11/10/2005 07:15 GMT+7

"Kênh giáo dục" trên truyền hình: Đầy mà chưa đủ

HOÀNG LÊ - QUỲNH NGUYỄN
HOÀNG LÊ - QUỲNH NGUYỄN

TT - Có thể nói chưa bao giờ truyền hình giáo dục tại VN lại nhiều như hiện nay. Chưa bao giờ bạn xem đài lại phải "ngụp lặn" trong quá nhiều thông tin mà vẫn thấy thiếu, thấy không được đáp ứng khi có nhu cầu...

AFMTYZa5.jpgPhóng to
Chương trình "Chuyện không của riêng ai"

Những xu hướng mới

Bắt đầu mở hộp thư khán giả từ 1-10, chỉ sau ba ngày chương trình Chuyện không của riêng ai (HTV7) đã nhận được hơn 20 thư của khán giả gửi đến. Những thắc mắc, giãi bày, gửi gắm đã chứng tỏ bức xúc của người dân về luật pháp là rất lớn nhưng lại chưa được "khai thông" bởi hình thức hỏi đáp đơn điệu như trước kia.

Một trong những ưu điểm của chương trình này là các tình huống xảy ra trong đời sống liên quan đến pháp luật được thể hiện theo dạng tiểu phẩm vui, dí dỏm. Những ý kiến hướng dẫn pháp lý cho khán giả được thực hiện theo tiêu chí dễ hiểu, dễ nhớ.

Chính điều này đã thu hút đông đảo khán giả vào thứ bảy hằng tuần. Một số chương trình giáo dục khác hiện nay cũng được thể hiện dưới dạng tiểu phẩm như Tôi yêu VN (VTV3) - tuyên truyền an toàn giao thông bằng hình thức đưa ra tình huống, câu hỏi để khán giả trả lời có thưởng. Sống khỏe mỗi ngày cũng tương tự, nhằm tuyên truyền cách sử dụng thuốc đúng cách...

Những chương trình giúp nâng cao kiến thức tổng quát về lịch sử, địa lý, sinh vật, khoa học, văn hóa... được mua lại từ nước ngoài như Du lịch qua màn ảnh nhỏ, Vòng quanh thế giới, Thế giới động vật, Big bang, Finger tips rất dễ xem và giàu thông tin.

Tuy nhiên, những chương trình được sản xuất tại nước ngoài kể trên lại thiếu hẳn phần giới thiệu về đất nước, con người, thiên nhiên, phong tục tập quán của VN.

Đây là điều rất đáng tiếc, và đáng tiếc hơn là gần như các đài truyền hình trong nước chưa đủ điều kiện lẫn ý định thực hiện những chương trình thú vị như thế về đất nước mình.

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền giáo dục cho từng đối tượng khán giả cũng đang là xu thế mới của truyền hình hiện nay. Dành cho các bà mẹ thì có Bé khỏe bé ngoan, Tiếng nói của trẻ, Cuộc sống quanh ta, Chăm sóc sức khỏe trẻ em...

Trên kênh VTV2, chương trình Sức khỏe cho mọi người được truyền hình trực tiếp (một ưu ái hiếm khi dành cho một chương trình giáo dục, xã hội) vào chủ nhật hằng tuần, đề cập những đề tài "nóng sốt" nhất.

Bên cạnh đó, những chương trình như Thường thức gia đình, Khéo tay hay làm (HTV)... tập trung vào đối tượng là các bà nội trợ, phụ nữ trẻ. Cô bác nông dân thì xem Cùng nông dân làm giàu (VTV2), Nông nghiệp nông thôn (HTV) để học hỏi cách làm ăn, tăng cao năng suất. Hay Tìm hiểu tác phẩm điện ảnh (VTV2) là chương trình đáng giá dành cho những fan điện ảnh...

Kết hợp với các đơn vị kinh tế để làm chương trình giáo dục (hầu hết là các game show) có sức thu hút là xu hướng dành cho các kênh truyền hình không thu phí hiện nay. Nhưng những chương trình này cũng bị "thương mại, giải trí hóa" nếu người làm chương trình không "có tâm" với giáo dục và để các nhà tài trợ can thiệp quá nhiều vào nội dung chương trình.

Những "vùng trời" cần khai phá

Nhìn tổng thể, một số chương trình giáo dục vẫn chưa thoát ra được sự cứng nhắc. Phần lớn chương trình giáo dục thường thức đều rất... buồn ngủ - chị Phương Lan, một nội trợ, cho biết. Theo chị Lan, sở dĩ các chương trình này buồn ngủ là vì hình thức thể hiện không sinh động, không gian của chương trình đơn điệu... và quan trọng nhất là chương trình thường được phát vào giờ... ngủ.

Các chương trình dạy nấu ăn, làm bánh, trang điểm... thường được phát sóng vào sáng sớm tinh mơ hoặc một, hai giờ trưa - những thời điểm mà người nội trợ như chị (đối tượng chính của chương trình) không cách nào theo dõi, ghi chép và thực hành ngay. Còn đối với các chương trình giáo dục học đường như bổ trợ kiến thức văn hóa, hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp, luyện thi đại học còn quá khô khan, sách vở, bài giảng thiếu sinh động.

Chị Khánh Mai - phó ban khoa giáo Đài truyền hình TP.HCM - lý giải: "Ban khoa giáo chúng tôi rất cố gắng để có được những chương trình khoa học - giáo dục tốt. Ý tưởng thực hiện các chương trình giáo dục học đường, thường thức... rất nhiều, nhưng cái khó của chúng tôi là kinh phí quá thấp và giờ phát sóng chưa thuận tiện. Vì thế chúng tôi hầu như chưa có chương trình vừa bổ ích vừa hấp dẫn người xem.

Hiện chúng tôi đang nỗ lực thực hiện chương trình Luyện thi 2006. Dù kinh phí thực hiện chương trình rất eo hẹp (khoảng 1 triệu đồng/chương trình) nhưng chúng tôi hi vọng chương trình này sẽ thật hữu ích và được bạn xem đài đón nhận (dự kiến bắt đầu phát sóng vào cuối tháng mười, chậm lắm là đầu tháng mười một trên HTV9 - sau 23g - và HTV 4 - ba lần/ngày).

Và thật bất ngờ khi ngoại ngữ - một "vùng trời" nhộn nhịp người đi học, đi dạy, nghiên cứu, làm việc - lại gần như bị bỏ trống! Đài truyền hình TP.HCM đã ngưng chương trình dạy ngoại ngữ ba, bốn năm nay. Đài truyền hìnhVN "chì" hơn cũng chỉ thực hiện được chương trình giảng dạy tiếng Anh và Hoa (giao tiếp hằng ngày, thương mại...) kèm theo hình thức dạy ngoại ngữ qua bài hát.

HOÀNG LÊ - QUỲNH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp