Hội nghị trực tuyến Bộ Kế hoạch và Đầu tư sáng 16-1 - Ảnh: LÊ TIÊN
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc đạt tốc độ tăng GDP 7,08% và ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tài chính, thương mại thế giới có nhiều biến động, nhiều nền kinh tế tăng trưởng chậm lại đã cho thấy năng lực nội tại, sức cạnh tranh của nền kinh tế tăng lên.
Tuy nhiên, ông Dũng nhìn nhận năm 2019 tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng chậm lại và tác động của căng thẳng thương mại là hiện hữu, xu hướng bảo hộ thương mại và căng thẳng địa chính trị chứa đựng nhiều nguy cơ rủi ro.
Bất bình đẳng thu nhập có xu hướng tăng
Đặc biệt, nguy cơ tụt hậu vẫn rất nghiêm trọng; bất bình đẳng về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư có xu hướng gia tăng, các vấn đề về môi trường, tác động của biến đổi khí hậu, hội nhập đặt ra nhiều thách thức.
Chúng ta có lý do để lo lắng đối với mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 là GDP bình quân đầu người đạt 3.200 - 3.500 USD cũng như mục tiêu tầm nhìn đến năm 2035 là 10.000 USD/1 người.
Do đó, ông Dũng cho rằng cần tận dụng các cơ hội đem lại từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư. Kiên định mục tiêu, giải pháp ngắn hạn và dài hạn nhằm hướng tới đạt được sự phát triển bứt phá với 6 trọng tâm.
Bao gồm, hiện đại hóa nền kinh tế và phát triển khu vực tư nhân; Xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; Nâng cao hiệu quả kinh tế trong đô thị hóa và phát triển lãnh thổ; Phát triển bền vững về môi trường và tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; Đảm bảo công bằng và thúc đẩy hòa nhập xã hội; Xây dựng thể chế hiện đại và Nhà nước hiệu quả.
Các cấp ngành cần ra sức thi đua, đạt kết quả bứt phá về lực lượng sản xuất; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nhanh chóng hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo; thúc đẩy tăng trưởng bứt phá ở các cực tăng trưởng, các địa phương đầu tàu kinh tế.
Đồng thời cần cải thiện bứt phá hiệu quả quản trị nhà nước gắn liền với xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả phù hợp với kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế; nâng cao hiệu quả thực thi, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Khắc phục căn bản tình trạng "trên nóng dưới lạnh" và "kinh tế 4.0 nhưng quản lý mới 1.0".
Mạnh dạn "từ bỏ đặc quyền"
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: chưa bao giờ Bộ KH&ĐT lại có khối lượng tăng đột biến như hiện tại, trở thành một trong những bộ đi tiên phong cả về đổi mới tư duy và hành động.
Theo đó, Bộ đã đưa ra nhiều sáng kiến, như xây dựng mô hình kinh tế chia sẻ, tổ chức mạng lưới đổi mới sáng tạo, gặp mặt hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học trên thế giới, là cơ quan chủ trì Chiến lược quốc gia về cách mạng 4.0 và đề án xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo VN...
Đồng tình với các nhiệm vụ, giải pháp mà Bộ KH&ĐT đưa ra, Phó Thủ tướng cho rằng nhiều nhiệm vụ đặt ra trong năm 2019 như: xây dựng chính sách FDI, hướng dẫn thực hiện các luật như Luật Quy hoạch, đề án cách mạng 4.0, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; đề án nâng cao tính tự chủ, năng lực nội tại của nền kinh tế...
Đồng thời, Bộ KH&ĐT là cơ quan tham mưu xử lý các vấn đề ngắn hạn và dài hạn như củng cố vĩ mô, duy trì động lực tăng trưởng. Đơn cử như việc củng cố tư nhân để thành động lực quan trọng, trong đó có giải quyết cả môi trường đầu tư kinh doanh và thị trường.
Hay vấn đề thúc đẩy cổ phần hóa gắn với niêm yết. Thu hút FDI chuyển từ số lượng sang chất lượng, tập trung vào công nghệ cao, gắn kết với sản xuất trong nước. Đẩy mạnh vai trò của kinh tế tập thể. Xây dựng thể chế cho hợp tác công tư để tập trung đầu tư hạ tầng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận