Nhan đề sách cũng là câu hỏi đau đầu giới khoa học quân sự hàng chục năm qua - Ảnh: L. ĐIỀN
Nhan đề quyển sách "Tại sao Việt Nam đánh thắng B52" cũng chính là nan đề của giới khoa học quân sự, kể từ trận "Điện Biên Phủ trên không" trong chiến tranh Việt Nam từ năm 1972.
Nan đề này càng hấp dẫn những nhà khoa học trong tổng kết chiến tranh, khi cho đến nay vẫn chưa có lực lượng đối không nào bắn rơi B52 của Mỹ, mặc dù loại "pháo đài bay" này được đưa vào sử dụng từ những năm 1950 thế kỷ trước.
Tác giả sách là trung tướng Phan Thu - người có kinh nghiệm thực tế sâu sát với Quân chủng phòng không - không quân từ trong chiến tranh.
"Những ảnh về vũ khí trang bị như máy bay, các loại bom đạn, các khí tài gây nhiễu của địch là do tôi chụp từ các tạp chí quân sự nước ngoài từ năm 1967", bộc bạch của tác giả cho thấy một khía cạnh trong công tác nghiên cứu chuẩn bị đối đầu với các phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ thời bấy giờ.
Cho nên, tập sách cho thấy mức độ am hiểu của phía Việt Nam đối với loại hình máy bay chiến lược B52, đúc kết các kinh nghiệm giành thắng lợi trên thực tế, trong đó việc chiến thắng các loại thiết bị gây nhiễu đã được tác giả xem như một phần nội dung quan trọng, có ảnh hưởng đến cả cục diện quốc phòng trong tương lai.
Tập sách hấp dẫn bởi lời kể của người trong cuộc - Ảnh: L. ĐIỀN
Nhật ký phi công tiêm kích lại là một phương diện khác của chiến tranh. Bạn đọc sẽ không bắt gặp những câu khẩu hiệu "lên gân" hay các mô tả chiến công "theo thói quen", mà đây chính là những lời tâm tình của một người lính chiến đặc biệt.
Không phải chỉ đặc biệt ở thành tích một mình bắn rơi 6 máy bay Mỹ, mà chính ở thể loại nhật ký đã làm lộ ra những nghĩ suy đời thường, tình cảm của một phi công tiêm kích đối đầu với quân thù trong từng nhiệm vụ và mỗi chuyến đi đều không hẹn trở về...
Do tác giả là người trong cuộc, tập sách có những đoạn nội dung kịch tính tường thuật từng pha chiến đấu trên không, những sự kiện mà vào lúc diễn ra đã thu hút hàng triệu "view" của dân chúng toàn thế giới theo dõi chiến tranh Việt Nam.
Nhưng cũng có những lúc anh hùng phi công Nguyễn Đức Soát lại dành cho đồng đội những dòng chữ đầy cảm xúc đến chùng lòng: "Đánh nhau, mình đã có kinh nghiệm. Gọi đến lần thứ ba mà không thấy trả lời, chắc chắn là máy bay không còn trên trời nữa. Vậy mà đến lúc sắp chạm mặt đất khi hạ cánh mình còn gọi tiếp: "034 gọi -35". Không biết Sâm bị rơi trong trường hợp nào... Sâm ơi, bây giờ mày ở đâu?".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận