Phóng to |
Anders Breivik bị bắt giữ sau vụ thảm sát - Ảnh: Reuters |
Theo BBC, Breivik yêu cầu Chính phủ Na Uy từ chức và muốn các chuyên gia Nhật Bản khám sức khỏe cho mình.
Geir Lippestad, luật sư của Breivik, nhận xét các yêu sách này là “hão huyền”, “hoàn toàn không thể thực hiện được” và cho thấy tên sát nhân này “không hiểu được xã hội hoạt động thế nào”.
“Yêu sách của anh ta bao gồm việc lật đổ cả xã hội Na Uy và châu Âu - ông Lippestad nói với AP - Điều này cho thấy Breivik không hề ý thức được hoàn cảnh của anh ta”.
Luật sư Lippestad nói Breivik yêu cầu được khám bởi các chuyên gia Nhật Bản bởi “chỉ có người Nhật mới hiểu được ý tưởng và giá trị của danh dự” và “sẽ hiểu anh ta hơn người châu Âu”. Ông cũng cho biết Breivik còn đưa ra một danh sách các yêu cầu khác như được cung cấp thuốc lá và quần áo.
Hiện kẻ sát nhân 32 tuổi đang gắn những yêu sách này với việc sẵn sàng chia sẻ thông tin về các nhóm khủng bố có liên quan, theo ông Lippestad. Cảnh sát Na Uy vẫn nghi ngờ về tuyên bố của Breivik rằng y là thành viên của một mạng lưới rộng lớn, nhưng cho biết sẽ điều tra về tuyên bố này. Chính phủ Na Uy cũng cho biết sẽ thành lập “Ủy ban 22-7” xem xét vụ tấn công và điều tra liệu có phải cảnh sát Na Uy đã phản ứng quá chậm trong vụ việc hay không.
Trước đó tòa án Na Uy đã cử hai chuyên gia tâm lý đến đánh giá các hành động của Breivik và đưa ra báo cáo về tâm thần của y trước ngày 1-11. Luật sư Lippestad nói thân chủ của ông bị tâm thần, nhưng một chuyên gia Na Uy đã bác bỏ ý kiến này, cho rằng một kẻ mất trí không thể thực hiện vụ khủng bố công phu và tỉ mỉ như vậy.
Tiết lộ về đời tư của Anders Breivik
Một thực tế gây sốc cho nhiều người dân Na Uy là Anders Breivik có dáng vẻ và hành động như một người bình thường, Reuters nhận xét về kết quả điều tra của cảnh sát Na Uy.
Nhân chứng Ariid Tangen cho biết Breivik đã nói chuyện như một thanh niên bình thường khi đi nhờ xe của ông về thị trấn Rena, vào thời điểm ngay trước khi y chuẩn bị thực hiện vụ thảm sát.
“Chúng tôi nói chuyện suốt dọc đường đi: về thời tiết, nông trại và Breivik kể rằng y muốn trở thành nông dân - ông Tangen kể - Breivik nói y đã thuê một nông trại để sống như một nông dân”.
Ông Tangen khẳng định không có lúc nào Breivik tỏ dấu hiệu về việc mình sắp làm: “Hắn không hề tỏ ra lo lắng và cười đùa rất thoải mái. Tôi không thể hiểu được hắn làm điều đó như thế nào sau khi vừa đặt bom”.
Là con trai một nhà ngoại giao Na Uy thành đạt, Breivik đã được hưởng một nền giáo dục ưu tú ngay cả với tiểu chuẩn của Na Uy. Y học cùng tiểu học với thái tử Na Uy Haakon và học trung học ở Handelsgymnasium - nơi đào tạo rất nhiều nhà kinh doanh và chính trị gia tương lai của Na Uy.
Những người từng quen biết Breivik, mặc dù rất nhiều trong số này đã giấu mặt sau vụ thảm sát 22-7, đều nhận xét họ đã không thấy được biểu hiện gì khác thường ở người thanh niên trầm lặng này.
Tuy nhiên các nhà phân tích tội phạm chỉ ra rằng Breivik đã phải đối mặt với tuổi thơ không cha. Ông Jens Breivik, cha của y, đã rời bỏ gia đình khi Breivik chỉ mới 1 tuổi. Mặc dù vẫn chu cấp cho gia đình nhưng ông Breivik rất ít khi gặp con trai; Anders Breivik được nuôi lớn bởi mẹ và cha dượng - một sĩ quan quân đội. Mối quan hệ giữa hai cha con cũng bị cắt đứt sau một vụ quậy phá thời thiếu niên của Breivik.
Kẻ hoang tưởng?
Những tài liệu được Breivik đăng trên mạng Internet hành động của y lấy cảm hứng từ các sự kiện như vụ tấn công Serbia của NATO năm 1999 và cuộc gặp những kẻ cực đoan khác vào năm 2002. Thế nhưng các nhân viên điều tra nhanh chóng chỉ ra rằng các tài liệu này chứa đầy những điểm không chính xác, và phỏng đoán khả năng lừa dối của Breivik có thể đã phát triển thành khả năng tự lừa dối bản thân.
Từ các lời khai của Breivik, các chuyên gia cho rằng động cơ giết người của Breivik có lẽ vì y tin việc giết chóc sẽ khiến độc giả chú ý đến các “tư tưởng” của y và sẽ mang lại cho cuộc sống vô vị của y một ý nghĩa mới.
Cảnh sát châu Âu cũng đang điều tra tuyên bố của Breivik rằng y là thành viên của một mạng lưới rộng lớn. Thế nhưng cảnh sát tin rằng Breivik giống những kẻ sát nhân đơn lẻ ở Mỹ trước đây hơn là thành viên của nhóm khủng bố.
“Những kẻ sát nhân kiểu này xác định rằng chúng muốn bước ra ánh sáng và được đưa tên trên mặt báo, dù có bị cảnh sát bắn chết đi chăng nữa”, chuyên gia nghiên cứu tội phạm Pat Brown của cảnh sát Washington nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận