Một người đàn ông đi ngang một chiếc xe bị đốt cháy trong cuộc biểu tình tại thành phố Almaty, Kazakhstan, ngày 6-1 - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin TASS, Bộ Nội vụ Kazakhstan là bên công bố con số trên vào ngày 6-1.
Trước đó, phía cảnh sát cho biết họ đã "tiêu diệt hàng chục kẻ tấn công cực đoan", khi đám đông biểu tình xông vào các tòa nhà hành chính ở thành phố Almaty đêm 5-1. Đây là cuộc biểu tình bạo lực nghiêm trọng nhất tại Kazakhstan kể từ lúc giành độc lập sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ vào năm 1991.
Cũng trong ngày 6-1, Hãng tin RIA dẫn lời Đại sứ quán Kazakhstan tại Uzbekistan, thông báo Kazakhstan sẽ tạm thời đóng cửa với người nước ngoài.
Theo Hãng tin Reuters, Nga thông báo sẽ tham vấn cùng Kazakhstan và các đồng minh khác về các bước tiếp theo trong nỗ lực “chống khủng bố" và mở lại các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu tại Kazakhstan.
“Chúng tôi cho rằng những sự kiện xảy ra gần đây tại quốc gia thân thiện này là một mưu đồ, do các phần tử bên ngoài chống lưng, nhằm đe dọa an ninh, tính toàn vẹn của đất nước này bằng vũ lực, lợi dụng các nhóm vũ trang được đào tạo và có tổ chức”, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố.
Nga đã cử lính nhảy dù tới Kazakhstan. Đây là một phần của lực lượng gìn giữ hòa bình của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu.
Lên tiếng về tình hình trong khu vực, Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi Nga tôn trọng chủ quyền và độc lập của Kazakhstan. Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) cũng yêu cầu tất cả các bên kiềm chế.
“Bạo lực phải dừng lại. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và đề ra giải pháp hòa bình cho tình hình hiện nay. EU sẵn sàng hỗ trợ để tạo kênh đối thoại tại quốc gia này (Kazakhstan)’, người phát ngôn của EU nói.
Các cuộc biểu tình lan rộng trong tuần này vì những bất bình trước việc tăng giá khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) trong năm mới. Người biểu tình cho rằng việc tăng giá là không công bằng vì Kazakhstan có nguồn dự trữ năng lượng khổng lồ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận