Phóng to |
Các kỹ sư trẻ của ban quản lý dự án vệ tinh nhỏ Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN tại trung tâm điều hành - Ảnh: Việt Dũng |
Tất cả đang căng mình để chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiếp nhận toàn bộ việc vận hành, khai thác vệ tinh quan sát Trái đất đầu tiên của VN vào đầu tháng 8.
Sống theo giờ... GMT
Toàn bộ đồng hồ trong trung tâm điều hành đặt tại Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN đã được chỉnh theo giờ GMT để đồng bộ với đồng hồ trên vệ tinh và các trạm mặt đất khác. Trong ba bức ảnh vệ tinh đầu tiên mà VNREDSat-1 chụp VN tại Lũng Cú (Hà Giang), Phú Quốc và Hà Nội, bức ảnh chụp Lũng Cú kém sắc nét hơn cả do mây phủ quá nhiều.
Một góc cảnh đầu tiên chụp Hà Nội của vệ tinh VNREDSat-1 sau khi xử lý được treo trang trọng trong phòng điều hành. TS Phạm Minh Tuấn - đội trưởng đội kỹ sư trẻ của dự án vệ tinh VNREDSat-1 - tiến sát đến bức ảnh thuyết minh: Trong bức ảnh đầu tiên này, chất lượng ảnh tương đối tốt, biểu thị rõ ràng cấu trúc các đối tượng trên bề mặt như đường sá, các nhà cao tầng, ranh giới giữa các thửa đất, mức độ bao phủ của thực vật...
Những ngày đầu vệ tinh được phóng lên quỹ đạo, bên cạnh trạm thu tín hiệu vệ tinh hiện có của VN đã có thêm một trạm thu tại Bắc cực được thuê để có thể liên lạc với vệ tinh VNREDSat-1 nhiều hơn. “Sau khi vệ tinh tách khỏi tên lửa, phải qua nhiều lần liên lạc với vệ tinh mới có thể xác định chính xác quỹ đạo của nó. Mỗi ngày vệ tinh chỉ đi qua VN 3-4 lần (khoảng 9g-11g, 20g30-23g), nhưng lại đi qua Bắc cực đến hơn 10 lần. Việc thuê thêm trạm thu tại Bắc cực trong giai đoạn này giúp tăng số lần liên lạc với vệ tinh, giúp quá trình quan sát, theo dõi, xác định quỹ đạo vệ tinh đạt hiệu quả cao nhất” - anh Tuấn nói.
Lý giải việc chụp được khu vực lãnh thổ VN sớm hơn một ngày so với kế hoạch, các kỹ sư trẻ “bật mí” một phần quan trọng là nhờ tên lửa đưa vệ tinh vào vị trí có sai số rất nhỏ so với quỹ đạo đã được tính toán từ trước. “Phải đến khi xác định chính xác quỹ đạo của vệ tinh mới có thể lập kế hoạch chụp ảnh”.
Phóng to |
Hình ảnh truyền từ vệ tinh VNREDSat-1 chụp vị trí Hà Nội - Ảnh: Việt Dũng chụp lại |
Vận hành, thiết kế, chế tạo vệ tinh
Trước khi tham gia dự án lớn này, một số kỹ sư của Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN đã được tham gia thử nghiệm việc chế tạo thiết bị chụp ảnh trên vệ tinh, rồi xây dựng thiết kế mô hình vệ tinh, mô phỏng chi tiết cấu tạo của một vệ tinh hoàn chỉnh. Khi dự án khởi động, 15 kỹ sư trẻ đã được sang Toulouse, Pháp học tập. Lần đầu tiên VN hình thành được một nhóm đồng bộ trong lĩnh vực vệ tinh quan sát Trái đất, được đào tạo để không chỉ vận hành, khai thác vệ tinh mà còn tham gia tiếp cận quy trình thiết kế, chế tạo một vệ tinh nhỏ. Người trẻ nhất được cử đi đào tạo mới chỉ sinh năm 1989. Bùi Quang Huy (28 tuổi) - chuyên về quỹ đạo vệ tinh - cho hay để hoạt động như một đội vận hành, khai thác vệ tinh hoàn chỉnh, mỗi người được giao chuyên sâu một vị trí: Cao Xuân Huy (35 tuổi) chuyên về khai thác dữ liệu ảnh vệ tinh, Trương Tuấn Anh (24 tuổi) chuyên về điều khiển tư thế vệ tinh, Nguyễn Sỹ Anh (24 tuổi) chuyên về điều khiển vệ tinh...
Quá trình quan sát thực tế việc chế tạo vệ tinh đã đem đến cho những kỹ sư trẻ trải nghiệm thực tế nhiều khác biệt so với lý thuyết. Chuẩn bị cho chuyến đi học về một lĩnh vực mới mẻ như công nghệ vũ trụ, ai nấy đều tìm đọc rất nhiều sách để nghiên cứu trước. “Phải đến khi được trực tiếp tham gia các quá trình thử nghiệm vệ tinh, chúng tôi mới vỡ ra nhiều điều. Việc thiết kế, chế tạo sản phẩm có thể học được trên lớp kết hợp với đọc tài liệu, nhưng quy trình làm việc chuẩn cùng bộ phận giám sát độc lập nếu không quan sát thực tế thì không thể hình dung nổi. Với một vệ tinh đầu tư tốn kém, lại có đặc thù rất chuyên biệt không giống với thiết bị hoạt động trên mặt đất thông thường, nên nếu không có quy trình làm việc siêu chuyên nghiệp thì không thể đạt được độ chuẩn xác của chất lượng như mong muốn. Một chiếc ôtô nếu có hỏng hóc nào đó khi vận hành hoàn toàn có thể đưa vào gara hiệu chỉnh, sửa chữa. Nhưng với một vệ tinh khi đã bay vào quỹ đạo, nếu có sai sót gì thì không có cách nào đưa về để sửa chữa” - anh Tuấn ví von.
Là người được tiếp cận quá trình thiết kế, chế tạo vệ tinh dài gần hai năm, là người sở hữu nhiều nhất những bức ảnh chụp chung với vệ tinh, nhưng khi lục lại số ảnh đã chụp cạnh VNREDSat-1, anh Tuấn thú thật tất cả chỉ vỏn vẹn khoảng 10 bức. “Điều kiện vô trùng trong buồng sạch chế tạo vệ tinh cực kỳ nghiêm ngặt, luôn bảo đảm mật độ bụi trong không khí ở ngưỡng cho phép, nên việc tuân thủ kỷ luật rất chặt chẽ. Việc chụp ảnh cũng rất hạn chế vì còn liên quan đến tính bảo mật việc chế tạo vệ tinh của nhà sản xuất” - anh Tuấn cho biết.
“Muốn chụp nơi nào cũng được” Ngày 11-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Phạm Văn Cự - chuyên gia về công nghệ viễn thám ĐH Quốc gia Hà Nội - cho hay giá thành của ảnh vệ tinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chi phí càng cao thì việc đáp ứng càng tốt cả về thời gian và chất lượng ảnh. Ước tính mỗi năm các bộ ngành, địa phương... trong cả nước đã phải chi trả đến hơn 1 triệu USD cho việc mua ảnh vệ tinh. Thực tế khi chưa có vệ tinh quan sát Trái đất riêng, dù phải bỏ tiền mua ảnh của nước ngoài (với giá trung bình 2.000-5.000 USD/cảnh) nhưng các đơn vị trong nước có nhu cầu nhiều khi vẫn phải đợi vài ngày đến vài tháng mới có ảnh, thậm chí không được cung cấp ảnh khi khu vực chụp bị cho là “nhạy cảm”. Với thiết kế của VNREDSat-1, chỉ trong tối đa ba ngày là vệ tinh sẽ được điều chỉnh đến vị trí cần chụp ảnh. Ông Nguyễn Xuân Lâm - giám đốc Trung tâm Viễn thám quốc gia (Bộ Tài nguyên - môi trường) - cho rằng với năng lực làm việc của một vệ tinh nhỏ như VNREDSat-1, không thể đòi hỏi có VNREDSat-1 là VN hết phải mua ảnh vệ tinh từ nước ngoài, nhưng chắc chắn việc mua ảnh vệ tinh sẽ giảm đi. Phạm vi chụp mỗi cảnh của vệ tinh VNREDSat-1 không quá lớn, nên nếu chụp toàn bộ lãnh thổ VN với diện tích khoảng 330.000km2 thì cần đến hàng nghìn bức ảnh. “Điều ý nghĩa nhất của vệ tinh VNREDSat-1 là VN sẽ chủ động hơn về việc chụp ảnh, có thể chụp ở bất cứ đâu với lịch chụp sớm nhất có thể để cung cấp theo nhu cầu” - ông Lâm nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận