Số báo hôm nay, Tuổi Trẻ xin tạm khép lại câu chuyện này với ý kiến của bà Tôn Nữ Thị Ninh (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội) và TS Nguyễn Minh Hòa.
Phóng to |
Bà Tôn Nữ Thị Ninh - Ảnh: T.Tuấn |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Tôn Nữ Thị Ninh đồng tình với nhận định “Không đủ nội lực sẽ khó giữ chủ quyền” của nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, đồng thời cho rằng phát huy nội lực cần phải đặt nặng vấn đề quan trọng: kết nối người Việt trong và ngoài nước. Bà Ninh nói:
- Bây giờ cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã vươn lên rất nhiều. Ở Mỹ chẳng hạn, tốc độ họ vươn lên so với các cộng đồng châu Á khác là tương đối nhanh dù là người đến sau. Nhưng phải nói là chúng ta chưa phát huy hết được tiềm lực của cộng đồng đó, và có vẻ trong một số trường hợp chúng ta chưa thật sự coi trọng họ đúng mức. Phải coi trọng đúng mức thì mới mạnh dạn tin tưởng người ta.
Biện pháp kép
* Xin bà nói rõ hơn về chuyện tạo động lực cho kiều bào đóng góp với quê hương.
- Tạo động lực trước hết phải bằng thực tiễn thuyết phục chứ không phải bằng lời kêu gọi. Bà con Việt kiều không cần thêm một nghị quyết. Mình ra quá nhiều nghị quyết về cộng đồng rồi nhưng mình có triển khai đến nơi đến chốn hay không? Phải nói thật là chưa. Cho nên giờ ta nên bớt kêu gọi. Chúng ta hãy bằng những thực tế rất thuyết phục thì người ta sẽ tin, người ta sẽ được động viên.
Thứ nữa là vấn đề đại biểu quốc hội có đại diện cho cộng đồng ở nước ngoài. Ví dụ như Pháp là nước có đại biểu quốc hội đại diện cho cộng đồng người Pháp ở nước ngoài. Theo tôi, chúng ta nên mạnh dạn đặt vấn đề là trên toàn thế giới có 4-5 vị trí đại biểu quốc hội theo châu lục: Bắc Mỹ, châu Á, Tây Âu, Đông Âu và Liên Xô cũ chẳng hạn. Rồi các vị trí viện trưởng, viện phó của các viện nghiên cứu này, thứ trưởng của một số bộ kia. Các vị trí có thể tận dụng chuyên môn của nước ngoài về thì chúng ta nên mạnh dạn tiến hành. Đó chính là thực tiễn thuyết phục.
Chuyện nhà cửa cũng thế. Mình cứ ra quá nhiều văn bản mà không giải quyết đến nơi đến chốn. Thành thử ra mình chưa huy động được đông đảo Việt kiều. Giờ Việt kiều về nước chủ yếu làm cho công ty nước ngoài, một số ít tự mở công ty.
* Để thu hút các trí thức Việt kiều, ta cần lưu ý điều gì, thưa bà?
- Có lần một Việt kiều Pháp nói: “Khi Nhà nước muốn mời chúng tôi thì chúng tôi nhìn xem trong nước trọng vọng, đối xử như thế nào với trí thức. Không thể huy động được trí thức, chuyên gia người Việt nếu họ thấy VN đối xử với chuyên gia trí thức trong nước không đúng mức”. Tôi nghe và cảm nhận điều đó rất thấm thía.
Chúng ta phải có biện pháp kép: cùng lúc thu hút người tài ở nước ngoài thì mình cũng phải khuyến khích, chăm lo cho chuyên gia, trí thức trong nước. Nói cách khác, cùng chuyên môn, cùng bằng cấp, cùng thâm niên, chúng ta ưu đãi Việt kiều hơn hẳn người trong nước, họ có cần như thế hay không? Chúng ta trả lương gấp 3-4 lần trong nước thì có thể hiểu, chứ trả gấp 20-30 lần thì họ có chờ đợi như thế hay không? Bài toán này không đơn giản.
Nguy cơ bình bình
* Trong số người VN ở nước ngoài có lượng sinh viên trẻ, giỏi. Và rất nhiều trong số đó đã ra đi mà không trở về VN nữa. Đó cũng là thất thoát lớn cho nội lực?
- Tình trạng người đi học rồi ở lại ở nước ngoài là hiện tượng đáng quan tâm. Về tỉ lệ người mình chưa chắc đã nhiều bằng Trung Quốc. Vấn đề là với thời gian, tỉ lệ quay lại là bao nhiêu.
Trên thực tế, chuyện họ muốn ở lại làm một thời gian để lấy kinh nghiệm có lẽ nên khuyến khích. Câu chuyện người ta quay lại hay không, chìa khóa phần lớn nằm ở trong nước. Nếu có thiện ý, có sự thông thoáng, tạo điều kiện thì tôi đánh giá mọi việc sẽ tốt. Phải có sự mạnh dạn từ cả hai bên. Với người thanh niên, đòi hỏi một thái độ vừa khiêm tốn, vừa thực tế, vừa chủ động. Nếu cứ đòi hỏi mâm cỗ ngon lành để cho tôi về thì không được, mà để cho tôi cùng xắn tay với mọi người cùng làm mâm cỗ, rồi tôi cùng tham gia đóng góp với mọi người. Như vậy cũng đòi hỏi người về đừng chờ mọi điều ngon lành mới về. Nếu như vậy rất khó.
* Bà có cảm giác VN đang giậm chân tại chỗ không?
- Với thắng lợi năm 1975, VN đã trở thành điển hình của phong trào giải phóng dân tộc, quyền tự quyết... của các dân tộc. Khi chính sách đổi mới thành công, một lần nữa VN đóng góp một thành công rất ý nghĩa cho các nước đang phát triển. Họ bắt đầu nhìn vào VN như tấm gương thành công trong việc đi tìm con đường phát triển, cất cánh. Giờ mình phải tự hỏi: VN sẽ thật sự cất cánh hay không cất cánh đây?
Cái lo âu, bức xúc lớn nhất tôi nghĩ là VN đang đi dần vào con đường bình bình. Nguy cơ là cái đó. Khi tôi tiếp xúc với cộng đồng kiều bào ở nước ngoài, điều họ muốn là được tự hào về đất nước gốc của họ. Bây giờ cứ giậm chân, loay hoay rồi quá nhiều chuyện tiêu cực như thế thì cơ sở, cơ hội để tự hào ít dần, ngày càng ít đi. Nếu hỏi trí thức bên ngoài sẽ thấy nguyên nhân bức xúc là tình trạng tham nhũng chưa khắc phục, khoảng cách giàu nghèo... Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thay vì bay lên mình cứ bình bình như thế này. Nếu trong nước làm “ngon lành” thì cộng đồng kiều bào sẽ hứng khởi và họ sẽ góp sức vào.
* Vậy theo bà, để phát triển nội lực, đâu là giải pháp trước mắt và lâu dài?
- Tôi nghĩ chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải đổi mới lần hai, phải có tầm nhìn trung và dài hạn, có chiến lược hết sức rõ ràng. Các chiến lược dài hạn của ta hiện tại vẫn sa vào kể lể nhỏ lẻ, từng ngành như xưa. Chúng ta nên nhìn cách Singapore quyết định. Khi họ thấy đã tận dụng hết lợi thế là bàn đạp giao thông biển, lợi thế đó không thể khai thác hơn được nữa, thế là họ quyết trở thành trung tâm về giáo dục. Họ quyết một cách rõ ràng, ai cũng biết cả. Tiền bỏ vào và hiệu quả khỏi phải nói.
Ở ta phải xác định đòn bẩy chiến lược là cái gì? Phải làm sao một người học vấn trung bình biết định hướng lớn của Nhà nước là cái gì. Du lịch? Công nghệ thông tin? Hay dầu khí? Vì mọi thứ của ta đến giờ đều manh mún, một chút thế này, một chút thế kia. Thành thử giai đoạn này một là thiếu một thông điệp định hướng chiến lược rõ ràng, hai là không thể bằng các biện pháp ứng xử ngắn hạn. Thời điểm này đòi hỏi phải làm thế nào để có định hướng và tạo ra được động lực cả trong và ngoài nước đồng tâm vì đất nước.
* Trong giới trí thức kiều bào, chúng ta cũng đã mời nhiều người về nước làm việc, như giáo sư Ngô Bảo Châu chẳng hạn? - Nhưng chả lẽ cứ phải chờ đến cỡ Ngô Bảo Châu thì mình mới chủ động? Ví dụ, tôi đọc báo thấy bộ trưởng Bộ Tư pháp đang mời Ngô Bảo Châu tham gia ý kiến về đơn giản hóa giấy tờ. Cái đó hỏi Ngô Bảo Châu là không đúng chỗ. Chúng ta nên để Ngô Bảo Châu tập trung vào khoa học nói chung, toán nói riêng và tập trung nuôi dưỡng thế hệ toán mới cho VN. Đâu phải cộng đồng người Việt chỉ có Ngô Bảo Châu. Tại sao không mời một người rành rọt về hành chính quốc gia ở các nước? Mình chưa tận dụng hết chuyên môn sâu của Việt kiều. Tôi hiểu vấn đề này không dễ dàng, phải tìm cách phù hợp. Phù hợp thì không nên hiểu là họ đòi hỏi thảm đỏ để mời về. Nếu họ giỏi đến cỡ nào thì thảm đến cỡ đó, phải phù hợp. Tự động cứ Việt kiều mà thảm đỏ thì không đúng. Vì trong cộng đồng Việt kiều cũng có người này người nọ. Cái mời phải tương ứng với giá trị của người ta. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận