02/04/2024 08:22 GMT+7

Kế hoạch thêm máy bay, tàu thủy để cấp cứu ngoại viện ở TP.HCM

Trong tương lai gần, cấp cứu ngoại viện (ngoài bệnh viện) của TP.HCM sẽ hình thành mạng lưới phủ khắp từ đường bộ, đường thủy và đường không. Từ đây, cơ hội vàng cứu sống người bệnh được kỳ vọng sẽ cải thiện đáng kể.

Người bệnh ở những xã đảo, vùng sông nước rất cần có hệ thống cấp cứu bằng đường thủy. Trong ảnh: một ca cấp cứu đưa lên tàu vào đất liền tại xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Người bệnh ở những xã đảo, vùng sông nước rất cần có hệ thống cấp cứu bằng đường thủy. Trong ảnh: một ca cấp cứu đưa lên tàu vào đất liền tại xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Và kỳ vọng đó vừa được "chắp cánh" bằng việc UBND TP.HCM ký phê duyệt đề án triển khai cấp cứu ngoài bệnh viện theo hướng chuyên nghiệp từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo nhằm nâng cao chất lượng, đa dạng hóa loại hình cấp cứu.

Cả xã đảo chỉ có chiếc ca nô cấp cứu nhưng nhỏ và không đầy đủ trang thiết bị y tế. Chúng tôi mong lắm một chiếc tàu cấp cứu hiện đại để yên lòng an cư lập nghiệp.

Chị N.T.T. (43 tuổi, ngụ Thạnh An, Cần Giờ)

Từ giấc mơ của bà con xã đảo Thạnh An

Sống cô lập trên biển Cần Giờ (TP.HCM), bao năm qua người dân xã đảo Thạnh An luôn canh cánh trong lòng mỗi lần đổ bệnh bởi phương tiện cấp cứu ở xã đảo còn nhiều khó khăn.

Ngồi trên chiếc ghe gỗ từ xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) vào đất liền để khám bệnh, chị N.T.T. (43 tuổi, ngụ Thạnh An) kể rằng đã sống hơn nửa đời người trên đảo. 

Ước muốn lớn nhất của chị và bà con nơi đây là có được một chiếc tàu cấp cứu hiện đại khi dông bão, mưa gió kéo đến an tâm cấp cứu. 

Đã nhiều lần bà con đi cấp cứu khẩn cấp trong đêm, y bác sĩ trên đảo đã "liều mạng" ôm bình oxy vượt dông bão chỉ bằng chiếc ca nô không được che chắn đầy đủ.

Nhớ lại vài năm trước, khi sinh con đầu lòng vì xã đảo xa Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ, chị T. cùng chồng phải sống trong nơm nớp lo sợ, nhất là những ngày gần chuyển dạ. 

Vì sợ không có phương tiện cấp cứu đầy đủ, chị cùng chồng phải leo lên ghe gỗ vào đất liền rồi thuê phòng trọ gần Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ để có chuyện gì cũng kịp trở tay.

Bác sĩ Luân Thanh Trường, trưởng Trạm y tế xã đảo Thạnh An, cho hay cả xã đảo chỉ có một phương tiện cấp cứu duy nhất là chiếc ca nô của UBND xã đảo Thạnh An mới được trang bị. 

Chính ông và các đồng nghiệp trên đảo đã không biết bao lần bất đắc dĩ phải đưa người bệnh lên ca nô vượt biển vào đất liền cấp cứu. Có ca may mắn thành công, nhưng có ca không kịp giành lại sự sống cho người bệnh.

Để đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của xã đảo, ngành y tế TP.HCM đã trang bị hệ thống máy X-quang kỹ thuật số tích hợp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh, đưa bác sĩ trẻ luân phiên ra xã đảo... 

Thế nhưng điều mong chờ nhất vẫn là giải bài toán phương tiện cấp cứu cho người dân xã đảo.

Theo đề án phát triển mạng lưới cấp cứu ngoại viện UBND TP vừa phê duyệt, từ năm 2023 - 2025, TP.HCM sẽ triển khai hoạt động cấp cứu đường thủy tại huyện Cần Giờ, đầu tư một tàu cứu thương trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế chuyên dụng đáp ứng nhu cầu cấp cứu cho bà con Cần Giờ, nhất là khu vực xã đảo xa xôi.

Sau năm 2025 mở rộng mô hình cấp cứu bằng đường thủy tại trung tâm TP với bến đỗ tại Bạch Đằng và bổ sung một tàu cấp cứu đường thủy theo nhu cầu phát triển của TP. 

Ông Tăng Chí Thượng, giám đốc Sở Y tế TP.HCM, khẳng định việc đầu tư tàu cấp cứu đường thủy đúng nghĩa tại xã đảo Thạnh An sẽ là ưu tiên số 1 nhằm "đảm bảo thực thi công bình y tế giữa đất liền và xã đảo".

Nhiều xe cấp cứu đưa bệnh nhân len lỏi trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận 5, TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG

Nhiều xe cấp cứu đưa bệnh nhân len lỏi trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận 5, TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG

Cấp cứu ngoại viện còn yếu, mỏng

Báo cáo tổng hợp quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2050 của Bộ Y tế đã cung cấp nhiều con số bất ngờ về mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện: cả nước vẫn còn 27 tỉnh chưa có trung tâm cấp cứu 115, có 18 tỉnh giao đầu mối cấp cứu cho bệnh viện đa khoa tỉnh, 7 tỉnh giao cho tư nhân.

Tại TP.HCM, theo đúng khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 10.000 dân cần có một xe cứu thương, như vậy nếu TP có 13 triệu dân sẽ cần 130 xe cứu thương. 

Thế nhưng hiện nay tổng số xe cấp cứu chuyên sử dụng cấp cứu ngoại viện của TP chỉ có 42 xe. Hiện việc tiếp cận hiện trường cấp cứu chỉ bằng đường bộ với hai phương tiện chính là ô tô và mô tô hai bánh.

Thực tiễn đã chứng minh khi xảy ra tình huống bất khả kháng như dịch COVID-19 năm 2021, mạng lưới cấp cứu ngoại viện hoàn toàn không đủ năng lực để sẵn sàng, chủ động đáp ứng. 

"Rất cần bổ sung phương tiện cấp cứu và phát triển các loại hình tiếp cận hiện trường khác như đường thủy và đường hàng không, đặc biệt khi TP.HCM có đặc điểm địa lý nhiều sông ngòi, kênh rạch, giáp biển, có các đảo xa đất liền và tình trạng tắc nghẽn giao thông đường bộ khi xảy ra các sự cố liên quan đến tai nạn giao thông, thiên tai", đề án nêu rõ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Duy Long, giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115, cho hay đến nay mạng lưới cấp cứu ngoại viện của TP.HCM gồm một trung tâm cấp cứu và 39 vệ tinh. So với một số tỉnh thành khác, TP.HCM có đi sớm hơn, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu cấp cứu cho người dân.

Điển hình vẫn còn tình trạng nhiều người dân khi chờ đợi lực lượng cấp cứu đến quá lâu đã tự túc dùng phương tiện cá nhân chở người bệnh đến bệnh viện hoặc khi có nhu cầu vận chuyển bệnh phải dựa vào phương tiện cấp cứu "chui". 

Đề án này sẽ từng bước có giải pháp trám những chỗ trống đáp ứng nhu cầu cấp cứu của người dân.

"Ngành y tế cũng đã nhiều lần đến Cần Giờ để đánh giá nhu cầu cấp cứu đối với người dân. Tuy không có phương tiện nhưng bà con cũng đã vận dụng tàu ca nô nhỏ để chuyển ca cấp cứu, nhưng khi thời tiết khắc nghiệt lại không có phương tiện phù hợp. 

Đề án này chính là tiền đề để có được tàu sớm nhất cho bà con Cần Giờ, đặc biệt là tiền đề triển khai sớm cấp cứu đường thủy cho bà con xã đảo Thạnh An", ông Long nói.

Nguồn: Đề án cấp cứu ngoài bệnh viện theo hướng chuyên nghiệp giai đoạn 2030 và giai đoạn tiếp theo của UBND TP.HCM - Đồ họa: T.ĐẠT

Nguồn: Đề án cấp cứu ngoài bệnh viện theo hướng chuyên nghiệp giai đoạn 2030 và giai đoạn tiếp theo của UBND TP.HCM - Đồ họa: T.ĐẠT

Phát triển trạm cấp cứu bằng máy bay và tàu thủy

Ông Nguyễn Duy Long chia sẻ thêm có những nội dung trong đề án chưa có tiền lệ ở Việt Nam như đầu tư cấp cứu bằng đường hàng không, cấp cứu đường thủy khi Bộ Y tế hiện vẫn chưa có quy định cụ thể. 

Việc này đòi hỏi phải có sự phối hợp chung của các sở, ngành để đánh giá tính khả thi, phù hợp với đặc thù của TP.HCM chứ không phải bê nguyên mô hình của nước ngoài về sẽ thành công.

Trong đề án, TP.HCM sẽ có ba trung tâm cấp cứu 115 và hai trạm cấp cứu đường hàng không và đường thủy. Ba trung tâm cấp cứu gồm: Trung tâm Cấp cứu 115 cụm Tân Kiên do các bệnh viện ở quận Bình Tân, 6, 8 và huyện Bình Chánh đảm nhiệm; trung tâm cấp cứu cụm trung tâm; và Trung tâm Cấp cứu 115 cụm Thủ Đức.

Trong đề án nhấn mạnh đến việc phát triển trạm cấp cứu đường hàng không và trạm cấp cứu đường thủy. 

Trạm cấp cứu đường hàng không sẽ phối hợp với Bệnh viện Quân y 175, Công ty Trực thăng Miền Nam - Binh đoàn 18 triển khai thực hiện cấp cứu bằng máy bay cho người dân TP.HCM và khu vực phía Nam.

Trạm cấp cứu đường thủy sẽ đặt trong khuôn viên của Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ (cơ sở cũ), đảm trách nhiệm vụ cấp cứu ngoại viện khu vực huyện Cần Giờ và phát triển mô hình cấp cứu đường thủy. 

Trạm cấp cứu đường thủy cùng với Bộ đội biên phòng TP tuyến Cần Giờ, Công an TP triển khai thực hiện cấp cứu bằng tàu thủy cho người dân TP.HCM và khu vực lân cận.

Ông Long nhấn mạnh bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, cần phải có thêm những cơ chế chính sách cho con người, trong đó đặc biệt là đội ngũ nhân viên cấp cứu ngoại viện, như có mức thu nhập phù hợp cho nhân viên tham gia cấp cứu ngoại viện, tạo điều kiện cho họ có cơ hội học tập tại nước ngoài...

Bắt buộc các tỉnh phải có điều phối cấp cứu ngoại viện

Trong quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2050, Bộ Y tế chủ động đưa ra nhiều phương án tổ chức và sắp xếp lại mạng lưới cấp cứu ngoại viện ở từng địa phương phù hợp với phân bố dân cư, điều kiện giao thông và cơ sở y tế.

Với các TP lớn, mật độ dân cư cao và địa hình giao thông thuận tiện, Bộ Y tế đề xuất thực hiện mô hình trung tâm cấp cứu 115 hoàn chỉnh.

Với các tỉnh có địa bàn rộng, giao thông không thuận tiện như ở khu vực miền núi, vùng xa... có thể không nhất thiết phải thành lập trung tâm cấp cứu 115 hoàn chỉnh. Các tỉnh này vẫn giao các bệnh viện đa khoa thực hiện nhiệm vụ cấp cứu ngoại viện.

Nhưng bắt buộc phải thiết lập một đơn vị tiếp nhận thông tin, điều phối cấp cứu ngoại viện chung cho toàn tỉnh. Tại các bệnh viện đa khoa phải tổ chức các đơn vị thực hiện cấp cứu ngoài hiện trường.

Cần nhiều loại hình cấp cứu, trang thiết bị đầy đủ

Bác sĩ Trần Văn Sóng (phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115):

Xu hướng thế giới

Việc đầu tư, quy hoạch mạng lưới cấp cứu ngoại viện là xu hướng thế giới đã đi từ lâu, hiện chúng ta đã đi chậm. Cấp cứu sống còn là vấn đề thời gian, làm sao để người bệnh đến bệnh viện nhanh nhất.

Sau khi cấp cứu ban đầu cho người bệnh thì phải tìm cách đưa người dân lên đất liền để cấp cứu chuyên sâu.

Nếu triển khai cấp cứu bằng đường thủy nên đặt các vị trí cấp cứu dọc theo sông, những vị trí quan trọng để kịp thời cấp cứu khẩn cấp, bố trí tại nhiều khu vực khác nhau để thuận tiện cho việc cấp cứu.

Bác sĩ Ngô Trí Thành (Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM):

Đáp ứng nhu cầu người dân vùng xa

Năm 2023, tôi đã tình nguyện đăng ký về xã đảo Thạnh An khám chữa bệnh cho bà con nơi đây trong thời gian một tháng. Tại đây, tôi cùng các y bác sĩ trên đảo đã từng cấp cứu cho nhiều người dân trong tình huống cấp bách, phương tiện cấp cứu không đầy đủ, đặc biệt là trong thời tiết đêm khuya gặp mưa to gió lớn.

Việc trang bị thêm chiếc tàu cấp cứu cho người dân trên xã đảo là rất cần thiết, giúp ích trong việc cấp cứu sớm cho bệnh nhân, đặc biệt là đảm bảo cấp cứu trong thời tiết khắc nghiệt.

Bên cạnh đó khi có tàu cấp cứu trong quá trình chuyển nếu bệnh nhân có diễn tiến bệnh nặng các bác sĩ có thể kịp thời thực hiện thao tác cho bệnh nhân. Ngoài cấp cứu cho người dân xã đảo Thạnh An và khu vực xung quanh còn đảm nhận luôn vai trò cấp cứu ngay tại vùng biển các tỉnh lân cận.

Bác sĩ Trần Thị Ngọc (phó trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Từ Dũ - TP.HCM):

Linh động chọn loại hình cấp cứu

Chúng ta nên tính toán xây dựng phương tiện khác ngoài cấp cứu bằng đường bộ. Trung tâm Cấp cứu 115 sẽ phải nắm rõ từng trường hợp cấp cứu để tính toán người bệnh thích hợp đến bệnh viện bằng đường không, đường thủy hay đường bộ hoặc đến các bệnh viện cấp cứu hiệu quả để tư vấn cho người bệnh.

Đồng thời đối với cấp cứu bằng đường thủy, chúng ta nên thí điểm ở một số nơi trước khi tiến đến triển khai toàn bộ.

Đại diện Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM:

Cấp cứu phải đầy đủ trang thiết bị

Khi cấp cứu bệnh nhân cần đến nơi cấp cứu nhanh nhất có thể. Do đó các thiết bị cấp cứu trên tàu cần phải trang bị đầy đủ mới đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Bên cạnh đó, do tính cấp bách về thời gian cấp cứu cần phải chú trọng đến tuyến đường cấp cứu, lựa chọn loại phương tiện phù hợp, tốt nhất đối với cấp cứu đường thủy nên thí điểm tại một thời điểm thích hợp. Ngoài ra, tàu cấp cứu có thể không cần to nhưng phải đầy đủ trang thiết bị y tế.

Vì sao trung tâm cấp cứu đường thủy được đặt tại Cần Giờ?Vì sao trung tâm cấp cứu đường thủy được đặt tại Cần Giờ?

Đề án cấp cứu ngoài bệnh viện vừa được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký phê duyệt đã bổ sung loại hình cấp cứu đường thủy. Trong tương lai gần, một trung tâm cấp cứu đường thủy sẽ hoạt động tại Cần Giờ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp