Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bắt tay Tổng thống Mỹ Barack Obama trước buổi chụp ảnh truyền thống của các lãnh đạo APEC ngày 19-11 - Ảnh: Reuters |
Ngoài tuyên bố chung “Phát triển kinh tế bao trùm, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn: Tầm nhìn về Cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương”, hội nghị kết thúc hôm qua cũng thông qua “Tuyên bố về việc ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và Hội nghị bộ trưởng WTO lần thứ 10” cùng một số văn kiện.
Thúc đẩy liên kết kinh tế
Trước đó, phát biểu tại phiên họp toàn thể với chủ đề “Tăng trưởng bao trùm thông qua liên kết kinh tế”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cục diện khu vực đang có những chuyển biến nhanh chóng, đề cao nỗ lực của APEC 2015 trong việc thúc đẩy tăng trưởng chất lượng, theo TTXVN.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng nhấn mạnh các nền kinh tế cần tiếp tục thúc đẩy liên kết kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị để bảo đảm liên kết khu vực hiệu quả, cần gắn kết chặt chẽ các nỗ lực liên kết với thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.
Đồng thời, APEC cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế - kỹ thuật và hỗ trợ nâng cao năng lực của các thành viên đang phát triển, đặc biệt trong các vấn đề kinh tế, thương mại thế hệ mới.
Chủ tịch nước nhấn mạnh với tiềm năng về kinh tế, khoa học và công nghệ, các thành viên và doanh nghiệp APEC cần tham gia và hỗ trợ các chương trình liên kết tiểu vùng và khu vực, trong đó có ASEAN, Mekong.
Chủ tịch nước khẳng định muốn tăng trưởng thì phải đẩy mạnh hội nhập kinh tế; muốn tăng trưởng bền vững, bao trùm thì phải cải cách mạnh mẽ, đặc biệt về thể chế kinh tế, phát triển nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng.
Hướng tới việc đăng cai tổ chức Năm APEC 2017, Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng các nền kinh tế thành viên thúc đẩy liên kết kinh tế vì một khu vực châu Á - Thái Bình Dương thịnh vượng.
Tại hội nghị, Chủ tịch nước cũng có các cuộc gặp song phương với lãnh đạo các nước Papua New Guinea, Canada, Brunei, Hàn Quốc, Chile, Úc, Indonesia.
Phát triển kinh tế để diệt khủng bố
Tuyên bố chung của hội nghị mở đầu bằng lời kêu gọi đoàn kết để diệt trừ tận gốc khủng bố gây rúng động thế giới qua các vụ tấn công ở Paris, Beirut và vụ rơi máy bay Nga tại Sinai (Ai Cập).
“Chúng tôi lên án mạnh mẽ tất cả hành động, cách thức của khủng bố dưới mọi hình thức, thể hiện. Chúng tôi sẽ không để khủng bố đe dọa các nguyên tắc nền tảng là cốt lõi của nền kinh tế tự do và cởi mở” - tuyên bố viết.
Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự phát triển kinh tế là vũ khí mạnh mẽ nhất giúp nhổ tận gốc khủng bố.
Nói về chủ đề chính của hội nghị, các lãnh đạo thể hiện quyết tâm “hiện thực hóa tầm nhìn về một cộng đồng thịnh vượng, hội nhập và ổn định tại châu Á - Thái Bình Dương, trong đó mọi người dân được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế và tiến trình công nghệ”.
Tuyên bố nhận định các nước thành viên APEC đang đối mặt với thách thức thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, do đó cần xây dựng các động cơ tăng trưởng mới như cải cách, tự do hóa đầu tư, đầu tư vào hạ tầng, khoa học... để nâng cao tính bền vững.
Ngoài ra, việc phát triển nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy bình đẳng giới... cũng góp phần quan trọng trong việc nâng cao tính tự cường, bền vững của các cộng đồng.
“Chúng tôi nhất trí ủng hộ một môi trường cởi mở, ổn định, tuân theo luật pháp và minh bạch cho thương mại và đầu tư nhằm cho phép việc tiếp cận có ý nghĩa đến các cơ hội kinh tế” - tuyên bố viết.
Tuyên bố vạch ra những cam kết quan trọng trong việc xây dựng các nền kinh tế bao trùm, sự tham gia của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các thị trường khu vực và toàn cầu, xây dựng các cộng đồng bền vững và tự cường, đầu tư vào phát triển con người và thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực.
“Các cam kết của chúng tôi sẽ đảm bảo sự hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng chung của châu Á - Thái Bình Dương” - tuyên bố nhận định.
Philippines gượng gạo làm “chủ nhà hoàn hảo” với Trung Quốc Bên cạnh những nội dung chính còn một số câu chuyện bên lề gây chú ý tại hội nghị, đặc biệt là những tình huống “khó xử” liên quan đến Trung Quốc. Theo tờ Rappler, khi được hỏi liệu quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam có thể giúp giải quyết vấn đề Biển Đông hay không, Ngoại trưởng Philippines Charles Jose đáp lại: “Còn câu hỏi nào khác không?”. Đến khi một phóng viên khác hỏi tiếp về tuyên bố hôm trước của ông Tập Cận Bình về việc các nước nên giải quyết tranh chấp bằng đối thoại, vị lãnh đạo ngoại giao nước chủ nhà thừa nhận: “Nếu tôi bắt đầu nói về chuyện này, tôi sẽ tuôn trào. Vì vậy đừng nói về Biển Đông”. Theo giám đốc Ủy ban tổ chức APEC Marciano Paynor, Philippines đang cố gắng giữ lời hứa là nước “chủ nhà hoàn hảo” và tránh xúc phạm khách khứa. Nhưng giới phóng viên nhanh chóng nhận ra khoảng cách gượng gạo giữa Tổng thống Philippines Benigno Aquino và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị. Theo AFP, ông Tập bước đi cô độc trên thảm đỏ khai mạc suốt năm phút, trong khi ông Aquino giữ khoảng cách và tiếp chuyện vui vẻ với tổng thống Chile. Tại hội nghị APEC năm ngoái ở Trung Quốc, truyền thông cũng nhìn thấy cái bắt tay lạnh lùng giữa ông Tập và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận