TS.BS Thủy Tiên khám mắt cho chị D.K.L. bị cườm nước do lạm dụng thuốc nhỏ mắt có corticoid - Ảnh: L.TH.H.
Tại khoa Glaucoma Bệnh viện Mắt TP.HCM, trung bình mỗi tuần tiếp nhận khoảng 50 bệnh nhân mới nhập viện để điều trị bệnh cườm nước. Hầu hết không thể cứu vãn được thị lực do thần kinh thị giác đã chết.
Mắc bệnh do tự điều trị
Điển hình cho nhiều bệnh nhân bị cườm nước do tự ý mua thuốc nhỏ mắt (có thành phần corticoid) mỗi khi ngứa, đỏ mắt là chị D.K.L. (23 tuổi, Khánh Hòa). Chị L. nhập viện ngày 26-2 trong tình trạng mắt phải chỉ nhìn được nửa mét và rất nhòe, nhãn áp tăng đến 40mmHg (người bình thường dưới 21mmHg). Bệnh nhân được chẩn đoán bị cườm nước do sử dụng thuốc nhỏ mắt có corticoid lâu ngày.
Khi được bác sĩ tư vấn về việc phẫu thuật và mắt trái cũng bị cườm nước nhẹ phải điều trị thuốc, chị L. khóc rất nhiều vì thấy sai lầm của mình đã ảnh hưởng đến sức khỏe quá lớn.
Theo chị L., chị hay bị ngứa mắt, mỗi khi ngứa chị lại dụi khiến mắt bị đỏ và phải đi bệnh viện khám. Bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm kết mạc rồi cho thuốc nhỏ mắt. Khi nhỏ thuốc chị L. hết đỏ mắt, dễ chịu. Do hay bị ngứa mắt, đi khám nhiều lần nên khi nghe bác sĩ nói "hết cách rồi" thì chị không đi khám nữa. Sau đó cứ mỗi lần bị đỏ mắt, chị L. lại lấy toa thuốc cũ bác sĩ cho đi mua về nhỏ. Sau thời gian sử dụng kéo dài mỗi khi ngứa, đỏ mắt khoảng 3-4 năm thì chị L. thấy mắt mờ dần. Khi nhìn mờ chị L. lại nhỏ thêm thuốc để cho sáng mắt. Chỉ đến khi nhỏ thuốc mà mắt vẫn không sáng chị L. mới hoảng sợ, đi khám ở một bệnh viện tại Nha Trang và được chẩn đoán cườm nước nặng.
Một bệnh nhân khác bị cườm nước cấp tính mắt trái là bà T.T.M. (58 tuổi, Đắk Lắk), nhập viện ở Bệnh viện Mắt TP ngày 27-2. Theo bà M., trưa 5-2 bà đột ngột bị đau mắt trái và đau nửa đầu dữ dội kèm nôn ói. Bà M. uống hai viên thuốc giảm đau mới bớt. Nửa đêm bà M. bị đau trở lại, người nhà đưa đi bệnh viện cấp cứu thì được chẩn đoán bị tăng nhãn áp, cườm nước, cho thuốc điều trị và xuất viện trong ngày.
Bốn ngày sau bà M. tái phát đau đầu, nhức mắt, nôn ói. Bà đến một bệnh viện khác khám. Sau khi siêu âm mắt, bác sĩ nói bà bị vật gì đó đập vào mắt nên mới như thế, rồi cho thuốc nhỏ mắt mà không tư vấn gì. Khi đang nhỏ thuốc bà M. lại tái phát đau đầu, nhức mắt dữ dội nên bà đến Bệnh viện Mắt TP khám. Bà M. được phẫu thuật, điều trị hạ nhãn áp mắt trái và điều trị laser phòng ngừa cườm nước mắt phải để ngừa cơn cườm nước cấp tính sau này.
Mất thị lực không hồi phục
Theo TS.BS Phạm Thị Thủy Tiên - bác sĩ khoa Glaucoma, Bệnh viện Mắt TP.HCM, cườm nước là bệnh lý gây tổn hại thần kinh thị giác qua cơ chế làm tăng áp lực (nhãn áp) trong mắt. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, thần kinh thị giác sẽ bị tổn thương ngày càng trầm trọng, dẫn đến mất thị lực không hồi phục. Các phương pháp điều trị (thuốc, phẫu thuật) hiện chỉ giúp ngăn chặn bệnh tiến triển và bệnh nhân phải điều trị thuốc, theo dõi bệnh suốt đời.
"Trong hai năm 2016 và 2017 số người bị mắc bệnh cườm nước ngày càng nhiều. Hiện trung bình mỗi tuần khoa Glaucoma nhận điều trị khoảng 50 bệnh nhân mới. Đa số bệnh nhân đến khám ở giai đoạn trễ nên việc điều trị để bệnh nhân phục hồi thị lực gần như không có"- TS Thủy Tiên nói.
Theo TS.BS Thủy Tiên, tùy theo dạng bệnh mà bệnh cườm nước có biểu hiện khác nhau. Nếu là cườm nước cấp tính, người bệnh bị nhức đầu, nhức mắt đột ngột, kèm nôn ói. Triệu chứng này có thể xuất hiện sau một xúc động mạnh, stress.
Trường hợp người bệnh bị cườm nước mãn tính thường nguy hiểm hơn do bệnh xuất hiện âm thầm, tiến triển chậm trong thời gian dài, triệu chứng không rõ ràng và thường bị bỏ qua. Dạng bệnh này xuất hiện rất nhiều trong cộng đồng và khó cảm nhận được. Chỉ đến khi thị lực giảm nhiều hoặc không nhìn thấy gì người bệnh mới đến bệnh viện. Vì vậy, cườm nước còn được gọi là "kẻ cướp" thầm lặng vì nó lấy đi ánh sáng của người bệnh mà họ hoàn toàn không biết.
Thường bệnh nhân không cảm thấy đau nhức mắt, đôi khi mắt căng tức nhẹ thoáng qua hoặc nhức nhẹ quanh hốc mắt. Có khi mờ mắt thoáng qua, nhìn mờ như sương mù hoặc nhìn nhòe thời gian ngắn do nhãn áp tăng lên. Khi áp lực mắt giảm xuống bệnh nhân nhìn rõ trở lại. Triệu chứng này có thể gặp ở nhiều bệnh khác nhưng mờ mắt thoáng qua xảy ra cùng lúc với nhức mắt là dấu hiệu nghi ngờ rõ nhất của bệnh cườm nước. Khi nhãn áp trong mắt tăng, bệnh nhân đôi khi sẽ thấy quầng sáng xanh đỏ khi nhìn vào đèn. Tình trạng này có thể kéo dài cả buổi và lặp đi lặp lại trong một thời gian. Nhức đầu cũng là triệu chứng của rất nhiều bệnh, trong đó có bệnh cườm nước.
Khi có một hay cùng lúc xuất hiện các triệu chứng trên, bệnh nhân cần đến ngay bệnh viện có chuyên khoa mắt để kiểm tra.
Về nguyên nhân, cườm nước có thể do yếu tố di truyền, do lạm dụng thuốc nhỏ mắt có corticoid. Hiện có nhiều phương pháp điều trị cườm nước như thuốc nhỏ, laser phòng ngừa hoặc phẫu thuật tùy giai đoạn bệnh.
Cườm nước - bệnh gây mù lòa thứ 3 thế giới
Cườm nước là bệnh gây mù lòa thứ ba trên thế giới, chỉ sau bệnh đục thủy tinh thể và bệnh lý bán phần sau.
Cườm nước do lạm dụng corticoid xảy ra rất nhiều. Khi sử dụng thuốc có corticoid kéo dài sẽ gây hư vùng thoát nước của mắt làm cho nước trong mắt không thoát ra được, đưa đến tình trạng nhãn áp tăng lên. Khi nhãn áp tăng lên sẽ làm cho thần kinh thị giác bị chết dần dần.
Những người dễ mắc cườm nước
Ai cũng có nguy cơ bị cườm nước nhưng nữ dễ mắc bệnh hơn nam. Để phòng ngừa bệnh, những người có nguy cơ cao cần được khám mắt định kỳ mỗi năm một lần như: người trên 40 tuổi, gia đình có người thân bị cườm nước, có bệnh đái tháo đường hoặc cao huyết áp, bị viễn thị, cận thị nặng, giác mạc (tròng đen) nhỏ, bong võng mạc, có tiền sử dùng thuốc nhóm steroid đường toàn thân hoặc nhỏ mắt thời gian dài, từng bị chấn thương hoặc phẫu thuật mắt...
Báo động bệnh glôcôm do lạm dụng corticoid nhỏ mắt
Theo BS Hoàng Thị Hiền - khoa glôcôm Bệnh viện Mắt T.Ư, cần báo động việc người dân lạm dụng và tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt không có chỉ định của thầy thuốc, khiến cho mắt có thể bị glôcôm do tra corticoid kéo dài.
BS Hiền cho biết thị trường có các thuốc nhỏ mắt điều trị chứng ngứa, khô mắt, viêm kết mạc... chứa corticoid, nếu sử dụng các thuốc này không theo chỉ định của bác sĩ trong thời gian dài có thể dẫn đến bệnh glôcôm.
Điều tra tại Bệnh viện Mắt T.Ư cho thấy tỉ lệ bệnh nhân bị glôcôm góc mở có tiền sử tra corticoid kéo dài lên đến trên 31-33%, trong đó trên 60% là người từ 25-59 tuổi.
L.ANH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận