Xem bóng đá trên điện thoại khi đang ở sân bay Nga - Ảnh: Reuters
Mỗi bốn năm một lần, lại đến và mang lại cho khán giả vô vàn cảm xúc. Sự mong ngóng, hồi hộp, tiếc nuối, vỡ òa, mỗi lần mang một hình dáng khác nhau nhưng cuối cùng đều là hiện thân cho sức hấp dẫn bất diệt của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
Sau 20 năm, người Việt trẻ ngày nay tận hưởng khác xưa như thế nào?
1. Bản quyền
World Cup 2018 là kỳ đầu tiên người Việt Nam đối mặt với nguy cơ không được theo dõi giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh vì lý do bản quyền vượt quá khả năng chi trả của đơn vị phát sóng. Giá mua bản quyền World Cup 1998 là 40.000 USD, đến năm 2018 đã tăng 350 lần.
Với thách thức ngày càng lớn về tài chính của chuyện bản quyền, người Việt trẻ đang dần chuẩn bị tinh thần cho việc sẽ tiếp cận những World Cup sau bằng cách trả phí, như các nước hiện đại khác đang làm.
"Tôi thấy việc này hoàn toàn hợp lý và công bằng. Mỗi ngày tiết kiệm 1 ngàn đồng, sau 4 năm, mỗi gia đình có thể tận hưởng World Cup một cách thoải mái với chất lượng cao nhất", chị Phạm Hồng Vân, 32 tuổi ở Hà Nội chia sẻ quan điểm.
2. Phương thức theo dõi
Ảnh: Reuters
TV là phương thức theo dõi World Cup gần như duy nhất từ 2014 trở về trước. Đến 2018, người Việt đã tận hưởng World Cup trên nhiều nền tảng khác như internet, ứng dụng di động.
Anh Lê Việt Hoàng, 26 tuổi ở TP.HCM cho biết: gia đình anh không có TV, nhưng vẫn xem đủ số trận đấu ở World Cup một cách thoải mái nhất.
Dù đang đi tàu điện vẫn có thể xem bóng đá - Ảnh: Reuters
3. Các trận đấu cùng giờ
"Tôi vẫn nhớ, đến World Cup 1998, VTV vẫn chỉ có 1 kênh để phát sóng World Cup. Muốn xem các trận đấu cùng giờ, phải chờ thêm 1,5 tiếng nữa để nhà đài "tua băng". Hiện nay, chỉ cần 2 TV, hoặc 2 trong số các thiết bị như máy tính, điện thoại, chúng ta đều có thể tận hưởng những trận đấu cùng giờ cùng lúc, nhanh, chính xác, toàn diện không kém FIFA", anh Cao Thanh Long, 31 tuổi, Hà Nội nhận xét.
4. Vừa xem vừa tương tác
Thời đại 4.0 cùng mạng xã hội đã giúp mọi người vừa xem bóng đá vừa có thể tương tác ngay lập tức các đánh giá, suy nghĩ của mình với cộng đồng. Ngày trước xem bóng đá xong hôm sau phải đi mua báo mới biết các diễn biến, đánh giá xung quanh trận đấu ra sao. Còn bây giờ, tất cả những thông tin thú vị nhất đều được chia sẻ chỉ vài giây sau khi diễn ra.
Chu trình sân - màn hình - mạng xã hội đã giúp các giải đấu và khán giả tới gần nhau hơn bao giờ hết.
5. Khán giả so tài bình luận viên
Fan tuyển Pháp ăn mừng sau khi đội nhà giành quyền vào tứ kết hôm 30-6 - Ảnh: Reuters
Quan điểm bình luận viên là người am hiểu bóng đá, có khả năng định hướng, phân tích chuyên môn của trận đấu với khán giả có lẽ đã lỗi thời. Nhiều bình luận viên bóng đá hiện tại thường xuyên để lộ nhiều vấn đề từ cả kiến thức, nhận định đến phép lịch sự tối thiểu là xin lỗi khi nói sai, cùng với các "khách mời" kém chuyên môn chiếm sóng thời gian quá dài khiến khán giả thấy khó chịu và không còn tin tưởng.
Bù lại, thế hệ khán giả trẻ của bóng đá với ưu thế về ngoại ngữ, công nghệ và đam mê thực sự, đã có cho mình những góc nhìn sắc sảo, chính xác và hài hước về chuyên môn lẫn các thông tin thú vị bên lề. Cùng với sự hỗ trợ của mạng xã hội, việc khán giả giỏi hơn bình luận viên, và chủ động, tự tin tận hưởng World Cup đã ngày càng trở thành xu hướng và nhận được tín nhiệm từ cộng đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận