Khách đi du thuyền tới VN được đón tại một cảng container ở Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Nguồn chi tiêu bởi dòng khách từ châu Âu, khách đến bằng du thuyền khi tới TP.HCM cũng còn rất thấp, trong đó nguyên nhân chủ yếu liên quan đến câu chuyện hạ tầng, chính sách visa.
Thiếu cảng đón tàu "5 sao"
Hiện trung bình mỗi năm có 70-80 chuyến tàu khách hạng sang "5 sao" của các hãng lữ hành tàu biển quốc tế nổi tiếng đưa khách đến Việt Nam.
Nhưng những tàu này thường được hướng dẫn cập vào các cảng ở Cái Mép - Thị Vải, Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu), Chân Mây (Thừa Thiên - Huế), Nha Trang (Khánh Hòa).
Ở phía Nam, du khách thường chọn điểm đến là TP.HCM để tham quan, khám phá. Do đó, các hãng lữ hành phải dùng ôtô trung chuyển, đưa họ từ Tân Thành đến các điểm tham quan, mua sắm.
Ngay các cảng ở Tân Thành, cảng để đón tàu cũng không phải cảng chuyên dụng dành cho du lịch, mà thường tận dụng cảng tổng hợp hay cảng container.
Ông Trịnh Hàng, giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết trong năm 2017 đã có hơn 82 chuyến tàu biển đưa hơn 170.000 khách quốc tế cập cảng ở Tân Thành, cảng Tân Cảng - Cái Mép, SP-PSA.
Để khắc phục tình trạng dùng cảng container đón tàu du lịch, ông Hàng cho biết năm 2018 tỉnh dự kiến bổ sung chức năng… làm "du lịch" cho một cảng container ở Tân Thành.
Khi bổ sung chức năng này, cảng sẽ đầu tư các hạng mục, hạ tầng dùng để đón du khách. Cũng theo ông Hàng, hiện loại cảng chuyên dùng này chưa có trong quy hoạch.
Thực tế, theo một cán bộ làm thủ tục xuất nhập cảnh của Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mỗi chiếc tàu biển quốc tế chở hơn 1.000 đến gần 2.000 du khách.
Khi ghé vào cảng thì chỉ có 60-70% mua tour tham quan trên đất liền, số còn lại nằm nghỉ ở tàu. Nguyên nhân có nhiều, nhưng có chuyện lịch trình ghé lại cảng chỉ có một ngày.
TP.HCM cũng tiếc…
Dù được chọn là điểm đến của khách tàu biển, nhưng phần lớn các tàu lại không cập được cảng của TP.HCM. Đặc biệt, những tàu biển cỡ lớn đều phải cập Bà Rịa - Vũng Tàu, từ đây khách phải xếp hàng chờ ôtô đưa vào TP.HCM. Thời gian tham quan, mua sắm bị rút ngắn.
Thông thường, các đoàn khách này chỉ đến tham quan Nhà hát TP, Bưu điện TP, tòa nhà Bitexco, chợ Bến Thành, Sense Market, tàu Sài Gòn (dùng bữa tối và thưởng thức chương trình ca múa nhạc)… Sau đó, họ nhanh chóng rời TP.HCM ngay tối hôm đó…
Đại diện Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist) cho biết tính cả năm 2017, Saigontourist đã đón hơn 400.000 lượt du khách và thuyền viên tàu biển đa quốc tịch, tăng hơn 30% so với 2016.
Tuy vậy, thời gian tham quan quá ít khiến khách muốn chi tiêu, giải trí cũng khó, trong khi đây là nhóm khách rất chịu chi.
Thực tế, ngay cả khi tàu biển ghé TP.HCM, theo các chuyên gia, nhóm du khách này cũng không có nhiều điều kiện để mua sắm, chi tiêu do ở đây vẫn chưa có một trung tâm mua sắm tập trung, cao cấp đúng nghĩa dành cho khách du lịch.
Khách Tây Âu hồi hộp…
Không chỉ với khách tàu biển, việc đón khách những nước Tây Âu, vốn được xem là đối tượng khách "chịu khó" chi tiêu, ngành du lịch cũng khá lúng túng. Ví dụ mãi đến giữa năm 2017, khi gần hết hạn chương trình miễn visa cho công dân 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý), VN mới có thông tin đồng ý tiếp tục miễn thị thực.
Kết thúc năm 2017, khách du lịch từ thị trường châu Âu đến VN vẫn tăng, đạt hơn 1,88 triệu lượt khách, tăng hơn 16%. Tuy nhiên, so với mức tăng của thị trường khách châu Á khác, con số này còn khiêm tốn.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, tổng giám đốc Vietravel, cho rằng chính sách miễn thị thực cho nhóm khách trên được công bố từng năm đang là thách thức cho doanh nghiệp du lịch và khách. "Kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp thường theo chiến lược trung hạn 3-5 năm...
Khách Âu cũng có thói quen đặt tour từ sáu tháng đến một năm trước khởi hành... Chính sách theo từng năm rất hồi hộp cho cả hai" - ông Kỳ nói và cho rằng chính sách miễn thị thực chỉ có giá trị một năm, năm sau sẽ công bố lại, không đủ để doanh nghiệp Việt Nam chủ động, tổ chức thị trường, quảng bá phát triển sản phẩm mới...
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Lửa Việt, cũng nhấn mạnh với nhóm khách Tây Âu, du lịch Việt không lo vỡ trận, quá tải vì họ không đến vồ vập số đông…
Cho rằng nhóm khách này đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao nhưng do ngành du lịch có ít sản phẩm phục vụ phân khúc cao cấp, ông Mỹ đánh giá những khách "chịu chi" đến Việt Nam khó chi tiêu do việc chơi gì, mua sắm gì cũng không hấp dẫn, cạnh tranh hơn các nước xung quanh...
Biết nhưng khó thay đổi…
Theo Sở Du lịch TP.HCM, trong chiến lược phát triển du lịch thời gian tới, TP.HCM vẫn xác định du lịch đường thủy, du lịch tàu biển là một trong những sản phẩm chủ lực.
Muốn đón được nhiều khách, hệ thống cầu cảng phải được đầu tư hơn nữa.
Tuy nhiên, ông Lã Quốc Khánh - phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM - cho rằng đây lại là câu chuyện chỉ ngành du lịch TP không giải quyết được.
Muốn gỡ nút thắt về cảng hành khách chuyên dụng, đường vào bến bãi… cần có sự tham gia của ngành giao thông vận tải.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận