Chỉ cần gõ cụm từ "bẫy thú rừng", "bẫy chim" hay "cuộc sống hoang dã"… trên YouTube, hàng loạt kênh săn bắt, hướng dẫn săn bắt động vật hoang dã xuất hiện.
Người xem không khỏi rùng mình và bày tỏ bức xúc trước những thước phim sát hại, chế biến món ăn từ những động vật hoang dã của các chủ kênh YouTube này.
Lên án kênh YouTube săn bắt động vật hoang dã
Các kênh YouTube săn bắt, chế biến, ăn động vật hoang dã xuất hiện nhan nhản như: Dân tộc Tây Bắc TV, Hoang dã vùng cao, ACường TV, Vi Tuấn TV, Minh Khuyên TV, Quang TV Hoi An, Thợ núi, Thợ núi rừng, Thợ bẫy chồn, Lim Xanh, Hoàng Khiêm, Rừng xanh TN, Minh Ngọc Blog, Kênh bẫy chim sẻ - Mr.Trí, Mèo bánh xèo…
Mỗi kênh YouTube này đăng hàng trăm video clip hướng dẫn, tường thuật việc săn bắt động vật hoang dã trong những khu rừng nguyên sinh, vườn quốc gia tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Có hàng chục ngàn đến hàng trăm ngàn lượt người đăng ký theo dõi mỗi kênh.
Số lượng người xem các video clip này cũng khá lớn, ít nhất vài chục ngàn lượt, phần lớn vài trăm ngàn lượt, có những video clip cá biệt có hơn 500.000 lượt xem.
Đơn cử như kênh YouTube ACường TV có 45.000 người đăng ký. Kênh này đăng 235 video clip, chủ yếu là các video clip săn bắt động vật hoang dã như chồn lửa, chồn hương, các loài rắn (hổ mang, cạp nong, cạp nia…), chim rừng, rùa…
Mỗi video clip có vài chục ngàn đến hơn 100.000 lượt xem. Tổng số lượt xem kênh hơn 11,8 triệu lượt, dù kênh này mới thành lập vào giữa năm 2020.
Kênh YouTube Vi Tuấn TV ngang nhiên "quảng cáo" trên phần giới thiệu là kênh săn bắt. Còn kênh YouTube Tây Nguyên hoang dã cũng rao là kênh chuyên về hướng dẫn bẫy chim rừng.
Kênh Vi Tuấn TV đăng 139 video, có hơn 1,7 triệu lượt xem dù chỉ có 3,22 ngàn người đăng ký theo dõi. Tây Nguyên hoang dã lên đến gần 4 triệu lượt xem với 444 video đã được đăng.
Cá biệt kênh YouTube Thợ núi có 107.000 người đăng ký, hơn 41,6 triệu lượt xem. Kênh YouTube Thợ núi rừng cũng có gần 41 triệu lượt xem nhưng số lượng người đăng ký ít hơn gần một nửa, 56,5 ngàn người đăng ký.
Số lượng video hai kênh này đăng là hơn 200 video clip, cho thấy sự tò mò của người xem, vô tình tiếp tay cho hành vi phạm pháp.
Mạnh tay xử lý hành vi săn bắt động vật hoang dã
Ngày 17-5-2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị số 04/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.
Theo đó, chỉ thị yêu cầu cán bộ, công chức, người lao động và người dân không tham gia săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo các loài chim hoang dã, di cư trái pháp luật; không mua các cá thể chim để phóng sinh vì đây là hành vi tiếp tay cho các hoạt động săn, bẫy chim hoang dã trái phép.
Việc các YouTuber ngang nhiên săn bắt, chế biến động vật hoang dã, sau đó ghi hình và đăng tải lên YouTube là hành vi vi phạm pháp luật, đáng lên án.
Tuy nhiên, các hành vi săn bắn, giết và ăn động vật hoang dã công khai vẫn chưa được quan tâm và xử lý triệt để khiến dư luận bức xúc.
Thiết nghĩ các cơ quan chức năng sớm có giải pháp, chế tài mạnh tay để ngăn chặn làn sóng sản xuất video độc hại này.
Mạng xã hội tiếp tay hành vi mua bán động vật hoang dã
Sau khi Tuổi Trẻ Online đăng bài viết Ăn thịt chim hoang dã và thú rừng: Rồi có trả đủ nghiệp quả cho một bữa ăn? nhận được nhiều phản hồi của độc giả, lên án hành vi săn bắt, mua bán, chế biến và ăn động vật hoang dã, đề xuất xử lý nặng hành vi này.
Độc giả quan****@gmail.com bình luận: "Rất nhiều hội nhóm đăng mua, bán động vật hoang dã công khai mà không bị xử lý, trong vấn đề này có phần không nhỏ mạng xã hội tiếp tay, dung túng cho vi phạm".
Độc giả Nguyen Hung viết: "Một đất nước muốn văn minh thì phải dẹp bỏ ngay các nhà hàng chim trời, thú rừng và xử lý nghiêm nạn săn bẫy chim thú rừng như hiện nay".
"Điều đáng buồn là có một bộ phận xem việc ăn động vật hoang dã như rắn, rùa, thú rừng, chim như là một thú ăn chơi sành điệu, đẳng cấp..." - độc giả Lê Minh chia sẻ.
Thăm dò ý kiến
Gần đây, các video clip săn bắt, chế biến, ăn động vật hoang dã tràn lan trên YouTube thu hút hàng trăm ngàn người xem. Đây được xem là hành vi tiếp tay cho việc săn bắt thú rừng. Theo bạn, cách nào để ngăn chặn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận