Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM tạm phong tỏa chiều 12-6 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Trong số này có 7 nhân viên phòng công nghệ thông tin, 15 nhân viên phòng hành chánh quản trị. Như vậy, kể từ đầu đợt dịch lần thứ 4 đến nay, TP.HCM đã phong tỏa 3 bệnh viện, gồm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện quận Tân Phú và Bệnh viện tư nhân Nam Sài Gòn do có nhân viên nhiễm COVID-19. .
Bị nhiễm từ bên ngoài?
Cùng ngày, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM chuyển sang trạng thái "nội bất xuất, ngoại bất nhập" để Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) tiến hành truy xuất điều tra dịch tễ.
Ngay khi phát hiện các ca này, ngành y tế TP.HCM đã khẩn trương khoanh vùng, điều tra truy vết, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại bệnh viện và nơi cư trú.
Theo nguồn tin từ bệnh viện, hiện tất cả nhân viên của đơn vị (khoảng 900 người) đều đã được lấy mẫu xét nghiệm tầm soát COVID-19.
Theo nhận định ban đầu của ông Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, khả năng cao các nhân viên này bị nhiễm từ môi trường bên ngoài bệnh viện. Bởi các nhân viên này thuộc nhóm hành chính, không trực tiếp tiếp xúc với người bệnh.
Theo ông Thượng, trong thời gian tạm phong tỏa, bệnh viện vẫn duy trì công tác xét nghiệm chẩn đoán RT-PCR và chăm sóc bệnh nhân COVID-19 đang nằm điều trị.
Một nguồn tin từ Sở Y tế TP cho biết thêm nhiều khả năng các ca nghi nhiễm này có mối liên quan đến các ca nhiễm ở chung cư Ehome, quận Bình Tân, nơi đã xuất hiện chuỗi lây nhiễm với 8 người dương tính COVID-19, đang được ngành y tế điều tra dịch tễ.
Trước việc có nhiều nhân viên mắc COVID-19, cùng hàng loạt cơ sở y tế có người mắc COVID-19 từng đến khám chữa bệnh... cho thấy các cơ sở y tế đang phải đối diện với một sức ép về năng lực "phòng thủ" rất cao. Vừa phải đảm bảo công tác điều trị, vừa phải gồng mình đối phó với dịch có thể xâm nhập bất cứ lúc nào.
"Các bệnh viện đang đứng trước một thách thức lớn, hoặc sẽ trở thành nơi lây lan mầm bệnh với hậu quả khó lường nếu thực hiện không tốt sàng lọc, cấp cứu sàng lọc; hoặc trở thành nơi phát hiện ca mắc mới có nguồn gốc trong cộng đồng để hệ thống dự phòng kịp thời truy vết, khoanh vùng, dập dịch" - ông Thượng khuyến cáo.
Tình nguyện viên hướng dẫn người dân khai báo y tế vào chiều 12-6 tại chốt trạm Phan Văn Trị, Q.Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: NHẬT THỊNH
"Chia lửa" cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới
Việc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM tạm thời bị phong tỏa là một diễn biến khá bất ngờ với người dân cũng như nhân viên y tế ở khu vực phía Nam. Bởi đây là 1 trong 8 bệnh viện được ngành y tế phân công điều trị COVID-19 và là đơn vị nòng cốt tiếp nhận điều trị các bệnh nhân nặng.
Bệnh viện này còn là nơi "chia lửa", cử lực lượng tiếp quản Bệnh viện dã chiến Củ Chi và thường xuyên chi viện cho các tỉnh phòng chống dịch.
Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM được thiết kế quy mô điều trị COVID-19 với 400 giường, trong đó có 33 giường hồi sức. Tại bệnh viện hiện đang có 46 bệnh nhân nhiễm COVID-19 điều trị, trong đó có 10 bệnh nhân tiên lượng nặng.
Ông Tăng Chí Thượng cho biết từ nhiều ngày trước đó, ngành y tế đã chủ động triển khai thêm Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi và đơn vị điều trị COVID-19 của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch nhằm "chia lửa" cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
"Cả hai bệnh viện này chính thức đi vào hoạt động từ chiều 12-6 với nguồn lực là các bác sĩ chuyên khoa nhiễm, hồi sức, cấp cứu được điều động từ các bệnh viện tuyến cuối của thành phố.
Cũng giống như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, cả hai sẽ đảm trách việc tiếp nhận tất cả bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ và nặng theo đúng phương châm 4 tại chỗ của Bộ Y tế" - ông Thượng nói.
Theo đánh giá của Sở Y tế TP, nhân viên y tế đang đứng trước "nguy cơ lây nhiễm kép", có thể nhiễm từ người mắc bệnh đến khám hoặc bị lây nhiễm từ ngoài môi trường. Và nếu không tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh, đây có thể là nguồn lây nhiễm cho các nhân viên khác trong bệnh viện.
Để hạn chế thấp nhất nguy cơ phát sinh những chuỗi lây nhiễm này, chiều cùng ngày, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản hỏa tốc gửi các bệnh viện công lập và ngoài công lập trên địa bàn, yêu cầu nhân viên y tế tuân thủ quy định phòng chống dịch COVID-19 trước, trong và sau giờ làm việc.
Ngành y tế TP.HCM cũng đề nghị tất cả viên chức, người lao động trong bệnh viện phải nâng cao trách nhiệm và tinh thần tự giác phòng chống dịch bệnh. Sau giờ làm việc ở bệnh viện, nhân viên y tế chỉ nghỉ ngơi và làm việc tại nhà, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh.
* Ông Trần Đắc Phu (nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế):
Nếu dịch lan rộng, cần có biện pháp mạnh
Theo dõi tình hình dịch tại TP.HCM vừa qua, tôi thấy có nhiều điểm dịch chứ không phải tập trung vào một điểm, mức độ phức tạp và có lây lan trong cộng đồng.
Do đó, theo tôi, có nên tiếp tục áp dụng biên pháp giãn cách xã hội tại TP.HCM hay không phải dựa trên việc xác định quy mô dịch như thế nào.
Phải xác định các yếu tố nguy cơ để xem dịch có bùng lên hay chỉ là các đốm lửa nhỏ, nếu dịch có nguy cơ bùng lên phải có biện pháp riêng.
Trong đợt dịch này, với chủng virus mới lây lan nhanh nên tôi cho rằng cần cấm/hạn chế các hoạt động có nguy cơ, dễ góp phần lây lan dịch như nhà hàng, karaoke, quán xá, tụ tập đám đông, hạn chế đi lại vì đi lại cũng dễ đưa mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác, thực hiện nghiêm túc 5K và không để dịch lây vào khu công nghiệp. Nếu không có biện pháp nghiêm, dịch từ các khu công nghiệp tại TP.HCM có thể sẽ lây lan sang Đồng Nai, Bình Dương... rất nguy hiểm.
Ngoài ra, khi phát hiện các ổ dịch hoặc đối tượng nhiễm dịch, cần nhanh chóng phong tỏa khu vực có ca bệnh để xét nghiệm và truy vết nhanh. Không phong tỏa diện rộng nhưng trong khu vực phong tỏa lại không thắt chặt các quy định giãn cách sẽ rất khó khăn.
* Ông Đặng Quang Tấn (cục trưởng Cục Y tế dự phòng):
Có giãn cách tiếp hay không phải tùy tình hình dịch tễ
TP.HCM là khu vực đông dân, mật độ dân số cao. Theo dõi vài ngày qua, chúng tôi nhận thấy đa số bệnh nhân mới ghi nhận đều trong nhóm đã được cách ly, nhưng rải rác vẫn còn những ca đang điều tra dịch tễ.
Những ngày tới đây, TP.HCM có nên giãn cách tiếp khu vực có dịch nào hay không, theo tôi, cần dựa trên tình hình dịch và các yếu tố dịch tễ, vì có nhiều ca bệnh mới nhưng đều trong khu cách ly sẽ khác với biện pháp ngăn chặn khi phát hiện ca bệnh chưa rõ nguồn gốc.
TP.HCM có thể đánh giá nguy cơ dịch hiện nay và có các quyết định tùy tình hình thực tế. Trên phạm vi cả nước, cho đến nay đã có 21 tỉnh thành qua 14 ngày không ghi nhận thêm ca bệnh mới, các địa phương ghi nhận ca bệnh mới gần đây chỉ tập trung ở TP.HCM, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Hà Nội...
L.ANH ghi
Bệnh viện đầu tiên phía Nam được tiêm vắc xin
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM là đơn vị đầu tiên ở khu vực phía Nam được Bộ Y tế ưu tiên tiêm vắc xin AstraZeneca ngừa COVID-19 đợt 1 vào ngày 8-3-2021 cho tất cả nhân viên (khoảng 900 người). Được biết đến nay tất cả nhân viên của bệnh viện đều đã hoàn thành mũi vắc xin thứ 2.
Ngoài nòng cốt điều trị, cùng với Viện Pasteur TP.HCM, bệnh viện này còn là một trung tâm lớn ở khu vực phía Nam về năng lực xét nghiệm, nghiên cứu và phân tích các mẫu bệnh phẩm nhằm xác định các biến thể của virus.
Các bệnh viện phải "cảnh giác cao nhất"
Ngoài các bệnh viện, 7 ổ dịch tại TP.HCM đều được phát hiện từ việc khám sàng lọc tại cơ sở y tế. Do đó, ông Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - yêu cầu các bệnh viện phải thực hiện nghiêm túc công tác sàng lọc, phát hiện kịp thời người mắc COVID-19 khi đến khám bệnh.
Theo đó, các bệnh viện phải tổ chức thực hiện khai báo y tế điện tử, hướng dẫn và phân luồng người bệnh, khám sàng lọc, cách ly tạm trong thời gian làm xét nghiệm. Theo ông, đây chính là hoạt động "mang ý nghĩa quyết định" giúp ngăn chặn sự xâm nhập của virus vào trong bệnh viện.
Thăm dò ý kiến
Ngày 14-6 là thời hạn cuối giãn cách tại TP.HCM, trong khi số ca mắc mới vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Theo bạn:
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận