12/08/2013 06:36 GMT+7

Kênh Ba Bò đổi thay

ANH THOA
ANH THOA

TT - Kênh Ba Bò một thời bị gọi là kênh thối, kênh nước đen, từng làm tốn nhiều giấy mực của báo chí, được bàn luận tại nhiều kỳ họp của chính quyền và là nỗi bức xúc của người dân. Dòng kênh đen bây giờ ra sao?

Qpjo6Gju.jpgPhóng to
Người dân bắt cá ở kênh Ba Bò hôm nay - Ảnh: A.THOA
5Pc7wJ5o.jpgPhóng to
Ô nhiễm ở kênh Ba Bò trước đây - Ảnh: tư liệu

Chúng tôi trở lại kênh Ba Bò (giáp ranh giữa phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP.HCM và phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, Bình Dương), thấy dòng kênh giờ đây được khai thông rộng hơn 10 lần trước đây. Khu vực trước đây là đầm rau muống, tràn lan nước ô nhiễm giờ đã được kiên cố hóa bằng bêtông. Họng cống kênh Ba Bò chạy qua tỉnh lộ 43 (nơi trước đây thường xuyên tắc nghẽn nước, gây ngập úng) giờ đã thay bằng một cây cầu bêtông lớn. Hai hồ điều tiết và hồ sinh học nằm trên lưu vực kênh đang xây dựng. Ở phía thượng nguồn, nước thải từ các khu công nghiệp vẫn chảy ra với khối lượng lớn nhưng mức độ ô nhiễm cơ bản đã được kiểm soát. Nước kênh có phần xanh và trong trở lại.

Cá về

Ông Nguyễn Minh Tài - một người dân ở khu phố 2, phường Bình Chiểu - kể: “Cách nay hơn 15 năm, dòng kênh này nước trong vắt. Rồi bỗng nhiên các khu công nghiệp ở phía thượng nguồn Bình Dương mọc lên, nước kênh dần dần đen kịt và đặc quánh mùi hôi thối. Thời điểm đó khủng khiếp lắm, nước ô nhiễm từ thượng nguồn đổ về thường xuyên tống thẳng vào nhà dân rồi gây ra cảnh sạt lở, ngập úng trên diện rộng. Tôi còn nhớ kinh hoàng nhất là vào đêm 4-10-2009, nước cuốn hơn nửa con đường của tỉnh lộ 43 (đoạn chảy qua cống hôi) tạo thành vực sâu 7-8m. Nhiều nhà trọ nằm chênh vênh bên bờ kênh. Hơn 1g sáng hôm đó, không người dân nào khu vực này dám ngủ vì sợ nước cuốn trôi. Thấy nước ô nhiễm quá, không ít người gửi con đi nơi khác học để tránh ô nhiễm. Ngày đó, người dân khu này khổ sở trăm bề vì ô nhiễm hoành hành”.

Nhiều cây cầu đã được bêtông hóa trên tuyến đường Ngô Chí Quốc và tỉnh lộ 43. Các khu nhà trọ xập xệ đã được xây dựng lại khang trang, nhiều nhà dân chỉnh hướng quay mặt ra bờ kênh. Bên cạnh các doanh nghiệp ý thức hơn trong việc xả nước thải ra dòng kênh, các nhà dân dọc hai bên bờ kênh cũng tự đầu tư xây dựng nhà vệ sinh tự hủy. Các khu nhà trọ xây lấn chiếm hai bên bờ kênh đã cơ bản được giải tỏa và mở ra hai con đường chạy dọc từ thượng nguồn về hạ nguồn. Thấy dòng kênh “lên đời”, nhiều người còn mở nhà sách, tiệm tạp hóa để kinh doanh... Ông Nguyễn Minh Tài nhìn một vòng con kênh hôm nay, kể rằng trước đó là quãng thời gian dân kêu dữ lắm, rồi chính quyền nói họ “nghe”, họ “ghi nhận” nhưng thực trạng ngày càng tồi tệ. Cho đến khi báo đài lên tiếng mạnh thì dự án cải tạo kênh Ba Bò mới được chú ý và dần thay đổi bộ mặt dòng kênh. Ông Tài chỉ tay về phía hạ nguồn, mặt rạng rỡ: “Đó, bây giờ bà con giăng lưới bắt cá. Kênh khỏe khoắn trở lại là cá lũ lượt kéo về ngay”.

Kênh đã có cá! Bà Thủy, một người dân ở phường Bình Chiểu, nói: “Từ ngày dòng kênh đỡ ô nhiễm, cá về nhiều lắm. Nhiều nhà dân dọc hai bên bờ kênh đã sắm lưới bắt cá”. Ông Nguyễn Lát, một công nhân ở trọ, nói ngày nào đi làm về ông cũng ra kênh ném chài, có ngày kiếm được 4kg cá, mang ra chợ bán kiếm thêm tiền. Bà Nguyễn Thị Lý, một người dân sống gần kênh Ba Bò, nói: “Kênh giờ gần giống với mấy chục năm về trước, cá nhiều lắm. Có hôm chồng tôi đi quăng chài được hơn 5kg, có con nặng hơn 1kg”. Còn ông Phan Văn Tiến bảo: “Trước đây thấy kênh ô nhiễm, tôi gửi con ở nhà chị ruột cho cháu đi học, giờ kênh đỡ đen hơn rồi nên đón con về, gia đình ấm cúng hơn”.

Xả lén ban đêm

Ông Trần Văn Nam, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, khẳng định: “Hiện nay cơ bản các doanh nghiệp phía thượng nguồn đã đấu nối hệ thống xử lý nước thải vào nhà máy xử lý nước thải tập trung chứ không còn tình trạng xả thẳng ra kênh Ba Bò như trước đây. Có chăng chỉ là việc xả lén. Chúng tôi sẽ tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm. Bên cạnh chấn chỉnh các doanh nghiệp, chúng tôi đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không xả rác, giữ môi trường chung”.

Mặc dù nước kênh Ba Bò đang trong trở lại vào ban ngày, tuy nhiên ban đêm nước kênh vẫn thường bốc mùi hôi thối. Nhiều người dân ở khu vực này cho hay nhiều đêm một số doanh nghiệp lại xả lén nước ô nhiễm ra kênh. Nhất là vào những đêm mưa, có doanh nghiệp tranh thủ xả thải để nước mưa pha loãng nên rất khó nhận ra.

Khi dự án cải tạo kênh Ba Bò được triển khai, nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng vấn đề cốt lõi là kiểm soát nguồn ô nhiễm từ các khu công nghiệp ở Bình Dương, chứ nếu không thì làm kênh rộng ra cũng chỉ để giúp nước thải ô nhiễm tống ra sông Sài Gòn nhanh hơn. Từ thực tế đó, UBND TP.HCM và tỉnh Bình Dương đã đưa ra các yêu sách, thậm chí cả “tối hậu thư” buộc các doanh nghiệp phải đấu nối hệ thống xử lý nước thải vào khu xử lý tập trung, đồng thời lắp đặt các điểm quan trắc tự động để kiểm soát nguồn nước ô nhiễm. Giải pháp nhiều, vậy mà vẫn còn những doanh nghiệp cố tình xả lén nước thải. Ông Phan Huy Tính, một người dân sống ở khu vực này, cho hay: “Không ít doanh nghiệp lợi dụng trời mưa để xả lén nước thải. Chiêu trò này đã tồn tại nhiều năm đến nay vẫn còn nhưng với khối lượng ít hơn. Những lúc trời mưa, từng vệt nước đen dài chảy ra từ phía thượng nguồn, mùi hôi nồng nặc”.

Ông Lê Thanh Tiễn - một người dân ở cạnh bờ kênh, thuộc khu phố 2, phường Bình Chiểu - nói: “Tôi nghĩ tình trạng này cần phải chấn chỉnh và dứt điểm ngay. Bởi đã đầu tư một dự án quy mô và tốn kém như thế này thì không thể để những doanh nghiệp cố tình vô ý thức kéo dài như thế”. Ông Huỳnh Thanh Long - cũng ở khu phố 2 - chỉ rõ hơn nhiều đêm vào khoảng 2g-5g sáng nước kênh vẫn bốc mùi hôi. Và ông mong mỏi: “Tôi mong không còn cảnh doanh nghiệp xả lén nước thải và dòng kênh sẽ xanh trong trở lại. Chúng tôi tha thiết đề nghị chính quyền cần mạnh tay với những doanh nghiệp xả lén, không để tình trạng này kéo dài”.

Các chỉ số ô nhiễm giảm

Dự án cải tạo kênh Ba Bò được UBND TP.HCM phê duyệt gồm các hạng mục: xây dựng tuyến kênh chính Ba Bò dài hơn 1.700m và tuyến kênh nhánh dài 865m, hồ điều tiết rộng 6ha. Dự án gồm sáu gói thầu xây lắp. Vốn đầu tư ban đầu hơn 300 tỉ đồng, sau đó do có một số thay đổi trong các hạng mục nên kinh phí dự kiến tăng lên hơn 744 tỉ đồng.

Theo số liệu mới nhất của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương cung cấp, sáu tháng đầu năm 2013 chỉ số ô nhiễm trên kênh Ba Bò đã giảm đáng kể so với thời điểm chưa thực hiện dự án cải tạo kênh Ba Bò (năm 2008). Cụ thể, chỉ số COD dưới 100 mg/lít (giảm 5 lần), BOD dao động 25-45 mg/lít (giảm 8 lần), TTS còn 110 mg/lít (giảm 4 lần)... Bên cạnh đó, các khu công nghiệp Sóng Thần 1, Sóng Thần 2 đã đầu tư xây dựng thêm các hệ thống xử lý nước thải và Chi cục Bảo vệ môi trường cũng giám sát việc xử lý nước thải thông qua hệ thống quan trắc tự động. Theo đó, mỗi trạm quan trắc tự động đều gắn camera quan sát, nếu khu công nghiệp nào xả chất thải gây ô nhiễm vượt mức cho phép thì hệ thống quan trắc sẽ tự động lấy mẫu kiểm định.

ANH THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp