Phóng to |
Người nông dân trông chờ bán tài sản của Toàn Phát để trả nợ nhưng hiện cơ quan công an đã kê biên và cho đơn vị khác thuê lại - Ảnh: N.H. |
Theo các bản án của TAND huyện Lai Vung, Công ty Toàn Phát thiếu nợ 10 hộ dân với số tiền khoảng 9 tỉ đồng. Để đảm bảo thi hành án, cơ quan thi hành án huyện Lai Vung đã ra quyết định kê biên cưỡng chế thi hành án (ngày 11-11-2011) và thông báo phát mãi (ngày 12-3-2012). Tài sản thi hành án kê biên và phát mãi là “các công trình gắn liền với diện tích 15.044m2 đất của Công ty TNHH SXTM Toàn Phát tại xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp”.
Thế nhưng tháng 3-2012, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Chi cục thi hành án Lai Vung tạm hoãn việc thi hành án. Lý do theo cơ quan điều tra là toàn bộ tài sản của Công ty Toàn Phát đã thế chấp vay tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB). Do Toàn Phát không có khả năng trả nợ, SCB đã liên hệ với DNTN Thanh Hải để lập biên bản thỏa thuận ba bên, theo đó Toàn Phát bán tài sản đã thế chấp cho DNTN Thanh Hải và Thanh Hải trở thành đơn vị thế chấp tài sản cho SCB. Đến tháng 6-2010, do DNTN Thanh Hải không tiếp tục trả nợ gốc, SCB đưa vụ việc ra tòa. TAND tỉnh Đồng Tháp chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra vì cho rằng “vụ án có dấu hiệu hình sự”. Tháng 4-2012, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Tháp đã khởi tố bắt tạm giam ông Lê Thanh Hải, giám đốc DNTN Thanh Hải, về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngày 7-7-2012, Cơ quan cảnh sát điều tra (PC45) Công an tỉnh Đồng Tháp đã ký hợp đồng cho Công ty TNHH thương mại dịch vụ Phước Anh thuê lại tài sản đã kê biên. Thời hạn cho thuê là sáu tháng kể từ ngày ký hợp đồng (9-7-2012) và giá thuê toàn bộ tài sản là 300 triệu đồng/tháng. Tiền thuê sẽ được chuyển cho chủ tài khoản là PC45 Công an tỉnh Đồng Tháp.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Thành Lơ - nguyên chi cục trưởng Chi cục thi hành án huyện Lai Vung, hiện là chấp hành viên Cục thi hành án tỉnh Đồng Tháp - cho biết ngày 6-8-2012, ban chỉ đạo thi hành án tỉnh Đồng Tháp họp liên ngành và có yêu cầu Chi cục thi hành án huyện Lai Vung tạm dừng việc thông báo bán đấu giá tài sản của Công ty Toàn Phát cho đến khi có ý kiến chỉ đạo mới. Ngoài ra, ông Lơ cũng cho biết chi cục đã hỏi Cục Thuế tỉnh Đồng Tháp và được trả lời rằng hóa đơn của Công ty Toàn Phát chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho DNTN Thanh Hải là không hợp lệ, vì các hóa đơn của Toàn Phát đã không còn giá trị sử dụng, do đó tài sản nói trên vẫn còn thuộc quyền sở hữu của Công ty Toàn Phát. Hơn thế, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất Sở Tài nguyên - môi trường Đồng Tháp cũng thông tin rằng hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa Công ty Toàn Phát và DNTN Thanh Hải không giải quyết được do các bên chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đầy đủ.
Trong khi đó ngày 23-2, đại tá Dương Anh Kiệt, trưởng phòng PC 45 Công an tỉnh Đồng Tháp, vẫn cho rằng việc thi hành án huyện Lai Vung kê biên tài sản của Toàn Phát để làm căn cứ trả nợ cho người dân là không đúng với bản chất của vụ việc, bởi tại thời điểm thi hành án huyện Lai Vung kê biên, tài sản của Toàn Phát đã bán cho DNTN Thanh Hải và Thanh Hải cũng đã thế chấp tại SCB. Ông Kiệt cũng nói chuyện PC45 cho thuê lại tài sản đã kê biên là “đúng quy định của pháp luật. Số tiền cho thuê chúng tôi để trong tài khoản tạm giữ. Sau khi tòa án xét xử, số tiền này sẽ tính vào chuyện nợ nần của các bên có liên quan chứ không phải thuộc tài sản của PC45”.
Hiện 10 hộ dân nuôi cá vẫn mong mỏi cơ quan thi hành án bán đấu giá tài sản của Công ty Toàn Phát để trả cho họ.
Kê biên trùng là không đúng luật Hiện nay, chưa thấy quy định nào cho phép cơ quan điều tra có quyền ra quyết định đình chỉ hoặc tạm hoãn quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự. Vì vậy, theo chúng tôi, việc tạm dừng thi hành án của cơ quan thi hành án vì lý do cơ quan điều tra “chen ngang” trong trường hợp này là chưa đúng luật và có dấu hiệu xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án. Việc Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Tháp ra quyết định kê biên tài sản mà trước đó cơ quan thi hành án đã kê biên (kê biên trùng) cũng không đúng pháp luật. Sau khi kê biên, cơ quan cảnh sát điều tra lại ký hợp đồng cho bên thứ ba thuê cũng là việc làm trái luật, cần phải chấm dứt ngay lập tức. Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với việc xử lý tang vật, vật chứng vụ án hình sự, không quy định nào cho phép cơ quan cảnh sát điều tra trong quá trình kê biên được quyền ký hợp đồng cho thuê lại. Luật sư NGUYỄN VĂN ĐỨC (Đoàn luật sư tỉnh Bình Phước) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận