Sách do dịch giả Huỳnh Kim Oanh & Phạm Viêm Phương dịch - Ảnh: Trường Sơn |
Bạn đọc được dẫn dắt vào tác phẩm bằng câu hỏi: “Kẻ khủng bố có phải là một quái vật, một tên điên? Người bình thường chúng ta liệu có thể nào hiểu và thông cảm được với một kẻ khủng bố?”.
Nhưng khi đã bắt đầu theo dõi hành trình của chàng thanh niên Hồi giáo 18 tuổi người Mỹ Ahmad Mulloy, ta sẽ còn có nhiều câu hỏi khác.
Tín đồ Hồi giáo sẽ nghĩ gì khi được trao nhiệm vụ “tử vì đạo”? Kẻ “thánh chiến” sẽ cảm thấy thế nào vào buổi sáng trước khi bắt đầu nhiệm vụ nổ tung chính mình?
Một câu hỏi khác - cái gì sẽ khiến một học sinh trung học đằm tính, luôn đến trường với quần bò đen và áo sơmi trắng ủi phẳng phiu trở thành nhân vật chính của một phi vụ đánh bom liều chết nhằm trừng phạt nước Mỹ?
Câu trả lời có trong suốt chiều dài của quyển tiểu thuyết và qua những đối thoại của Ahmad với những người quanh cậu: người mẹ đơn thân, thầy tư vấn “hướng nghiệp” Jack Levy, người thầy tế dạy cậu kinh Qur’an Shaikh Rashid, hay Joryleen - cô bạn học da màu cậu thích nhưng không dám tiến xa vì đức tin.
Câu trả lời cũng đến từ thế giới nội tâm của Ahmad, mà tác giả John Updike đã mở tung cả tâm trí lẫn những góc khuất nhất.
Bản thân chàng thanh niên sùng đạo chưa bao giờ giấu giếm niềm tôn kính dành cho Thánh Alla và sứ giả của người, đấng tiên tri Muhammad.
Sau khi tốt nghiệp trung học, Ahmad chọn học lái xe tải và trở thành người giao hàng, theo sự sắp đặt của người thầy tế.
Người đọc dễ dàng đoán được đằng sau sự sắp đặt này là gì, và lờ mờ đoán được gì đó khi nghe Ahmad nói với Joryleen:
“Thầy dạy tôi ở thánh đường nói mọi kẻ ngoại đạo đều là kẻ thù của chúng tôi. Đấng Tiên tri nói rằng cuối cùng mọi kẻ ngoại đạo đều phải bị hủy diệt”. Một thanh niên “tràn ngập niềm mong đợi thấy mặt Thượng đế” bằng cái chết của chính mình, sẽ làm gì khi được trao một chiếc xe tải lèn chặt thuốc nổ?
Nếu có một Ahmad như thế của năm 2017, khi những vụ tông xe vào đám đông không còn là cá biệt ở châu Âu, thì “kẻ khủng bố” trẻ tuổi sẽ làm gì?
Khủng bố giờ đây không phải như thời 11-9 với những âm mưu được tính toán chi li, cần nhiều người tham gia và phải chờ thiên thời địa lợi.
Như những vụ tấn công ở châu Âu gần đây cho thấy ngày nay chỉ cần một chiếc xe, một con dao và sự sẵn sàng - sẵn sàng giết người và sẵn sàng chết vì đức tin - là đã có thể trở thành một tên khủng bố.
Niềm tin vào con đường lên thiên đàng và thế giới quan của Ahmad, một người sinh ra và lớn lên ngay trên đất Mỹ dù có gốc gác nhập cư, cũng chính là những gì đang khiến người dân châu Âu - nạn nhân mới của Hồi giáo cực đoan - cảm thấy sốc.
Họ không hiểu vì sao những người mà mình đã mở rộng vòng tay chào đón lại nhìn ngược lại mình như những kẻ ngoại đạo phải xuống địa ngục.
Còn bao nhiêu Ahmad hiện đang ở ngoài kia, trong đời thực? Còn bao nhiêu người “mong đợi bước vào Thiên đường, như mọi người Hồi giáo tử tế mong đợi”?
Và liệu trong đời có bao nhiêu người như thầy Jack Levy - những người sẽ làm nhiều hơn chức phận của một người “ngồi suốt ngày trong cái phòng kho cũ kỹ đó cố thuyết phục những đứa cáu kỉnh chống xã hội đừng bỏ học”, mà đủ tinh tế để không kỳ thị người Hồi giáo và đủ nhạy cảm để “thấy gì đó” và “làm gì đó” kịp thời như Levy đã “cướp đi Thượng đế” của Ahmad?
Dù có thể khiến độc giả lo âu khi nhận thấy rằng những kẻ sẵn sàng gieo tang tóc cho nhân loại đang đầy rẫy ngoài kia, song với Kẻ khủng bố, John Updike cũng đồng thời cho thấy không cần thiết phải “mắt đền mắt” để ngăn chặn tội ác.
Điều cần làm là thấu hiểu chân thành, để những kẻ đã chọn con đường tử vì đạo lại có thể ngộ ra rằng giết người không phải là điều Thượng đế muốn ở họ.
Kẻ khủng bố được in lần đầu năm 2005, khi vết thương ngày 11-9-2001 trong lòng nước Mỹ vẫn chưa kịp nguôi. 12 năm sau, câu chuyện của Kẻ khủng bố vẫn thời sự hơn bao giờ hết, khi những vụ tấn công liên quan đến Hồi giáo vẫn cứ xảy ra liên tiếp ở châu Âu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận