khách du lịch này. Ngoài ra, một số tồn tại như khoảng cách địa lý lớn, chi phí đắt đỏ, khác biệt lớn về văn hóa, thị hiếu tiêu dùng, tôn giáo... khiến cho sản phẩm du lịch Trung Đông chưa phong phú...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận