Ông Mai Văn Huỳnh - Ảnh: K.NAM
Trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Mai Văn Huỳnh, phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang, nói:
- Chúng tôi nhận thấy, mặc dù quyết tâm, nỗ lực trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nhưng đến thời điểm này, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang vẫn còn khá cao so với các tỉnh lân cận.
Số ca mắc trong ngày, nhất là số ca mắc trong cộng đồng có giảm so với trước đây nhưng vẫn còn ở mức cao, đến 16-9, Kiên Giang ghi nhận tổng cộng 4.113 ca F0, trong đó trên 40,2% trong cộng đồng.
Điều này do Kiên Giang làm chưa tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, báo cáo với Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 chưa rõ, đầy đủ và kịp thời thông tin về tình hình và phương án, biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại địa phương, nên đã để Thủ tướng lo lắng, phê bình tỉnh Kiên Giang.
Những ý kiến phê bình, chỉ đạo của Thủ tướng là xác đáng, lãnh đạo tỉnh xác định đây là cơ sở quan trọng để tỉnh rút kinh nghiệm, có giải pháp thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 tốt hơn trong thời gian tới.
Chặt ngoài, lỏng trong
* Diễn biến dịch phức tạp, nhưng có hay không việc chỉ đạo phòng chống dịch trong thời gian qua chưa tốt, có tình trạng "chặt ngoài, lỏng trong" nên chưa ngăn kịp lây nhiễm trong cộng đồng, thưa ông?
- Kiên Giang xác định công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm trong thời điểm này. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện các ổ dịch mới nằm ở một số địa phương là vùng an toàn trước đây, chứng tỏ các địa phương này thực hiện chưa nghiêm chỉ đạo của Ban thường vụ Tỉnh ủy về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Có nơi còn bị động, lúng túng, thiếu kiểm tra, giám sát trong công tác phòng, chống dịch tại địa phương, nhất là thực hiện biện pháp giãn cách xã hội theo chỉ thị 16.
Công tác quản lý địa bàn, khu vực phong tỏa không chặt chẽ, có hiện tượng "chặt ngoài, lỏng trong" để người dân đi lại nhiều, làm lây lan dịch. Tổ chức xét nghiệm sàng lọc F0 không kịp thời, chặt chẽ, bỏ sót đối tượng, chưa kiểm soát được dịch theo kế hoạch của tỉnh. Tỉnh đã chỉ đạo chấn chỉnh hạn chế trên.
* Sau cuộc họp với Thủ tướng, lãnh đạo tỉnh đã làm gì, rút kinh nghiệm ra sao để công tác chỉ đạo điều hành phòng chống dịch hiệu quả hơn?
- Ngay sau các cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng và các bộ, ngành về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Ban chỉ đạo tỉnh mà trực tiếp là Thường trực Tỉnh ủy đã có nhiều cuộc làm việc với các ngành, các cấp trong tỉnh để kiểm tra, chấn chỉnh những điểm còn hạn chế thời gian qua.
Trước mắt, yêu cầu các huyện, thành phố thuộc diện nguy cơ cao (6 địa phương: Hà Tiên, Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất, Châu Thành và Rạch Giá) phải phân công các ủy viên ban thường vụ, cấp ủy viên cùng lãnh đạo các xã, phường, thị trấn đảm nhận từng khu vực phong tỏa.
Bảo vệ thật nghiêm ngặt các địa điểm này với tinh thần "ai ở đâu ở yên đó", dứt khoát không để người dân tự phát rời khỏi khu vực làm lây lan dịch bệnh.
Địa phương nào thời gian qua thực hiện chưa tốt công tác phòng, chống dịch phải rút kinh nghiệm, chấn chỉnh ngay những hạn chế, yếu kém; đồng thời cương quyết xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân chủ quan, lơ là, thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch.
Kiên Giang tăng cường mua máy móc, sinh phẩm để đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm sàng lọc - Ảnh: K.NAM
Làm gì để khắc phục tình hình?
* Vậy giải pháp cụ thể nào sẽ được tỉnh triển khai để sớm trở lại bình thường mới, thưa ông?
- Ban chỉ đạo đã thống nhất bảo vệ chắc vùng xanh, khoanh vùng tới từng khu phố, ấp để dễ quản lý. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ sàng lọc F0 trong cộng đồng, truy vết cách ly triệt để F1, F2 không để lây lan rộng mầm bệnh, chặt đứt chuỗi lây nhiễm.
Từ đây tới ngày 21-9 là chiến dịch xét nghiệm thần tốc tại các huyện nguy cơ cao là Giang Thành, Hòn Đất, Kiên Lương, Hà Tiên và Rạch Giá. Trước mắt, tỉnh đã đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ cho tỉnh 3 xe lấy mẫu xét nghiệm di động với công suất 3.000 mẫu đơn/ngày.
Thực tế trong 14 ngày gần đây cho thấy, khi bắt đầu truy vết F0 thì số ca nhiễm tăng trong 1-3 ngày liền kề, nhưng sau đó sẽ giảm dần. Điều này cho thấy giải pháp sàng lọc cộng đồng triệt để sẽ chặn đứng đà lây lan. Cộng với công tác khoanh vùng quản lý chặt chẽ khu vực cách ly, phong tỏa sẽ sớm đưa cả tỉnh về mức độ vùng xanh và từng bước áp dụng trạng thái bình thường mới.
* Thủ tướng đã có ý kiến cho phép đảo Phú Quốc mở cửa đón khách quốc tế trở lại từ tháng 10-2021. Tình hình dịch bệnh còn phức tạp của tỉnh có ảnh hưởng tới chủ trương này không?
- Có ảnh hưởng, nhưng không nhiều bởi các địa phương trong tỉnh và trong nước còn dịch thì đảo Phú Quốc không thể an toàn tuyệt đối khi mở cửa trở lại. Vì thế, tỉnh đã đề nghị Trung ương ưu tiên phân bổ vắc xin riêng để tiêm cho toàn dân trên đảo Phú Quốc.
Hiện Phú Quốc đã tiêm vắc xin mũi 1 cho khoảng 35.000 người, mũi 2 khoảng 5.000 người, tỉ lệ tiêm tương ứng là 35% và 5%. Dự kiến, ngày 21-9 tới đây sẽ tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm vắc xin Moderna mũi 1. Tới đầu tháng 10 sẽ tiêm mũi 1 cho 109.000 người còn lại, đến cuối tháng 10 hoàn tất tiêm 2 mũi cho người dân trên đảo (trừ trẻ em dưới 18 tuổi và người trên 65 tuổi).
Việc Chính phủ chọn Phú Quốc để thí điểm đón khách quốc tế hoàn toàn có cơ sở khi từ đầu dịch tới nay, hòn đảo này vẫn là vùng xanh, chưa có ca nhiễm cộng đồng nào. Để Phú Quốc đón khách trở lại thì không chỉ riêng địa phương này phủ vắc xin toàn dân, mà các địa phương trong đất liền có kết nối trực tiếp là Rạch Giá, Hà Tiên... cũng phải đạt miễn dịch cộng đồng mới chắc chắn. Do vậy tỉnh đang kiến nghị trung ương bổ sung thêm nguồn vắc xin.
Trong khi chờ vắc xin, địa phương đã tích cực chuẩn bị các bước cần thiết như lựa chọn khu nghỉ dưỡng tham gia thí điểm đón khách trở lại; hoạch định cung đường khép kín đón du khách, chuẩn bị các biện pháp an toàn tại sân bay, bến cảng, bến tàu… Tất cả gần như đã sẵn sàng, chỉ còn bắt tay thực hiện thôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận