Rất đông du khách di chuyển ở khu vực hồ Xuân Hương để đến các khu điểm du lịch - Ảnh: M.V.
Hơn 70 khu điểm du lịch đã đồng loạt mở cửa, các quán cà phê, ăn uống hoạt động trở lại kéo theo hàng ngàn người thoát cảnh mất việc làm, nhất là những người làm thuê theo thời vụ.
Dòng người đến Đà Lạt đã khiến dòng xe trên quốc lộ 20 di chuyển chậm hơn bình thường nhưng mang đến cho vùng đất du lịch Đà Lạt một luồng sinh khí.
Ngày 30-4, khách đến Đà Lạt đông hơn những dịp cuối tuần, các ngả đường dẫn về nội ô TP đông đúc xe cá nhân.
Không giống dịp lễ 30-4 năm ngoái, người Đà Lạt ngán ngẩm vì du khách đến quá đông gây ách tắc TP, khiến sinh hoạt hằng ngày bị đảo lộn. Lần này, người dân nhìn đoàn du khách đến thăm TP hoa bằng cái nhìn bình tĩnh và hồ hởi hơn.
Chị Trần Thị Thanh Huyền (34 tuổi), người bán bánh tráng nướng thập cẩm ở khu nhà thờ Con Gà, cho biết khi TP.HCM vừa nới lỏng cách ly xã hội, du khách đến Đà Lạt tăng mạnh nên chị quyết định mở điểm bán lại.
"Tranh thủ khách đông mình dọn ra bán chứ không quên nghề và khách du lịch cũng quên mình. Nói thiệt chứ 3 tuần không đi bán bánh tráng, không có làm lụng thêm nên cả gia đình cũng túng thiếu", chị Huyền nói.
Nhiều nhà hàng, quán cà phê tranh thủ mở bán trở lại trong dịp lễ này và những người làm thời vụ đang chuẩn bị về quê hoặc đã ở quê với một công việc không đảm bảo thu nhập như trước đã quay trở lại làm việc.
Ông Trần Đình Bình, chủ một quán cà phê trên đường Nguyễn Chí Thanh (P.1, Đà Lạt), cho biết quán của ông đã cho nhân viên thời vụ nghỉ bớt, cắt giảm nhân viên cơ hữu. "May mắn là nay được kinh doanh trở lại và đón được nhiều khách ngay dịp lễ lần này", ông Bình chia sẻ.
Đến chiều 30-4, ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ, các khu vực trung tâm, khu điểm du lịch của TP Đà Lạt đã trở nên đông đúc. Nếu không có sự chuẩn bị trước đó, nhiều du khách sẽ khó đặt được phòng nghỉ đúng như ý muốn.
Việc du khách khó đặt phòng một phần các khách sạn thận trọng không đón khách hết công suất và cũng không cho thuê phòng quá 2 người làm giảm lượng chỗ ở.
Các con đường tập trung khách du lịch như Bùi Thị Xuân, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phan Như Thạch, Phan Đình Phùng... vẫn còn nhiều nhà hàng, quán ăn chưa mở cửa lại.
"Chúng tôi vừa kinh doanh vừa lo phòng dịch vì sau thời gian cách ly, cả một quãng thời gian dài không có ca mới nhưng không có nghĩa là không còn rủi ro nào nữa" - bà Nguyễn Minh Huệ, chủ nhà hàng trên đường Phan Đình Phùng, cho biết.
Bà Trần Thị Vũ Loan, phó chủ tịch UBND TP Đà Lạt, cho biết việc Đà Lạt có đông du khách đến tham quan nghỉ dưỡng khiến TP vừa vui mừng vừa lo.
Vì thế, "chúng tôi liên tục tổ chức các đoàn giám sát hoạt động lưu trú theo đúng quy định, vừa nhắc nhở du khách tự nguyện chấp hành các quy định khai báo y tế, đeo khẩu trang ở nơi công cộng, sát khuẩn tay khi vào nhà hàng và các khu điểm du lịch", bà Loan nói.
Với những người làm trong ngành du lịch, đây là một cú hích "hồi sinh" sau những ngày Đà Lạt vắng lặng kể từ đầu tháng 2-2020 khi một lượng lớn du khách đã đến Đà Lạt tham quan, nghỉ dưỡng.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lâm Đồng, tính đến ngày 10-4, có đến 80% doanh nghiệp tại tỉnh này phải ngừng hoạt động, số còn lại chỉ hoạt động cầm chừng, thu hẹp quy mô. Toàn tỉnh có 164 doanh nghiệp bị ảnh hưởng chịu tác động của dịch Covid-19.
Đặc biệt, hơn 8.500 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hơn 2.700 người nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn, ngưng việc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận