30/03/2015 11:37 GMT+7

Kết hợp kiến thức sách giáo khoa và xã hội để thi tốt khối C

MỸ DUYÊN
MỸ DUYÊN

TTO - Đó là chia sẻ của Phạm Thị Ngọc Biển - thủ khoa khối C Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) năm 2014.

Gia đình khó khăn, ba mất sớm, từ lớp 10 Phạm Thị Ngọc Biển đã đi làm thêm ở quán cà phê để giúp mẹ trang trải chi phí sinh hoạt. “Những lần phụ quán nhìn các bạn đến trường hồn nhiên, vui vẻ, mình không khỏi chạnh lòng. Nhất là những hôm trời mưa, mẹ tất tả gánh tàu hủ đi ngang khiến mình cảm thấy rất xót xa. Từ đó, động lực học tập để đổi đời trong mình ngày càng lớn”, Biển nói.

Trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2014, động lực đó đã được ghi nhận khi cô học trò của huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk trở thành thủ khoa Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) với 26 điểm khối C.

 

Kết hợp giữa kiến thức sách giáo khoa và xã hội

Với sở trường ở những môn xã hội, Biển đã xác định dự thi ĐH khối C ngay đầu lớp 12.  Vì thế ngoài giờ học ở trường, Biển tham gia lớp luyện thi miễn phí của thầy cô, đọc sách mỗi tối và cập nhật tin tức xã hội diễn ra xung quanh.

Biển chia sẻ: “Với môn văn, việc đọc sách giúp mình tham khảo được nhiều ý hay cũng như cách nhìn nhận vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau. Mỗi khi đọc được nội dung lạ, hay, thầy cô giảng thêm một ý nào mới, mình thường chép ra giấy và kẹp vào ngay trang sách đó để khi đọc lại không bỏ sót vấn đề gì”.

Bên cạnh đó, Biển cũng cập nhật, quan sát những sự kiện quan trọng của đất nước bằng cách xem thời sự, đọc báo, lên mạng xem chia sẻ của bạn bè và lắng nghe mọi người bàn tán trong lớp. Không chỉ thế, cô học trò nhỏ còn tham khảo đề thi tuyển sinh môn văn của bậc THPT để xem những câu liên quan đến tình hình biển Đông, nghị luận xã hội và đáp án chính thức nhằm rút kinh nghiệm cho bản thân.

“Việc cập nhật kiến thức xã hội và trang bị những suy nghĩ đúng đắn, tỉnh táo là điều rất cần thiết cho người dự thi khối C. Vì đề thi những năm nay thường là đề mở. Cách chấm điểm của thầy cô luôn có sự cân bằng giữa kiến thức sách giáo khoa, kiến thức xã hội và lập luận riêng của thí sinh. Trong đó, cách so sánh, lập luận hai mặt của vấn đề một cách chặt chẽ là điều khiến bài thi nổi bật”, Biển nói.

Bí quyết để thủ khoa khối C có thể ghi nhớ được nhiều kiến thức cũng rất đặc biệt. Biển thường gắn ngày tháng lịch sử, số liệu địa lý với những ngày tháng, kỷ niệm quan trọng của gia đình, bạn bè. Từ đó, tạo mối liên hệ mật thiết giữa rừng kiến thức với những điều rất gần gũi với bản thân.

“Lớp 11, mình lên mạng và xem được clip một bạn đọc rap bài Vội vàng của nhà thơ Xuân Diệu. Thế là từ đó mình học hỏi bằng cách đọc bài, học bài luôn ghép giai điệu vào hay sáng tác chúng thành một bài thơ. Vừa vui, vừa dễ nhớ”, Biển cười nói.

Một cách học nữa của Biển là chép những điều khó thuộc vào một tờ giấy nhỏ và bỏ vào túi. Cách này giúp Biển tranh thủ học mọi lúc, mọi nơi - ở trường, ở nhà và ở chợ khi phụ mẹ buôn bán. Những lúc cảm thấy mình bị bão hòa, không thể tập trung để thu nạp kiến thức, Biển thường ra bờ hồ gần nhà để thư giãn và đi chơi cùng bạn bè. Sau đó, cô học trò nhỏ quay lại bàn học với tâm thế thoải mái nhất có thể.

Phân bố thời gian hợp lý

Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, thầy cô ở trường luôn tạo điều kiện tốt nhất để Biển học và ôn thi ĐH. Vì thế, Biển được rèn luyện cách làm bài, suy luận những câu hỏi khó và cọ xát với không khí thi ĐH ngay ở trường cấp III.

“Sau khi nhận được đề thi, mình thường dành 15 phút đầu để đọc kỹ yêu cầu và lập dàn ý chi tiết cho từng câu. Nhìn dàn bài ổn thỏa, mình mới bắt tay vào viết câu dễ trước, câu khó sau. Với sử, mình trình bày từng câu như những bài văn nhỏ: có đủ mở, thân và kết.

Dựa trên dàn ý chỉn chu, mình cố gắng viết từng ý gãy gọn và súc tích nhất có thể. Khi giám thị thông báo đã hết 2/3 thời gian, mình thường nghỉ ngơi khoảng năm phút, lấy lại tinh thần để hoàn thành bài thi. Đồng thời, việc dành 10 phút cuối dò lại bài cũng không kém phần quan trọng. Khi đó mình sẽ xem lại toàn bài, kiểm tra lỗi chính tả và thông tin cá nhân”, Biển chia sẻ.

Biển cũng lưu ý việc không được gạch đầu dòng khi trình bày môn địa lý, không vẽ biểu đồ bằng bút chì và ký hiệu trắng trong bài. Khi học cũng như khi bước vào phòng thi, Biển hay tự nhắc bản thân là phải có tâm lý thoải mái, tự tin với kiến thức đã trang bị.

Đặc biệt, chỉ nên tập trung vào bài làm, phát huy hết khả năng của bản thân, tránh nhìn những người xung quanh và so sánh vì dễ mất tập trung, tự tạo áp lực không cần thiết.

MỸ DUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp