24/11/2015 15:00 GMT+7

Kế  chống chồng say xỉn của chuyên gia, còn kế của bạn?

L.ANH - D.NGUYỄN ghi
L.ANH - D.NGUYỄN ghi

TT - Tiếp theo câu chuyện “Mong chồng bớt nhậu về với vợ con” trong mục Dân nghĩ, dân làm (Tuổi Trẻ ngày 23-11), một số chuyên gia, bác sĩ khuyến cáo tác hại của bia rượu không chỉ ở vấn đề sức khỏe mà còn nặng nề hơn, đồng thời gợi ý những giải pháp trước mắt có thể hạn chế tình trạng say xỉn của nhiều ông chồng.

Trên đường Dương Bá Trạc (Q.8, TP.HCM), một nhóm bạn phải vật lộn rất lâu để đưa bạn mình đang say về nhà - Ảnh: Tiến Long

* Bà Trần Thị Trang (phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế):

Hướng đến quản lý chặt cấp phép, tăng thuế rượu bia

Lượng rượu bia tiêu thụ ở VN đang ở mức trung bình của thế giới nhưng mức độ gia tăng lại rất nhanh và nếu không có những giải pháp kiềm chế sớm, việc phòng chống tác hại rượu bia sau này sẽ càng khó khăn.

Hiện Lào, Mông Cổ đã có những bước đi đầu tiên trong phòng chống tác hại rượu bia, trong khi lượng rượu sử dụng ở Lào còn thấp hơn nhiều so với VN. Singapore, Thái Lan hay Nga đều đã áp dụng giờ cấm/hạn chế bán rượu bia.

Ở VN, do một số hạn chế về tập quán và thói quen kinh doanh như rất khó kiểm soát quy định về bán rượu bia tại các cửa hàng đại lý nhỏ, quán rượu vỉa hè... nên việc kiểm soát trước mắt, theo tôi, là hướng đến kiểm soát nguồn cung cấp bằng quản lý chặt khâu cấp phép, sau đó tăng thuế rượu bia nhằm làm tăng giá rượu bia và cấm quảng cáo rượu bia.

Dự thảo Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia đang trong quá trình soạn thảo và dự định trình Quốc hội vào năm 2017.

Việc phòng chống tác hại của rượu bia đã có hàng chục văn bản, quy định của các bộ, ngành, địa phương. Nhưng vấn đề là ở cái nhìn của từng lãnh đạo địa phương, cơ quan với tác hại của rượu bia.

Với người dân, hiện chưa có quy định nào kiểm soát việc uống rượu bia. Trong dự thảo Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia từng có đề nghị hạn chế hoặc cấm bán rượu bia vào một số giờ nhất định, tuy nhiên nhiều ý kiến đánh giá là khó thực hiện.

Vì thế, tôi cho rằng cần tuyên truyền thật mạnh về tác hại của lạm dụng rượu bia, về các căn bệnh như loạn thần, viêm tụy do rượu bia đang gia tăng tại bệnh viện...

* Bà Vũ Thị Minh Hạnh (phó viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế):

Lập những nhóm tuyên truyền cho các ông hay uống rượu

Giải pháp trước mắt, theo tôi, vẫn là tuyên truyền thật mạnh về tác hại của lạm dụng rượu bia với sức khỏe. Ngành y tế cũng phải có giải thích thật rõ tác hại của rượu bia... Rượu là nguyên nhân trực tiếp của bảy loại ung thư, là nguyên nhân cấu thành của 30 loại ung thư khác, chưa kể các chứng bệnh xơ gan, loạn thần do rượu...

Theo tôi, nên lập các nhóm đồng đẳng viên để tuyên truyền cho các ông hay uống rượu về các tác hại này.

* Bác sĩ Nguyễn Văn Ca (phó chủ nhiệm bộ môn tâm thần kinh Bệnh viện 175, TP.HCM):

Đừng để mất tất cả vì rượu

Ông T.N.A. (43 tuổi, TP.HCM) điều trị từ năm 2010 nhưng đến nay sau nhiều lần tái đi tái lại, từ cai rượu đã chuyển sang điều trị chứng tâm thần do nghiện rượu vẫn không hết, chưa kể ông A. phải điều trị thêm các bệnh lý đi kèm khác, trong đó nặng nhất là xơ gan.

Ông A. làm trong một môi trường làm việc tốt, có sự quản lý chặt chẽ nền nếp tác phong của viên chức trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Hội chứng nghiện rượu của ông tăng dần khi tần suất bỏ bê công việc ngày càng nhiều, thường xuyên nổi nóng, bỏ việc giữa giờ...

Không thể ra ngoài trong giờ làm việc, ông A. để chai rượu vào hộc bàn, đưa ống hút ra ngoài để dễ uống.

Đến mức như vậy ông bị thuyên chuyển công tác, từ một chuyên gia bị đưa xuống làm bảo vệ, công nhân vệ sinh...

Bản thân đã nghiện rượu, cùng lúc xảy ra quá nhiều yếu tố xấu tác động khiến chứng rối loạn tâm thần do nghiện rượu của ông càng nặng hơn. Ngay cả gia đình cũng không còn tin tưởng theo cùng ông trong việc điều trị. Trong khi đây lại là yếu tố quan trọng giúp bệnh tình bệnh nhân thuyên giảm.

Dẫn ra câu chuyện này, tôi cho rằng giải pháp triệt để cho vấn đề hạn chế bia rượu không chỉ nằm ở một cá nhân hay một tổ chức mà phải đồng bộ. Từ việc tuyên truyền của xã hội, quản lý của cơ quan chức năng, giáo dục trong gia đình, đặc biệt là nhận thức của mỗi cá nhân.

Rượu bia ở độ cồn nào cũng có thể gây hại nếu lạm dụng

PGS.TS Vũ Trường Khanh - khoa tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai - cho biết thành phần chính trong rượu là etanol, khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành axit andehit gây tổn thương đến tế bào gan, các cơ quan tiêu hóa.

Nhiều nghiên cứu cho thấy mức giới hạn hấp thụ an toàn của rượu với nam giới là dưới 40g cồn/ngày và nữ giới là dưới 20g cồn/ngày, nếu hấp thụ quá mức này thời gian dài sẽ khiến gan tổn thương.

Tuy nhiên, với cách uống rượu như đã nêu thì không ai kiểm soát được lượng cồn hấp thu vào cơ thể. Ngay cả với rượu vang thông thường là 12 độ, nhưng khi uống với 50ml đã tương đương 60g cồn, tức quá tiêu chuẩn của một người bình thường có thể uống.

Hay như bia 5 độ nhưng không ai uống 100ml bia, mà có thể uống tới 1 lít hoặc 2 - 3 lít/lần, tương đương hấp thụ 50 - 150g cồn thì không khác uống một ly 100ml rượu nặng 50 độ.

Còn theo ông Nguyễn Danh Sinh - nguyên chủ nhiệm khoa thăm dò chức năng Bệnh viện ĐH Giao thông vận tải, nếu sử dụng hợp lý (uống đều đặn trong giới hạn an toàn), rượu bia có thể có ích với sức khỏe.

Nhưng nếu không được kiểm soát và bị lạm dụng, rượu bia có thể gây những hậu quả xấu đối với sức khỏe, đặc biệt là gan, thận, hệ thần kinh, có thể gây ra ngộ độc cấp tính với triệu chứng nhẹ thường là nói nhiều, rối loạn hành vi, lời nói, nặng có thể gây ảo giác, hoang tưởng, hôn mê, suy hô hấp...

Q.LIÊN

Con mong gì khi cha nghiện rượu

Đọc bài “Mong chồng bớt nhậu về với vợ con” (Tuổi Trẻ ngày 23-11), tôi lại nhớ đến M. - đứa học trò bé nhỏ của tôi năm học vừa qua.

Đầu năm học, tôi thường tìm hiểu gia cảnh từng học sinh. Tôi luôn chú ý đến các cháu học sinh mồ côi, có cha mẹ ly hôn hoặc vì lý do nào đó không sống cùng cha mẹ... Những học sinh này thường học yếu kém, nghỉ học nhiều, đi trễ hoặc nghịch phá quá mức. Đáng buồn là số học sinh có cha mẹ ly hôn mỗi năm ngày càng nhiều.

Khi hỏi thăm đến hoàn cảnh của M., tôi được biết em không có cha, hiện sống với mẹ và em của mình. Dò hỏi, M. cho tôi biết gia đình em sống ở một vùng quê miền Tây Nam bộ. Cha em nghiện bia rượu nặng. Mặc dù mẹ và em khuyên can nhiều nhưng ngày nào cha em cũng uống.

Mỗi khi uống nhiều, cha em lại đánh mắng vợ con dã man. Em và mẹ nhiều lần vào bệnh viện vì những trận đòn của cha mình. M. kể mẹ dẫn hai con trốn về ngoại, qua nhà dì, đến bất kỳ người quen nào ở cha cũng tìm đến đánh đập, lôi về và chửi mắng người chứa chấp.

Vì vậy cách đây hai năm, mẹ em M. dẫn hai con trốn lên thành phố sinh sống và không dám cho bất cứ người thân nào biết địa chỉ nhà trọ của mình vì sợ chồng dò la tìm đến. Bà ngoại bệnh nặng, mẹ em không dám về thăm, sợ cha canh bắt.

Tôi hỏi em có khi nào nhớ cha không, em im lặng một lúc rồi nói: “Con mong mình đừng bao giờ gặp lại ba!”. Tôi thật sự lặng người với câu trả lời của em.

Có gì đau đớn hơn khi con cầu mong đừng bao giờ gặp lại cha! Và nếu như con cũng giống cha nghiện bia rượu thì cái vòng luẩn quẩn ấy đến bao giờ dứt?

LÊ PHƯƠNG TRÍ

L.ANH - D.NGUYỄN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp