14/09/2020 11:16 GMT+7

Kết quả xét xử một số vụ án ‘chưa được dư luận xã hội đồng tình’

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan thực hiện truy tố, xét xử, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng lưu ý việc xã hội bức xúc trước một số vụ án.

Kết quả xét xử một số vụ án ‘chưa được dư luận xã hội đồng tình’ - Ảnh 1.

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí khẳng định nhiệm vụ chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ xuyên suốt của ngành - Ảnh: Quochoi.vn

Các báo cáo công tác năm của ngành tòa án và kiểm sát đã được trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (14-9) để chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới.

Một bộ phận kiểm sát viên "chưa chủ động tranh luận"

"Xác định nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của ngành, là nhiệm vụ quan trọng nhất của các đơn vị nghiệp vụ trong lĩnh vực hình sự" - viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí nói.

Người đứng đầu ngành kiểm sát cho biết đã ban hành chỉ thị về tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết các vụ án hình sự, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, kiểm sát chặt chẽ hơn nữa các hoạt động điều tra ngay từ khi thụ lý nguồn tin tội phạm.

"Chủ động tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định pháp luật, bảo đảm các quyết định phê chuẩn áp dụng các biện pháp ngăn chặn đều có đủ căn cứ, đúng pháp luật, hạn chế các trường hợp lạm dụng các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam; kiểm sát chặt chẽ việc thực hiện quy định về thẩm quyền điều tra, nhất là cấp trung ương" - ông nói.

Trong kỳ báo cáo, đã ban hành 110 kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, tăng 5 kháng nghị (4,7%), hội đồng xét xử đã xét xử 173 vụ, chấp nhận 153 kháng nghị, đạt tỷ lệ 88,4% (tăng 14,3%), vượt 13,4% so với chỉ tiêu nghị quyết số 96 của Quốc hội.

Đánh giá cao nỗ lực của cơ quan kiểm sát, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp ghi nhận: "Không có trường hợp nào viện kiểm sát truy tố mà tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội. Tỉ lệ kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm được tòa án chấp nhận đều vượt chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội. Trong đó, đáng lưu ý tỉ lệ kháng nghị phúc thẩm của VKSND cùng cấp chiếm 56,6%, tăng 5,1%".

Tuy vậy, Ủy ban Tư pháp cũng lưu ý "chất lượng tranh tụng của một bộ phận kiểm sát viên còn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa chủ động tranh luận, đối đáp đến cùng các ý kiến của người bào chữa nên chưa thuyết phục".

Kết quả xét xử một số vụ án ‘chưa được dư luận xã hội đồng tình’ - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết Ủy ban Tư pháp đề nghị tòa án có biện pháp quyết liệt hơn nữa để giải quyết đơn kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm - Ảnh: Quochoi.vn

Tỉ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chỉ đạt 47%

Trình bày báo cáo, Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết "TAND tối cao đã tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác giám đốc thẩm, tái thẩm nhằm đánh giá chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, từ đó đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này".

"Chánh án TAND tối cao đã yêu cầu các tòa án chú trọng nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc ngay từ cấp sơ thẩm, phúc thẩm để hạn chế nguyên nhân phát sinh các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm" - ông Tuệ nói.

Đồng thời, lãnh đạo TAND tối cao cũng thừa nhận "tỉ lệ giải quyết các vụ án hành chính và giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa cao".

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp ghi nhận nỗ lực của tòa án các cấp: "Trong kỳ báo cáo, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Hình phạt tòa án áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật. Việc cho các bị cáo hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ tiếp tục được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ".

Tuy vậy, Ủy ban Tư pháp cho biết "còn một số trường hợp áp dụng tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng, quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt chưa chính xác; còn một số trường hợp cho hưởng án treo chưa đúng quy định của pháp luật, thực hiện chưa đúng quy định về xử lý vật chứng; còn có trường hợp xác định chưa chính xác nhân thân người phạm tội".

Đáng nói, "một số vụ án sau khi có kết quả xét xử chưa được dư luận xã hội đồng tình", Ủy ban Tư pháp nhận định.

Theo báo cáo của VKSND tối cao, các VKSND đã ban hành 610 kiến nghị đối với các TAND yêu cầu khắc phục các vi phạm trong công tác xét xử vụ án hình sự; vẫn còn một số trường hợp trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhưng VKSND không chấp nhận.

"Ủy ban Tư pháp nhận thấy số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thụ lý năm 2020 giảm khá lớn sau nhiều năm liên tục tăng cho thấy các giải pháp nâng cao chất lượng xét xử sơ thẩm, phúc thẩm bước đầu phát huy hiệu quả" - chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói.

"Tuy nhiên, tỉ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các loại án mới chỉ đạt 47%, chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội. Do đó, TAND tối cao cần đánh giá rõ nguyên nhân của thực trạng này và tiếp tục có giải pháp nâng cao chất lượng và số lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm".

Cơ quan thẩm tra của Quốc hội đề nghị tòa án "triển khai các giải pháp quyết liệt hơn nữa nhằm tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, bảo đảm chỉ tiêu được Quốc hội giao".

Tội phạm chống người thi hành công vụ gia tăng đột biến Tội phạm chống người thi hành công vụ gia tăng đột biến

TTO - Các con số thống kê về kết quả đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật cho thấy một số lĩnh vực đang rất 'nóng', nổi cộm.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp