13/10/2016 08:18 GMT+7

Kéo dài tuổi hưu: có lộ trình 
và chỉ một số lĩnh vực

ĐỨC BÌNH ghi
ĐỨC BÌNH ghi

TTO - Ngày 12-10, hơn 1.000 ý kiến của bạn đọc gửi về tòa soạn phản hồi bài “Ý kiến trái chiều về tăng tuổi hưu” (Tuổi Trẻ ngày 12-10) cho thấy mức độ quan tâm của mọi người về chính sách này.

Nhiều ý kiến đề nghị tăng tuổi hưu phải có lộ trình. Trong ảnh: một cán bộ hưu trí ở Q.Bình Thạnh làm thủ tục đăng ký nhận lương hưu tại Bảo hiểm xã hội TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA
Nhiều ý kiến đề nghị tăng tuổi hưu phải có lộ trình. Trong ảnh: một cán bộ hưu trí ở Q.Bình Thạnh làm thủ tục đăng ký nhận lương hưu tại Bảo hiểm xã hội TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA

Xin giới thiệu dưới đây ý kiến của TS NGUYỄN HỮU DŨNG - nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, Bộ LĐ-TB&XH:

- Theo tôi, việc  là đúng. Với đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH thì mọi người cần hiểu đây là điều chỉnh tăng tuổi hưu, tức là điều chỉnh tăng ở một số lĩnh vực chứ không phải tăng đồng loạt ở tất cả mọi đối tượng. Và việc tăng ở đây có lộ trình, từng năm chứ không phải là tăng ngay lập tức.

Có nhiều yếu tố tác động đến tuổi hưu như: tốc độ tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng việc làm, kinh tế bảo hiểm (tức là quỹ), công nghệ, trình độ, sự phát triển của xã hội, tức là vấn đề dân số, già hóa dân số. Các yếu tố này tác động tới tuổi nghỉ hưu và người làm chính sách phải phân tích từng yếu tố này để tìm ra phương án tối ưu cho tăng tuổi nghỉ hưu, có như vậy mới vững chắc. Hiện nay, chưa ai có đánh giá đúng từng yếu tố đó mà trước mắt mới nhìn thấy yếu tố quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) sắp vỡ, mà mức đóng BHXH hiện nay đã cao rồi, không thể tăng nữa.

Tôi đã nghe ý kiến về tăng tuổi hưu từ nhiều phía, nhà quản lý có, chuyên gia có, nhưng chưa thấy ai nói rõ được mà chỉ thấy nói mang tính định tính, chưa có định lượng cụ thể. Vẫn chỉ là tăng tuổi hưu vì quỹ BHXH sắp vỡ, vì già hóa dân số, vì xu thế hội nhập...

Có một thực tế là quỹ BHXH có nguy cơ sắp vỡ, người già tăng thật, nhưng cũng có yếu tố tỉ lệ thất nghiệp đang rất cao, kể cả trí thức cũng thất nghiệp. Về lâu dài tăng tuổi nghỉ hưu là đúng, nhưng không phải là tăng tất cả, đồng loạt mà phải có từng nhóm người tăng và có lộ trình. Số lao động qua đào tạo hay lao động sản xuất sử dụng công nghệ cao thì tăng được. Còn lao động chân tay, lao động ở lĩnh vực nặng nhọc, lương thấp như dệt may, da giày... thì không thể tăng được.

Ngoài ra, để đảm bảo bình đẳng giới, theo tôi thì giữa nam và nữ ta cứ công bố một tuổi nghỉ hưu, để đến tuổi đó họ được nghỉ hưu chứ không phải là bị nghỉ hưu. Ta đặt ngưỡng 60 tuổi là nghỉ hưu, nhưng nên cho mọi người có thêm quyền lựa chọn, chẳng hạn người ta có thể lựa chọn đến 55 tuổi có quyền được nghỉ hưu, chứ không phải đợi đến 60 tuổi...

Ta có mâu thuẫn là gộp tất cả lao động vào Luật lao động. Luật lao động chỉ có tác dụng với những lao động có quan hệ lao động, nhưng ta đang vận dụng cho cả công chức, viên chức. Viên chức, công chức thì có Luật công chức viên chức rồi, họ có thể theo luật của họ để nghỉ hưu ở tuổi cao hơn.

Quỹ BHXH của chúng ta thực hiện theo mô hình cũ là “tọa thu tọa chi”, tức là những người trẻ, đang đi làm đóng tiền để nuôi những người về hưu. Trước đây, từ những năm 1960, 25 người đóng cho 1 người hưởng. Khi dân số già hóa, tỉ lệ người trẻ thấp đi, tỉ lệ người già tăng lên, dự kiến đến năm 2040 nước ta chính thức bước vào quá trình già hóa dân số với tỉ lệ người già trong tổng dân số từ 60 tuổi trở lên chiếm 25%.

Với dự báo này, mô hình “tọa thu tọa chi” không còn hợp lý nữa, từ 25 người đóng cho 1 người hưởng, nay giảm xuống còn 9 người đóng cho 1 người hưởng, và tương lai đến khoảng năm 2040 thì sẽ là 2 người đóng cho 1 người hưởng.

Với mô hình già hóa dân số như thế, nếu không điều chỉnh tuổi về hưu thì lấy đâu ra tiền để cho tất cả những người về hưu có lương hưu trí? Vì thế cần phải thay đổi, theo mô hình mới của thế giới là “tài khoản cá nhân danh nghĩa”, tức là khi đi làm anh đóng bao nhiêu, khi nghỉ hưu anh hưởng bấy nhiêu. Chẳng hạn lúc đi làm anh đóng 30%, đến lúc về hưu anh cũng chỉ được hưởng có 30% chứ không phải 75%...

Đề nghị tăng tuổi hưu “từ từ” lên nam 62, nữ 58

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 12-10, đại diện Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH cho hay hiện chưa có phương án nào cụ thể về việc nâng tuổi nghỉ hưu, việc sửa luật chỉ đang ở bước kiện toàn ban biên tập. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, các ý kiến đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu nên tăng từ từ lên mức 58 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.

Trong khi đó, đại diện của BHXH VN cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu có thể ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của lao động trẻ, nhưng vị đại diện này cho rằng ảnh hưởng chỉ xảy ra ở giai đoạn đầu mới điều chỉnh, còn sau này khi cân bằng đầu vào - đầu ra sẽ không ảnh hưởng. Vị này cũng cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu hiện đã được áp dụng với một số nhóm người lao động trong cơ quan nhà nước, các nhà khoa học, chuyên gia...

Ông Trần Hữu Thăng, nguyên phó chủ tịch Tổng hội Y học VN, cũng cho rằng do già hóa dân số và tuổi thọ bình quân tăng, thế giới có xu hướng điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, theo ông Thăng, nên điều chỉnh tuổi hưu nhưng tùy nghề nghiệp và loại hình lao động.

Như người làm đường, lái xe, thợ hầm lò..., tức các nhóm nghề lao động nặng nhọc, thì không những không điều chỉnh tăng mà còn có thể điều chỉnh theo hướng giảm. Nhưng người làm việc ở khối hành chính thì có thể tăng tuổi nghỉ hưu lên. Với các quan chức, có ý kiến đề nghị nên giữ tuổi nghỉ hưu như hiện hành để tạo cơ hội cho lớp trẻ.

LAN ANH

Đa số ý kiến muốn giữ tuổi hưu như hiện nay

Trong hơn 1.000 ý kiến của bạn đọc gửi về tòa soạn, đa số ý kiến đề nghị giữ nguyên tuổi hưu như hiện nay là nữ 55, nam 60. Các ý kiến đề nghị giữ nguyên tuổi hưu chủ yếu đưa ra lập luận: tăng tuổi hưu để tránh “vỡ quỹ BHXH” như Bộ LĐ-TB&XH đưa ra là không thuyết phục; nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi sức khỏe và trí tuệ đã giảm sút; hàng vạn sinh viên ra trường không có việc làm thì không có lý gì mà những người già cả, trì trệ lại ở lại giành lấy việc làm của người trẻ...

Các ý kiến còn lại tập trung phân tích xung quanh việc quản lý quỹ BHXH và tăng tuổi hưu thế nào cho hợp lý.

Cụ thể, bạn đọc Lương Thanh (tranthikhoa@...) viết: “Tỉ lệ đóng BHXH của VN là 26% lương, cao so với các nước. Nhưng do cơ chế quản lý số tiền thu BHXH, mức lương đóng, số người đóng không phù hợp để quỹ BHXH không hiệu quả thì phải hoạch định chính sách cho phù hợp. Còn tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động phải xem xét thật kỹ và có lộ trình cho sau này khi chính quyền đã có biên chế gọn nhẹ, đúng người, đủ việc mới thực hiện được”.

Còn bạn Phạm Vân Hải (vanhaixuan@...) cho rằng: “Tăng tuổi hưu là hợp quy luật phát triển của xã hội đã đạt đến một mức phát triển nhất định. Vì những nguyên nhân như sức khỏe dần được cải thiện, tuổi thọ tăng, và quan niệm lao động làm cuộc sống đỡ khó khăn về kinh tế cũng như việc duy trì cuộc sống tinh thần của người làm việc khiến nhiều người vẫn muốn làm việc. Theo tôi, nên có một chính sách thỏa mãn cả những người còn sức khỏe, có nguyện vọng làm việc và những người sức khỏe đã yếu và muốn nghỉ hưu sớm”.

Q.TR.

Là người lao động, bạn thấy có nên thay đổi tuổi nghỉ hưu hay vẫn áp dụng như cũ hoặc có muốn góp ý gì, xin mời bày tỏ ý kiến theo bảng thăm dò dưới đây:

[poll width="400px" height="292px"]245[/poll]

ĐỨC BÌNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp