Trong đó, việc thiếu kết nối giữa các phương thức vận tải cùng hạ tầng chưa đồng bộ là một trong những nguyên nhân chính.
Sau 9 năm gia nhập WTO, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã tăng 2,94 lần, từ 111 tỷ USD (năm 2007) lên đến hơn 327 tỷ USD (năm 2015); thị trường bán lẻ trong nước tăng bình quân 20-25%/năm. Ngành logistics đóng góp không nhỏ cho kết quả này.
Tuy nhiên, tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2016 tổ chức tại TP.HCM ngày 24-11, các chuyên gia cho rằng ngành logistics của Việt Nam đang còn nhiều bất cập cần giải quyết như chi phí dịch vụ cao mà nguyên nhân là việc thiếu đồng bộ cơ sở hạ tầng, thiếu kết nối giữa các phương thức vận tải.
Những vấn đề này làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế, do doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước đang phải chịu các loại chi phí logistics rất cao.
TS. Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết chi phí logistics ở Việt Nam tương đương 20,9% GDP, trong đó giao thông vận tải chiếm 59% chi phí logistics. Còn ở các nước phát triển, chi phí logistics chỉ chiếm khoảng 9-10% GDP.
Chính vì vậy, giảm chi phí vận tải là điều quan trọng nhằm giảm chi phí logistics bằng việc kết hợp hài hòa giữa các phương thức vận tải.
Ông Trần Bảo Ngọc cho biết để hỗ trợ phát triển ngành logistics, hiện nay, Bộ GTVT đang tiến hành việc rà soát tất cả các hình thức, phương tiện giao thông vận tải; rà soát hệ thống kho bãi… để từ đó xây dựng dữ liệu vận tải và kho vận, hỗ trợ trao đổi dịch vụ vận chuyển hàng hóa, giúp các phương thức vận tải kết nối với nhau nhanh chóng, hạn chế tối đa phương tiện vận tải chiều về không có hàng hóa, đồng thời kết nối giao thông đường sắt với các cảng biển, khu công nghiệp lớn.
Bộ GTVT cũng phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ TT&TT, Bộ KH&ĐT cùng với WB đang nghiên cứu, xây dựng kế hoạch hành động ưu tiên phát triển logistics quốc gia, đặc biệt là thành lập sàn giao dịch vận tải hàng hóa quốc gia.
Sàn giao dịch vận tải hàng hóa quốc gia sẽ là trung tâm quy tu mọi cung - cầu về dịch vụ vận tải hàng hóa, cho phép khớp nối chủ hàng vơis công ty vận tải, qua đó có thể tối ưu hóa dịch vụ logistics.
Cũng theo ông Ngọc, thời gian qua, Việt Nam đầu tư rất lớn cho đường bộ, chiếm 90% tổng vốn đầu tư cho các loại hình vận tải; đường sắt mức đầu tư khiêm tốn, chiếm chưa tới 3% chi phí đầu tư; đường thủy nội địa mới chỉ chiếm 2,22%... điều này làm mất cân đối trong các phương thức vận tải.
Hiện nay, sự kết nối giữa đường sắt và đường bộ còn thấp, hoạt động chuyển giao hàng hóa giữa hai phương thức còn chậm, thường mất thêm một ngày vào lộ trình vận tải của hàng hóa, tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp.
Bà Jung Eun Oh, Trưởng Ban Giao thông của WB cho rằng, với vị trí hình thái địa lý trải dài, việc vận tải đa phương tiện là vấn đề mấu chốt phát triển logistics Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam nên đẩy mạnh đầu tư hạ tầng cho đồng bộ và kết nối được các phương thức vận tải sao cho hài hòa, giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận chuyển tối đa.
Theo bà Jung Eun Oh, do nhu cầu đầu tư phát triển logistics là rất lớn trong khi ngân sách còn hạn chế, Việt Nam cần khuyến khích khối tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhất là đường thủy nội địa và đường sắt, những lĩnh vực có tiềm năng vận tải lớn nhưng ít được đầu tư. Khi hạ tầng đường sắt và thủy nội địa phát triển, doanh nghiệp có nhiều lựa chọn phương thức vận chuyển hơn, việc kết nối giữa đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt bằng các phương tiện vận tải cũng dễ dàng, thuận tiện hơn. Qua đó, doanh nghiệp tính toán tìm phương án vận chuyển tối ưu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận