Doanh nghiệp mong muốn chính quyền đồng hành để vừa chống dịch vừa sản xuất, đừng vì sợ trách nhiệm mà ban hành các biện pháp chống dịch cứng nhắc - Ảnh: N.HIỂN
Cả nước vừa hứng chịu nhiều tổn thất, khó khăn do đại dịch COVID-19 và đang nỗ lực phục hồi, điều các đại biểu quan tâm là vắc xin nào chữa bệnh "sợ trách nhiệm" của cán bộ nhằm tạo đà thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế.
Bảo vệ người dám làm, không tư lợi
Đại biểu Hoàng Anh Công - phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội - chia sẻ:
"Kết luận 14 của Bộ Chính trị vừa qua về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung cũng chính là tâm huyết của Thủ tướng Phạm Minh Chính thời điểm còn là trưởng Ban Tổ chức trung ương. Với tâm huyết xuyên suốt như thế mong Thủ tướng sẽ quyết liệt khắc phục sự trì trệ, tạo đột phá trong việc thể hiện trách nhiệm của cán bộ".
Việc đầu tiên Thủ tướng khi nhậm chức là yêu cầu các địa phương rà soát tất cả quy định pháp luật liên quan đến kinh tế, đầu tư, quy hoạch, lĩnh vực đời sống xã hội. Như vậy, Chính phủ đã nhìn thấy hạn chế, nguyên nhân và bây giờ là sửa lại.
"Không thể giải quyết bệnh này một sớm một chiều nhưng cần một tuyên ngôn rõ ràng. Bộ Chính trị gần đây đã có những tuyên ngôn lớn để bảo vệ người dám nghĩ, dám xả thân vì công việc chung, dám vì lợi ích của nhân dân, của đất nước sẵn sàng chịu rủi ro. Cần phải sớm đưa chủ trương này vào cuộc sống bằng pháp luật" - ông Công chia sẻ.
Theo ông Công, cần sớm rà soát, khắc phục ngay bất cập của pháp luật trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ này để sớm có hệ thống pháp luật thống nhất. Đầu tiên rà soát từng điều, quy định để khẩn trương đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm nay và năm sau.
Những quy định chung chung, có thể áp dụng tùy tiện cần được thay đổi, càng cụ thể hóa bao nhiêu càng tốt.
"Lúc này nếu giao cho các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ giám sát lại những vụ án, vụ việc xảy ra và căn cứ kết luận 14 để tìm ra và bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đột phá, không tư lợi sẽ càng khẳng định chủ trương của Bộ Chính trị" - ông Công ý kiến.
Phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát
Ở góc nhìn khác, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng "Thủ tướng, với vai trò là tổng tư lệnh, sẽ đưa ra được những cơ chế để vừa khuyến khích cán bộ làm việc, nâng cao tính chủ động, sáng tạo hơn nữa, tránh tình trạng phân cấp, phân quyền nhưng không chấn chỉnh, xử lý".
Đại biểu An đề nghị để khắc phục những bất cập trong thực thi hiện nay, như một số ý kiến cho rằng là né tránh, sợ trách nhiệm, trước hết phải đề cao tinh thần, nêu cao sự chủ động, tự giác của mỗi lãnh đạo, cán bộ để thực hiện nghiêm vai trò, chức trách, đúng bổn phận của người cán bộ, lãnh đạo.
Nhưng đi kèm với đó, cơ chế, thể chế cần rõ ràng hơn nên cần rà soát, đánh giá tổng thể, linh hoạt các quy định, không phải mỗi lúc đưa ra một kiểu.
Chia sẻ thêm, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) - phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho rằng trong văn kiện Đại hội Đảng 13 nêu khâu tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu. Nên ông Giang mong muốn trong phạm vi điều hành của Chính phủ, Thủ tướng cần phải chỉ ra yếu ở đâu.
Rất nhiều nghị quyết, văn bản nêu ra cần quyết liệt, tăng cường hơn trong thực thi. Cũng không thể cho rằng do quy định pháp luật còn bất cập. Thực tế chúng ta rà soát liên tục các quy định pháp luật để phù hợp thực tiễn hơn, đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Do đó, không phải mọi vấn đề đều cho rằng do cơ chế, pháp luật, quy định còn bất cập. Nên trước khi nói vấn đề sợ trách nhiệm thì phải đặt ra yêu cầu người cán bộ, lãnh đạo đó đã làm đúng pháp luật đã quy định hay chưa.
"Cán bộ công chức chỉ làm những gì mà pháp luật cho phép. Do đó, gắn với phân cấp, phân quyền phải phân bổ nguồn lực về con người, tài chính cho phù hợp, đi kèm với tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra để kịp thời phát hiện, xử lý những bất cập, chấn chỉnh những vi phạm" - ông Giang kiến nghị.
* Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Cà Mau):
Cần khơi thông nguồn lực vùng ĐBSCL
Công nhân thi công đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận để kịp thông xe cuối tháng 11 - Ảnh: TÚ ANH
Vấn đề được tôi quan tâm nhất là cơ chế chính sách cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong phiên chất vấn của bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư đã phần nào làm rõ.
Tuy vậy, trong phần trả lời chất vấn của Thủ tướng, tôi rất mong Thủ tướng sẽ có thông tin thêm về định hướng cơ chế, chính sách trong phát triển vùng.
Mong mỏi người dân của vùng là cần có cơ chế phù hợp để đồng bằng phát triển nhanh, bền vững tốt nhất, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã chậm hoàn thành. Việc chưa có quy hoạch tạo nên điểm nghẽn, điểm khó cho vùng.
Do đó, để giải quyết vấn đề này cần có cơ chế đặc thù cho vùng, như cơ chế vay lại cho nguồn vốn ODA làm sao chúng ta đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chống biến đổi khí hậu, tích tụ ruộng đất để sản xuất tập trung, để sức cạnh tranh hàng hóa nông nghiệp được nâng cao.
* Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp):
Nên chấp nhận thâm hụt ngân sách?
Để hỗ trợ an sinh xã hội và phục hồi nền kinh tế sau đại dịch thì cần một gói hỗ trợ đủ lớn về tài khóa, đặc biệt là hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt.
Tuy nhiên, nếu làm như vậy sẽ vượt chỉ tiêu bội chi ngân sách nhà nước, tăng nợ công, tăng nợ Chính phủ. Nhưng nếu không có giải pháp hỗ trợ đủ lớn kinh tế sẽ chậm phục hồi.
Do đó, tôi mong muốn Thủ tướng làm rõ hơn, liệu chúng ta chấp nhận thâm hụt ngân sách, vượt trần nợ công hay hỗ trợ không đủ lớn, không đủ liều, không đủ kịp thời?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận