17/05/2024 08:27 GMT+7

Khắc phục bất cập trong dự án chống ngập

Trận mưa đầu mùa ngày 15-5 gây ngập nhiều nơi tại TP.HCM qua đó bộc lộ một số vấn đề bất cập trong công tác chống ngập.

Mưa lớn, nước chảy cuồn cuộn như thác trên đường Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức, TP.HCM) chiều 15-5 - Ảnh: CHÂU TUẤN

Mưa lớn, nước chảy cuồn cuộn như thác trên đường Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức, TP.HCM) chiều 15-5 - Ảnh: CHÂU TUẤN

Điển hình là công trình chống ngập đầu tư hàng trăm tỉ vừa đưa vào hoạt động Võ Văn Ngân. Dự án này vừa khánh thành ngày 27-4 nhưng đã bị nước mưa thổi bung nắp cống, tróc nhựa đường, lún sụt vỉa hè, ngập một số điểm.

Hiện tại những hệ thống thoát nước xung quanh chưa được đầu tư đồng bộ mà chỉ có mỗi cống thoát nước đường Võ Văn Ngân vừa được xây dựng thì gánh không nổi.

Khắc phục bất cập trong dự án chống ngập- Ảnh 2.Ông TRẦN NHÂN (giám đốc điều hành dự án thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP Thủ Đức)

Vừa hoàn thành đã hư hỏng

Tại TP Thủ Đức, nhiều tuyến đường khác cũng biến thành sông như Lê Văn Việt, Tô Ngọc Vân, Kha Vạn Cân, Nguyễn Thị Rành, Dương Văn Cam. Phức tạp nhất tại khu vực chợ Thủ Đức, nước mưa từ các nơi dồn về gây ngập sâu, có đoạn ngập hơn nửa mét khiến người đi xe máy phải dắt bộ.

Đánh giá tổng thể thì việc ngập nước trên đường Võ Văn Ngân đã giảm ở nhiều vị trí so với trước đây. Nước thoát nhanh hơn. Đặc biệt đoạn Đặng Văn Bi về chợ Thủ Đức trước kia bị ngập nước chảy xiết như thác thì hiện nay đã không còn. Trên tuyến đường có nhiều miệng cống hở được thiết kế ngang đường (lắp vỉ sắt) để thu nước, cắt dòng chảy tràn. Dọc vỉa hè miệng cống cũng được mở rộng hơn để tăng khả năng thu nước khi mưa lớn.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều người bức xúc là dự án chống ngập gần 250 tỉ đồng vừa hoàn thành vẫn không giải quyết triệt để tình trạng ngập như kỳ vọng. Một số đoạn vẫn còn ngập, kèm theo đó là hình ảnh nắp cống bị bật tung. Nhiều nhân viên thoát nước phải đứng cạnh các nắp cống này để cảnh báo người đi đường. Nước mưa chảy mạnh khiến mảng nhựa đường mới cũng bị bong tróc.

Bà Nguyễn Thị Sảy (ngụ phường Linh Tây, TP Thủ Đức) cho biết từ đầu mùa mưa đến nay mới xảy ra tình trạng nước ngập và chảy xiết ở khu vực chợ Thủ Đức và đường Võ Văn Ngân. So với mọi năm thì đường Võ Văn Ngân đã giảm ngập hơn hẳn.

Tuy nhiên tại một số đường lân cận chợ vẫn ngập sâu. "Điều này không những khiến người dân đi lại khó khăn mà các hàng quán như nhà tôi cũng rơi vào tình cảnh ế ẩm", bà Sảy nói.

Nước ngập như sông trên đường Kha Vạn Cân (đoạn bên hông chợ Thủ Đức) chiều tối 15-5- Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Nước ngập như sông trên đường Kha Vạn Cân (đoạn bên hông chợ Thủ Đức) chiều tối 15-5- Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Chưa đầu tư đồng bộ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Nhân - giám đốc điều hành dự án thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP Thủ Đức - cho biết nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nước chảy xiết trên đường Võ Văn Ngân và ngập cục bộ ở chợ Thủ Đức là do mưa lớn. Thêm vào đó, địa chất khu vực này bị trũng. Đồng thời do nước chảy từ trên cao đổ về khu vực chợ Thủ Đức như Kha Vạn Cân, Võ Văn Ngân (có độ dốc lớn - PV) trong thời gian nhanh.

Ngoài ra, khi làm cống mới (có diện tích thu nước lớn), nước thu về rất nhanh nhưng đoạn hạ lưu là khu vực rạch Thủ Đức không thoát kịp gây ngập cục bộ. Trùng với ngày 15-5 có triều cường nên nước ở rạch Cầu Ngang dâng cao hơn miệng cống. Nước chảy mạnh trong lòng cống tạo áp lực bên trong làm bung nắp một số miệng cống lân cận nhưng sau đó nước rút khá nhanh.

"Dự án Võ Văn Ngân đưa vào hoạt động đã giúp tuyến đường này đỡ ngập nhiều hơn trước. Đặc biệt, tại đoạn đốc từ đường Đặng Văn Bi về chợ Thủ Đức không còn cảnh nước chảy cuồn cuộn như thác. Theo thiết kế trước nay, chủ đầu tư vẫn yêu cầu đơn vị thi công chấp hành theo quy trình để đảm bảo các hạng mục. Trong thời gian ngắn 1 - 2 ngày chúng tôi sẽ rà soát lại, kiểm tra tổng thể về thiết kế... Cố gắng khắc phục chuyện bung nắp cống và điều chỉnh nếu vấn đề liên quan đến thiết kế" - ông Nhân khẳng định.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP Thủ Đức, dự án xây dựng cống thoát nước đường Võ Văn Ngân thi công cuối năm 2020 và khánh thành ngày 27-4. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 248 tỉ đồng (giá trị xây lắp khoảng 100 tỉ đồng).

Dự án này xây dựng hệ thống thoát nước với chiều dài tuyến khoảng 2.459m, cống tròn và cống hộp đôi, làm mới bó vỉa, vỉa hè và thảm lại mặt đường. 

Mục tiêu của dự án nhằm giải quyết thoát nước cho tuyến đường Võ Văn Ngân (nhất là đoạn từ đường Đặng Văn Bi đến vòng xoay chợ Thủ Đức), hoàn chỉnh hệ thống thoát nước khu vực theo quy hoạch và chỉnh trang đô thị.

Ông Nhân cũng thừa nhận: "Hiện tại, những hệ thống thoát nước xung quanh chưa được đầu tư đồng bộ mà chỉ có mỗi cống thoát nước đường Võ Văn Ngân vừa được xây dựng thì gánh không nổi".

Sơ đồ 6 điểm ngập quanh chợ Thủ Đức Nguồn: UBND TP Thủ Đức - Đồ họa: N.KH.

Sơ đồ 6 điểm ngập quanh chợ Thủ Đức Nguồn: UBND TP Thủ Đức - Đồ họa: N.KH.

Để giải quyết căn cơ

Trong khi đó, ông Lưu Văn Tấn - giám đốc Trung tâm Phát triển quản lý hạ tầng TP Thủ Đức - cũng cho rằng dự án xây dựng cống thoát nước đường Võ Văn Ngân có góp phần cải thiện tình trạng ngập ở khu vực này. Tuy nhiên, vấn đề ngập và nước chảy xiết vẫn còn xuất hiện một vài vị trí do lượng mưa ngày 15-5 quá lớn.

Đối với dự án thoát nước đường Dương Văn Cam - Nguyễn Thị Rành trước đây do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM phụ trách. Vừa qua đã giao về Trung tâm Phát triển quản lý hạ tầng TP Thủ Đức.

Hiện nay, HĐND TP.HCM đã đưa các dự án này vào danh sách chuẩn bị triển khai nhưng chưa ghi vốn. Cụ thể là các dự án trên đường Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Hồ Thị Tư quanh chợ Thủ Đức vẫn phải chờ.

Về việc giải quyết căn cơ tình trạng ngập ở khu vực quanh chợ Thủ Đức, ông Tấn nhận định phải làm tổng hòa nhiều yếu tố, nhiều dự án và hạng mục công trình khác nhau. Ví dụ như hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân, dự án cải tạo thoát nước đường Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Hồ Thị Tư...

Bên cạnh đó, mở rộng kích thước đường thoát nước ở cống cầu Ngang (trên rạch Thủ Đức). Do kích thước hiện tại không đủ kiểm soát nước, bề ngang chỉ có 5m. Rạch Thủ Đức cũng cần nạo vét, khơi thông dòng chảy, vận hành cống kiểm soát triều và lắp đặt trạm bơm để thoát nước. Hiện nay, cống kiểm soát triều do một công ty của Sở NN&PTNT quản lý chưa bàn giao cho TP Thủ Đức nên vẫn đang vận hành cơ chế thủy lợi. Cống này chưa hỗ trợ nhiều cho công tác chống ngập.

"Tôi cũng mong muốn sớm bàn giao khu vực đường này cho TP Thủ Đức quản lý để kết hợp vận hành đúng quy tắc chống ngập. Do mật độ bê tông hóa nhiều nên việc cần thiết bây giờ phải có hồ điều tiết khu vực Võ Văn Ngân để giảm bớt áp lực. Đó là một trong những lý do cần nhiều giải pháp tổng hòa để giảm ngập căn cơ", ông Tấn phân tích.

Tuy nhiên vấn đề trước mắt, theo ông Tấn, cần khẩn trương cải tạo rạch Thủ Đức, tăng cường nạo vét, khơi thông hạ lưu. Trong quá trình vận hành duy tu thì nạo nét và vớt rác thường xuyên.

Bàn về giải pháp không xảy ra hiện tượng tăng áp dẫn đến bung bật nắp cống trên đường Võ Văn Ngân, tiến sĩ Phạm Viết Thuận - viện trưởng Viện Kinh tế, tài nguyên và môi trường TP.HCM - cho rằng cần phải tách dòng hợp lý thì mới giải quyết được.

Cống thoát nước trên đường Võ Văn Ngân cần có riêng dẫn lưu ra cửa xả. Cống này đi độc lập với hệ thống thoát nước hiện hữu của khu vực chợ Thủ Đức. "Tuy nhiên cần phải có khảo sát đánh giá cụ thể mới có giải pháp chính xác, hiệu quả được", ông Thuận nói.

Chợ Thủ Đức bị ngập nặng nhất vào ngày 15-5

Theo thống kê của Trung tâm Phát triển quản lý hạ tầng TP Thủ Đức, từ 14h25 đến 18h ngày 16-5, trạm đo lượng mưa ở đường Dương Văn Cam ghi nhận 122,8mm, trạm Phú Hữu 74mm, Nguyễn Hữu Cảnh 52mm, Nguyễn Xiển 41,6mm.

Cụ thể, trung tâm ghi nhận 15 điểm ngập trên các tuyến đường gồm: Nguyễn Văn Hưởng (trước chung cư Hoàng Anh Gia Lai, ngập dài 65m, ngập 0,15m), Nguyễn Duy Trinh (đoạn giao Nguyễn Tư Nghiêm và Nguyễn Tuyển, dài 200m, ngập 0,2m), Lê Văn Việt (giao đình Phong Phú và hẻm 201, dài 960m, ngập 0,3m) Lã Xuân Oai (đoạn số nhà 12 và hẻm 102, dài 150m, ngập 0,3m)...

Phức tạp nhất tại khu vực quanh chợ Thủ Đức, đường Dương Văn Cam (giao Lê Văn Tách và Kha Vạn Cân, dài 200m, ngập 0,6m), Đặng Thị Rành (giao Dương Văn Cam và Tô Ngọc Vân, dài 150m, ngập 0,45m), Hồ Văn Tư (giao Đoàn Công Hớn và hẻm 94, dài 180m, ngập 0,3m), Võ Văn Ngân (giao Đặng Văn Bi và chợ Thủ Đức, dài 200m, ngập 0,15m), Tô Ngọc Vân (giao Linh Đông và cửa xả suối Linh Tây, dài 100m, ngập 0,3m).

Trong khi đó, theo báo cáo của Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, từ 14h25 đến 18h45 ngày 15-5, lượng mưa ghi nhận cao nhất là 87,9mm tại Dương Quảng Hàm (Gò Vấp), Bình Triệu 0,74mm. Tuyến đường xuất hiện ngập tức thời là Nguyễn Văn Khối, Phan Huy Ích, Lê Văn Thọ, Phạm Văn Chiêu, Lê Đức Thọ, Ung Văn Khiêm, Bạch Đằng, Đinh Bộ Lĩnh, Trường Sơn, Phan Văn Hớn, song hành quốc lộ 22.

120 dự án chống ngập, xử lý nước thải

120 dự án giảm ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2021 - 2025 cần tới 101.000 tỉ đồng, tuy nhiên TP.HCM không thể bỏ ra một lúc số tiền khổng lồ như vậy. Hiện tại TP vẫn đang phải cân đối cho các dự án trọng yếu giải quyết các rốn ngập lớn.

Tại một số nơi, sự đầu tư chưa đồng bộ hệ thống thoát nước dẫn tới tính hiệu quả các dự án chưa cao. Câu chuyện đường Võ Văn Ngân, TP Thủ Đức vừa khánh thành hệ thống thoát nước, chống ngập chưa tròn 20 ngày vẫn còn ngập là một minh chứng.

Sẽ triển khai đồng bộ chống ngập cho khu vực chợ Thủ Đức

Chiều 16-5, tại họp báo kinh tế - xã hội trên địa TP.HCM, ông Mai Hữu Quyết - phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức - đã thông tin trận mưa ngày 15-5 làm nhiều tuyến đường xung quanh chợ Thủ Đức ngập, có nơi ngập 0,3 - 0,45m và sâu nhất đường Dương Văn Cam có thời điểm ngập 0,6m.

Lý giải thêm, ông Quyết cho hay khu vực chợ Thủ Đức là vùng trũng, thấp hơn ngã tư Thủ Đức khoảng 20m và đường Phạm Văn Đồng khoảng 2 - 3m, các tuyến đường dốc nên khi mưa lớn sẽ tạo dòng chảy xiết về chợ Thủ Đức, gây ngập.

Đánh giá tính hiệu quả của hệ thống chống ngập đường Võ Văn Ngân, ông Quyết cho rằng dự án này đã mang lại hiệu quả bước đầu. Trước đây khu vực đường Võ Văn Ngân có hai điểm ngập tại khu vực nhà thờ và nhà thiếu nhi nhưng hiện không còn ngập. "Ngày 15-5, tôi cũng có mặt tại hiện trường thì thấy được rằng chợ Thủ Đức có ngập nhưng rút nhanh hơn trước đây. Thời gian rút nước khoảng 10 - 15 phút, so với trước đây khoảng 30 phút, có khi qua đêm", ông Quyết nói.

Đề cập giải pháp tổng thể chống ngập cho khu vực xung quanh chợ Thủ Đức, ông Quyết cho biết ngoài dự án thoát nước đường Võ Văn Ngân đã hoàn thành, TP Thủ Đức sẽ đầu tư đồng bộ các công trình giải quyết ngập cho các tuyến đường Dương Văn Cam, đường Đặng Thị Rành, đường Hồ Văn Tư và đường Kha Vạn Cân. Đồng thời cũng mở rộng rạch Thủ Đức từ 5m lên 9m và dự án điều tiết triều cường ra vào rạch Thủ Đức.

Còn khó do thiếu vốn

Nước chảy cuồn cuộn trên đường Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức) trong trận mưa chiều 15-5  - Ảnh: CHÂU TUẤN

Nước chảy cuồn cuộn trên đường Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức) trong trận mưa chiều 15-5 - Ảnh: CHÂU TUẤN

Sở Xây dựng TP.HCM có báo cáo về tình hình ngập do mưa và triều cường tại TP. Theo đó, TP.HCM có 18 điểm ngập (13 tuyến đường ngập do mưa và 5 tuyến đường ngập do triều cường).

Sở này cho biết cách đánh giá điểm ngập dựa theo tiêu chí các đường trục chính. Danh sách cụ thể của 18 đường trục chính bị ngập do mưa gồm: Phan Anh, Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (Cây Trâm), Hồ Học Lãm, quốc lộ 1, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Bạch Đằng, Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng. Còn ngập do triều cường gồm: đường Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn, Lê Văn Lương, Đào Sư Tích và quốc lộ 50.

Để giảm và xóa ngập đường do mưa tại TP.HCM, ông Lý Thanh Long - chánh văn phòng Sở Xây dựng TP.HCM - cho biết hiện tại TP.HCM đang chuẩn bị làm ba dự án chống ngập và cải thiện đường ống thoát nước ở quận Gò Vấp. Đó là cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Khối - Lê Văn Thọ, đường Quang Trung (từ Phạm Văn Chiêu đến cầu Chợ Cầu) và đường Lê Đức Thọ (từ Phạm Văn Chiêu đến Cầu Cụt). Sau khi dự án hoàn thành sẽ giải quyết được 4/13 tuyến đường trục chính ngập.

Còn vấn đề ứng phó trong thời gian chờ các dự án được hoàn thành, ông Long cho biết Sở Xây dựng TP.HCM đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, nạo vét lòng cống, kênh rạch, cửa thu và xả.

Đồng thời tổ chức kiểm tra việc vận hành các van ngăn triều đã được lắp đặt, vận hành tất cả các trạm bơm cố định để thoát nước, xây dựng các đoạn đê tạm ngăn triều, phối hợp với các đơn vị liên quan đấu nối cống, mở hướng thoát nước mới...

Ghi nhận tại TP.HCM thời gian qua cũng có một số công trình chống ngập đã đạt hiệu quả. Đơn cử như dự án thoát nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh. Trước đây chỉ cần một cơn mưa lớn khoảng 30 phút là đã ngập sâu trong nước, có đoạn ngập sâu cả mét. Sau khi triển khai dự án cải tạo đường, lắp đặt hệ thống thoát nước mới với tổng vốn đầu tư gần 473 tỉ đồng (hoàn thành vào cuối tháng 4-2021 - PV), từ đó đến nay cảnh ngập nước trên tuyến đường này không còn tái diễn.

Sở Xây dựng TP.HCM cũng nhìn nhận nhiều công trình chống ngập đều chậm tiến độ so với kế hoạch và nguyên nhân chủ yếu do khó khăn về nguồn vốn. Việc mời gọi đầu tư đối với lĩnh vực thoát nước, chống ngập vẫn còn hạn chế, chưa khuyến khích được các nguồn lực bên ngoài tham gia.

Mặt khác, theo Sở Xây dựng, các quy hoạch thoát nước trước đây của TP.HCM cũng được cho không còn phù hợp khiến tình trạng ngập nước vẫn tiếp diễn.

Lãnh đạo TP Thủ Đức giải thích thêm việc ngập đường Võ Văn Ngân và chợ Thủ ĐứcLãnh đạo TP Thủ Đức giải thích thêm việc ngập đường Võ Văn Ngân và chợ Thủ Đức

Sau khi tiếp nhận nhiều phản ánh của báo chí về tính hiệu quả của hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân sau trận mưa chiều 15-5, Phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức Mai Hữu Quyết đã có phản hồi chính thức.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp