Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mong muốn thông qua hội nghị sẽ thúc đẩy hợp tác đầu tư kinh tế, du lịch giữa Nhật Bản và các tỉnh Bắc Trung bộ - Ảnh: DOÃN HÒA
Đánh giá vai trò quan trọng của các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ có ý nghĩa đặc biệt trên hành lang kinh tế Đông - Tây, ông Vương Đình Huệ đề nghị các tỉnh Bắc Trung bộ "kéo" các doanh nghiệp Nhật Bản vào đầu tư các dự án, đánh thức những tiềm năng chưa được khai phá.
"Khu vực Bắc Trung bộ là vùng đất tuy còn nhiều khó khăn so với hai đầu đất nước nhưng đầy tiềm năng phát triển lâu dài. Mỗi tỉnh đều có những lợi thế riêng nhưng đều chung một mục đích là chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là các đối tác Nhật Bản", ông Huệ nói.
Các đại biểu thảo luận các vấn đề phát triển liên kết vùng khu vực Bắc Trung bộ, tập trung các lĩnh vực thu hút FDI, hợp tác nguồn nhân lực...Ảnh: DOÃN HÒA
"Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau. Chính phủ đặt kỳ vọng rất nhiều vào tiềm năng và triển vọng phát triển kinh tế của khu vực Bắc Trung bộ. Chúng tôi mong muốn hợp tác và học hỏi với bạn bè, đối tác quốc tế, trong đó Nhật Bản là người bạn chân thành, thân thiết và đối tác quan trọng hàng đầu", ông Huệ khẳng định.
Các nhà đầu tư tìm hiểu các sản phẩm đặc sản du lịch của tỉnh Nghệ An - Ảnh: DOÃN HÒA
Ông Umeda Kunio - đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, tin tưởng thông qua hội nghị lần này là một diễn đàn mở, là cầu nối để giao lưu, tìm hiểu các cơ hội đầu tư, kinh doanh, giới thiệu quảng bá hình ảnh của các tỉnh Bắc Trung bộ giàu tiềm năng tới các đối tác Nhật Bản, qua đó tạo động lực mới thu hút đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản.
Hiện nay, các doanh nghiệp Nhật Bản đang quan tâm đến một số lĩnh vực đầu tư như du lịch sinh thái cộng động, phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn…
Với sự tham dự của hơn 500 đại biểu, hội nghị đã tập trung thảo luận các vấn đề phát triển liên kết vùng khu vực Bắc Trung bộ, tập trung các lĩnh vực thu hút FDI, hợp tác nguồn nhân lực, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, du lịch, giáo dục đào tạo và lao động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận