02/11/2015 11:52 GMT+7

​Kê biên tài sản ngay khi có dấu hiệu tham nhũng

V.V.THÀNH ghi
V.V.THÀNH ghi

TTO - Ông Phạm Anh Tuấn, phó trưởng Ban Nội chính trung ương - nhấn mạnh biện pháp nêu trên trong cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng.

Ông Phạm Anh Tuấn - phó trưởng Ban Nội chính trung ương - Ảnh: V.V.T.

 

Có thể xem việc nộp lại tài sản tham nhũng là tình tiết giảm nhẹ

 

* Thưa ông, mới đây nhiều đại biểu Quốc hội nêu vấn đề năm 2015 thiệt hại do tham nhũng gây ra trên 950 tỉ đồng và gần 10.000m2 đất, nhưng thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đạt 55,8% về tiền và 29,2% đất. Như vậy tài sản tham nhũng thu hồi rất thấp. Cử tri cho rằng đó là vấn đề “hi sinh đời bố, củng cố đời con”. Ông nghĩ sao?

- Hiện việc thu hồi tài sản tham nhũng có hai vấn đề. Một là chúng ta phải tạo ra được cơ chế ngầm động viên, khuyến khích người phạm tội tham nhũng nộp lại tài sản tham nhũng bằng các quy định pháp luật.

Ví dụ như xem việc nộp lại là tình tiết giảm nhẹ đáng kể, cá biệt còn có thể khoan hồng khi mà anh tự giác nộp lại toàn bộ hay là nộp lại cơ bản tài sản tham nhũng. Tất nhiên phải là loại tội phạm tham nhũng không quá nghiêm trọng thì chúng ta mới có chính sách khoan hồng, với mục đích kích thích những người khác nhìn gương đó.

Hai là thu hồi bằng pháp luật, tức là bằng những biện pháp hình sự, hành chính, kinh tế. Đó là những biện pháp bắt buộc đương nhiên phải làm nhằm khắc phục hậu quả.

* Có ý kiến đề xuất biện pháp mạnh là lấy khắc phục hậu quả (nộp lại tài sản tham nhũng) thay thế hình phạt hình sự?

- Hiện nay còn có nhiều ý kiến khác nhau. Trong hoàn cảnh hiện nay thì cá nhân tôi cho rằng chưa phù hợp. Khi đất nước phát triển ở mức độ nào đó thì có thể áp dụng biện pháp này được, chứ hiện nay làm như vậy sẽ dẫn đến câu chuyện người ta sẵn sàng tham nhũng, mà ở ta như báo chí đã phản ánh tham nhũng vặt là nhiều.

Tham nhũng lớn đương nhiên phải xử lý theo pháp luật. Nhưng tham nhũng vặt, nếu cho khắc phục hậu quả thay thế hình phạt hình sự, người ta sẵn sàng trả lại khi bị phát hiện, còn không bị phát hiện thì thôi. Rõ ràng mặt tiêu cực nhiều hơn là mặt có lợi.

Một vấn đề nữa là nếu như dùng tiền khắc phục được, để rồi thay thế hình phạt thì vô hình trung anh có tiền là anh đứng trên pháp luật hay sao.

* Ông vừa đề cập đến tham nhũng vặt. Ngay trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội cũng nêu nạn sách nhiễu, tham nhũng vặt còn phổ biến, gây bức xúc trong xã hội. Làm sao giảm được vấn nạn này?

- Tham nhũng vặt chủ yếu xảy ra trong mối quan hệ giữa cơ quan công quyền với người dân và doanh nghiệp, xảy ra thường ngày, như khi người dân đi xin giấy phép, xin nhập học, tham gia giao thông… Đây là hệ quả của hệ thống hành chính chưa công khai, minh bạch đầy đủ.

Nếu chúng ta thực hiện tốt hơn công khai, minh bạch thì “đất” cho nạn sách nhiễu sẽ không còn nhiều.

Ở Trung Quốc người ta dùng một khái niệm là “nhốt” quyền lực trong “chiếc lồng chế độ”. Tại sao là nhốt trong chiếc lồng mà không phải là chiếc hộp? Vì chiếc lồng thì thông suốt, người ngoài có thể nhìn vào được, giám sát được, như vậy thì mới chống được tham nhũng.

Áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt

 

* Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đề xuất quy định tội phạm tham nhũng chỉ được xét đặc xá, tha tù trước thời hạn khi nộp lại ít nhất 80% thiệt hại về tài sản đã gây ra cho nhà nước. Ông có đồng tình?

- Thực ra 80%, hay 90%, hay 75% đều là những tỉ lệ tương đối. Hiện nay chưa có căn cứ nào để nói tại sao dùng tỉ lệ này mà không dùng tỉ lệ khác. Có thể chọn con số 80% để nói rằng như vậy là anh đã khắc phục về cơ bản. Thường thì không phải người ta tham nhũng 100 đồng, trong nhà vẫn còn 100 đồng, cho nên vấn đề ở đây là xác định anh đã khắc phục ở mức cao nhất có thể.

* Làm sao để thu hồi được tài sản tham nhũng ở mức tối đa?

- Việc thu hồi tài sản tham nhũng đừng nên bị động chạy theo, đừng khi nào chờ bản án có hiệu lực pháp luật hoặc tòa án kết án là có tội thì lúc đó mới nghĩ đến chuyện thu hồi tài sản. Tội phạm tham nhũng khi tham nhũng đến đâu thì nghĩ cách tẩu tán, chuyển hóa tài sản đến đó.

Chính vì vậy, khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng thì phải áp dụng kịp thời những biện pháp bảo đảm thu hồi.

Ví dụ như kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản hoặc là các biện pháp kiểm soát đặc biệt mang tính chất nghiệp vụ của các cơ quan chức năng để đối tượng không có cơ hội tẩu tán tài sản.

Làm như vậy, đến khi bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật thì mới có cơ sở để thu hồi.

Trước đây chúng ta thường quá tập trung vào việc chứng minh tội phạm, cho nên có lúc không để ý hết đến việc khắc phục hậu quả, mà hậu quả ở đây chính là tài sản bị chiếm đoạt.

Hiện nay có những bản án tuyên mà tài sản phải khắc phục hay là thu hồi rất lớn, lên đến hàng trăm tỉ đồng, chúng ta chưa thu hồi được đồng nào.

* Một số đối tượng tham nhũng có xu hướng tẩu tán tài sản tham nhũng ra nước ngoài khiến việc thu hồi rất khó?

- Đây là thách thức đối với chúng ta. Ở đây cần có sự hợp tác quốc tế, ngoài nguyên tắc có đi có lại (chúng ta hỗ trợ các nước khác và ngược lại) thì cần tính đến việc ký các hiệp định tương trợ tư pháp song phương, trong đó có nội dung về thu hồi tài sản của người tham nhũng tẩu tán ra nước ngoài, như vậy thì chúng ta mới có cơ sở pháp lý để thu hồi.

Tôi nghĩ rằng trường hợp (trong vụ Vinashin) tẩu tán tài sản tham nhũng ra nước ngoài không phải là duy nhất.

* Chúng ta đặt ra mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tuy nhiên đại biểu Quốc hội cho rằng lâu nay chỉ là phòng ngự, cầm cự, hi vọng đến năm 2018 hoặc 2020 mới có thể phản công. Ông nghĩ sao?

- Tôi nghĩ rằng đó là những cách nói mang tính chất hình ảnh thôi. Tham nhũng là khuyết tật của quyền lực, đừng nghĩ rằng ngày một ngày hai chúng ta chống được ngay.

Còn câu chuyện tại sao đến 2020 thì có lẽ chỉ mang tính chất ước đoán rằng với sự phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay, với quyết tâm của các cơ quan chức năng và toàn xã hội như hiện nay thì đến khoảng đó mới có thể ngăn chặn và tiến tới đẩy lùi tham nhũng.

Trên thực tế hiện nay tham nhũng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi vì quyết tâm thì có nhưng gặp khó khăn, trở ngại rất lớn.

* Vậy ông nghĩ sao về đề xuất lập cơ quan chống tham nhũng độc lập ở cấp trung ương?

- Về mặt tổ chức, việc lập ra một cơ quan như vậy phải tương thích với tổ chức cơ quan điều tra và các cơ quan tố tụng khác, bởi vì tham nhũng cũng là một loại tội phạm trong rất nhiều loại tội phạm khác, bên cạnh tội phạm tham nhũng còn có tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm ma túy, tội về trật tự an toàn xã hội…

Thành lập cơ quan chống tham nhũng độc lập thì việc chúng ta phải tính đến, nhưng phải tính cho kỹ, làm sao không xung đột, không chồng chéo, phù hợp với hệ thống pháp luật và thực trạng hiện nay. Đó là ý tưởng, nhưng để thành hiện thực có lẽ phải tính nhiều yếu tố nữa.

“Ban Nội chính trung ương đã nắm được thông tin vụ đòi phản ánh trên báo Tuổi Trẻ. Hiện vụ việc này đang thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM, cụ thể là Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM phải kiểm tra, chúng ta chờ kết quả chính thức”.

 

V.V.THÀNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp