Thứ trưởng Lê Quang Tùng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: BTC
Chiều 21-5, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch phối hợp cùng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân và Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) tổ chức hội nghị Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu COVID-19.
Khởi động gấp chiến dịch truyền thông
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Lê Quang Tùng cho biết thời gian tới bộ sẽ chủ trì, xây dựng kế hoạch, thời điểm mở lại thị trường quốc tế, lựa chọn quốc gia nào Việt Nam sẽ mở cửa thị trường du lịch giai đoạn 1.
Tuy nhiên, thứ trưởng cũng lưu ý ngành du lịch chỉ sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế khi Việt Nam và các nước khác song phương đồng ý mở cửa.
Câu chuyện mở cửa đón khách du lịch quốc tế vào Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu dự hội nghị, bởi lẽ khách quốc tế mang lại giá trị kinh tế lớn. Hầu hết các đại biểu đều góp ý Việt Nam cần làm tốt công tác tuyên truyền hình ảnh một đất nước an toàn đến với du khách quốc tế.
Ông Adam - đại diện BIM Group - nói Việt Nam đang có uy tín tuyệt vời trong khống chế dịch COVID-19 nên cần phải tận dụng cơ hội tốt nhất, tạo ra hành lang du lịch an toàn. Khi các hãng hàng không, biên giới được mở cửa bình thường, Việt Nam phải gửi thông điệp sẵn sàng đón tiếp du khách.
Ông David Gottlieb đến từ Đại sứ quán Úc nói với tư cách là du khách, lý do ông muốn quay lại Việt Nam là uy tín của Việt Nam được tăng cường qua đại dịch COVID-19, điểm đến an toàn. Vì vậy, theo ông, để việc mở cửa thuận lợi, Việt Nam cần tạo cho du khách quốc tế ấn tượng về điểm đến an toàn từ khách sạn, quy trình thủ tục...
Ông Craig Douglas cho rằng Việt Nam cần định vị đất nước như một thiên đường an toàn - Ảnh: BTC
Ông Craig Douglas - phó chủ tịch Công ty đầu tư Lodgis Hospitality Holdings - cho rằng Việt Nam đang ở vị thế tốt vì thành công trong việc kiểm soát COVID-19. Nhưng thế giới cần được biết đến điều này rộng rãi hơn, Việt Nam cần định vị đất nước như một thiên đường an toàn. Và điều này cần phải được ngành du lịch hành động tức thì, cần khởi động các chiến dịch truyền thông càng nhanh càng tốt.
Trong khi đó, ông Đinh Việt Phương - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần hàng không VietJet - lưu ý rằng để đón đầu du lịch quốc tế, ngành du lịch không chỉ đưa ra tiêu chí an toàn từ phía Việt Nam mà còn phải lựa chọn thị trường an toàn để đón khách.
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng ngành du lịch cần phải tiên phong tạo nền du lịch "bình thường mới" - Ảnh: BTC
Tạo nền du lịch "bình thường mới"
Tập trung bàn bạc về việc chuẩn bị đón khách quốc tế, một số đại biểu cũng nhắc nhở ngành du lịch Việt Nam không nên quên xúc tiến du lịch với đối tượng khách nước ngoài đang làm ăn sinh sống ở Việt Nam với số lượng khá lớn.
Theo đó, khẩu hiệu Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam chưa phù hợp, mà nên được đổi thành Yêu Việt Nam đi du lịch Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên lại nhấn mạnh tới việc ngành du lịch cần phải tiên phong tạo nền du lịch "bình thường mới" bởi xã hội cũng đang ở trạng thái "bình thường mới", chứ không còn là bình thường cũ nữa.
Và tiếp đó là "rủ" ngành giáo dục cũng thiết lập trạng thái bình thường mới: có thể cho học sinh nghỉ hè nhiều hơn, khai giảng năm học mới muộn hơn, chứ không nhất thiết phải đúng ngày 5-9 như cũ.
Chuyên gia Trần Đình Thiên cũng cho rằng đây là lúc tốt nhất để ngành du lịch cần tái cấu trúc, đi vào chất lượng hơn là chạy theo số lượng. Còn với chính sách visa, theo ông, "chẳng có lúc nào tốt hơn lúc này", Nhà nước cần mở cửa hơn nữa trong chính sách visa, không chỉ dừng lại ở việc miễn visa cho hơn 20 nước như hiện nay.
Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình kiến nghị Nhà nước thực thi nhanh gói hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, còn các địa phương phải thực hiện nghiêm túc yêu cầu miễn, giảm giá vé tham quan các di tích, danh thắng, bảo tàng…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận