Đại cử tri Steve Henson của Đảng Dân chủ và lá phiếu có tên ông Joe Biden trong cuộc họp của cử tri đoàn bang Georgia ngày 14-12 - Ảnh: REUTERS
Lần gần đây nhất xảy ra tình trạng nhiều phiếu phổ thông hơn nhưng lại thua là vào năm 2016. Ứng viên của Đảng Dân chủ khi đó là bà Hillary Clinton bỏ xa đối thủ Donald Trump hơn 3 triệu phiếu phổ thông nhưng phải dừng giấc mơ vào Nhà Trắng vì không đủ phiếu đại cử tri.
Sau thất bại bất ngờ và có phần cay đắng, cựu đệ nhất phu nhân Hillary đã lên tiếng đòi bỏ cử tri đoàn. Hôm 14-12 vừa rồi, khi cầm lá phiếu đại cử tri của bang New York và chọn ông Joe Biden là tổng thống, bà Hillary tiếp tục nhắc lại đề xuất này.
Những lời kêu gọi tương tự cũng xuất hiện sau những cuộc bầu cử các năm 1824, 1876, 1888 và 2000. Nhưng rồi không có bất kỳ sửa đổi nào với cử tri đoàn, một thể lệ bầu cử phức tạp và gây khó hiểu với người bình dân.
Theo giáo sư David Lublin (Mỹ), lý do đầu tiên để khiến việc bỏ hay cải tổ cử tri đoàn cực kỳ khó là quy định về thể lệ bầu cử này đã được đưa vào hiến pháp Mỹ. Nói cách khác, muốn bỏ hoặc cải tổ cử tri đoàn đồng nghĩa phải sửa đổi hiến pháp.
Trước hết, đề xuất sửa đổi phải nhận được sự ủng hộ của ít nhất 2/3 thành viên Hạ viện và Thượng viện liên bang hoặc 2/3 tổng số cơ quan nghị viện tiểu bang Mỹ. Đề xuất sửa đổi này chỉ có hiệu lực khi nhận được sự phê chuẩn của 3/4 tổng số cơ quan nghị viện tiểu bang, hoặc 3/4 đại diện các bang trong một đại hội do Quốc hội Mỹ quy định thể thức.
Với quy định khó và cụ thể như vậy, kể từ khi được thông qua vào năm 1787 đến nay hiến pháp Mỹ chỉ mới trải qua 27 lần sửa đổi.
Nguồn: NBC News
Tính đến ngày 16-12, đã có 15 tiểu bang và thủ đô Washington D.C gia nhập một sáng kiến gọi là "Hiệp ước phổ thông đầu phiếu" được đưa ra lần đầu tiên năm 2006. Theo đó, những bang gia nhập hiệp ước này cam kết sẽ trao tất cả phiếu đại cử tri của bang mình cho ứng viên giành được nhiều phiếu phổ thông nhất trên toàn quốc, bất kể họ giành được bao nhiêu phiếu phổ thông ở các bang này.
Giáo sư Lublin nhận định những người đề xuất ý tưởng trên rất thông minh vì dễ đạt được thỏa hiệp giữa các bang thông qua hiệp ước hơn là thông qua sửa đổi hiến pháp. Không ngạc nhiên khi 15 tiểu bang đã tham gia "Hiệp ước phổ thông đầu phiếu" đều là những "thành trì" của Đảng Dân chủ.
Các chính trị gia Dân chủ cũng là những tiếng nói đòi cải cách cử tri đoàn mạnh mẽ nhất. Hơn ai hết, họ hiểu rõ cảm giác ấm ức khi giành được nhiều phiếu phổ thông hơn nhưng lại thua cuộc.
Tính từ năm 2000 đến nay, các ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ đứng đầu về số phiếu phổ thông trong 5/6 cuộc bầu cử. Tuy nhiên, chỉ 3 lần trong số này ứng viên Dân chủ trở thành tổng thống, bao gồm 2 lần dưới thời ông Barack Obama và trường hợp mới nhất là ông Joe Biden.
Sự tồn tại của "Hiệp ước phổ thông đầu phiếu" là có thật và sắp sửa bước sang năm thứ 15. Nhưng tính hiệu quả của hiệp ước này vẫn còn là câu hỏi mở. Nếu các bang có truyền thống ủng hộ Cộng hòa hoặc dao động như Texas, Flordia, Georgia gia nhập hiệp ước này, khả năng xảy ra các vụ kiện cáo chưa từng có tiền lệ hậu bầu cử là hoàn toàn có thể.
Tổng số thành viên hiện tại của cử tri đoàn ở Mỹ là 538 người, được phân bổ theo quy mô dân số của từng bang và thủ đô Washington D.C. Mỗi bang sẽ luôn có 2 đại cử tri tương đương số thượng nghị sĩ đại diện tại Quốc hội liên bang cộng với số đại cử tri tương đương số hạ nghị sĩ liên bang của bang đó (được chia theo quy mô dân số, bất kể diện tích lớn hay nhỏ).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận