K+ thua lỗ là do chiến lược kinh doanh truyền hình giá cao không phù hợp với thị trường VN. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Reuters |
Chúng tôi vừa có được một văn bản cho thấy K+ lỗ nặng nhưng vẫn đeo bám việc mua bản quyền EPL với giá cao...
Lỗ lũy kế đến hết năm 2015 của K+ là 1.979 tỉ đồng, theo tính toán của Canal+ International Development (CO), năm 2016 K+ tiếp tục quay lại chu kỳ lỗ với số lỗ là 260 tỉ đồng. Trong khi đó vốn hoạt động chủ yếu của K+ là vốn vay (66/86 triệu USD), chiếm 77%, nguyên chi phí trả lãi vay đã lên tới 100 tỉ đồng/năm. Đây là một trong những nội dung mới được Đài truyền hình VN (VTV) báo cáo Chính phủ trong công văn do phó tổng giám đốc VTV Nguyễn Thành Lương ký.
Nắm 51% vốn điều lệ, VTV không có quyền điều hành K+
Báo cáo về tình hình tổ chức hoạt động, quản lý vốn, tài sản nhà nước tại K+, VTV khẳng định đang nắm giữ 51% vốn điều lệ tại K+. Tổng số vốn góp của VTV và CO là 20,1 triệu USD, trong đó CO góp 9,8 triệu USD bằng tiền mặt, VTV góp 10,2 triệu USD bằng tài sản quy đổi.
Kết quả kinh doanh từ năm 2009-2015 cho thấy số lượng thuê bao của K+ đã tăng từ 95.000 (năm 2009) lên 803.229 vào năm 2015. Tổng doanh thu tăng từ 24,6 tỉ đồng (năm 2009) lên 1.269 tỉ đồng (2015). Lãi + lỗ trước lãi vay từ -59,5 tỉ đồng (năm 2009) xuống còn -11 tỉ đồng (2015). Lãi + lỗ sau lãi vay tăng từ -59,5 tỉ đồng (năm 2009) lên -83 tỉ đồng (2015). Hiện nay K+ có 280 nhân viên, nộp ngân sách nhà nước năm 2015 là 173,6 tỉ đồng.
Theo báo cáo của VTV, phần vốn nhà nước tại K+ do VTV quản lý đến nay không có gì thay đổi, vốn bổ sung hoạt động kinh doanh của K+ từ khi thành lập đến nay chủ yếu bằng nguồn vốn vay do phía CO bảo lãnh. Theo thỏa thuận hợp tác giữa VTV và CO, K+ đã đạt điểm hòa vốn vào tháng 6-2015, nhưng đến hết năm 2015 kết quả kinh doanh của K+ vẫn lỗ 83 tỉ đồng, lỗ lũy kế đến hết năm 2015 là 1.979 tỉ đồng. Vốn hoạt động chủ yếu của K+ là vốn vay (66/86 triệu USD), chiếm 77%. Do kinh doanh chủ yếu bằng nguồn vốn vay, hiện tại chi phí trả lãi vay của K+ mỗi năm là hơn 100 tỉ đồng. Dù nắm 51% vốn điều lệ nhưng theo báo cáo của VTV, công tác điều hành của K+ phụ thuộc hoàn toàn vào CO chứ VTV không có vai trò điều hành K+.
VTV đánh giá có rất nhiều rủi ro
Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng kinh doanh thua lỗ của K+, báo cáo cho biết nguyên nhân chủ quan dẫn đến thua lỗ là do chiến lược kinh doanh truyền hình giá cao không phù hợp với thị trường VN. Tổ chức hoạt động kinh doanh chưa linh hoạt, nhạy bén nên để mất thị trường vào tay các đối thủ khác. Từ năm 2016, CO đề xuất thay đổi chiến lược kinh doanh của K+ theo hướng giảm giá thuê bao còn 125.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, kế hoạch kinh doanh dựa trên việc thay đổi chiến lược giá vẫn khiến K+ thua lỗ dự báo 260 tỉ đồng vào năm 2016, 120 tỉ đồng vào năm 2017.
Trước tình trạng kinh doanh hiện nay của K+, VTV đánh giá có rất nhiều rủi ro khi duy trì hoạt động của đơn vị này. Theo VTV, hiện nay K+ đang lỗ 1.979 tỉ đồng, khoản vay nợ khoảng 1.800 tỉ đồng, nếu duy trì tình trạng hiện tại sẽ tiếp tục lỗ trong vài năm tới, kể cả khi có lợi nhuận vì phải trả lãi vay hơn 100 tỉ đồng/năm, chưa kể trượt giá. Theo chỉ đạo của Chính phủ, VTV sẽ triển khai thực hiện các giải pháp quản lý để tránh rủi ro và giảm thiểu thiệt hại đối với phần vốn nhà nước tại K+. Cụ thể, đàm phán với CO về thỏa thuận hợp đồng liên doanh và điều lệ công ty chưa phù hợp; chỉ đạo người đại diện của VTV tại K+ tích cực tìm giải pháp tăng thu - giảm chi phí, đảm bảo kinh doanh có hiệu quả và giảm lỗ; trường hợp áp dụng mọi giải pháp vẫn không đạt được các mục tiêu, VTV đề nghị thoái vốn nhà nước tại K+ trình Thủ tướng xem xét.
* Luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TP.HCM): VTV chịu thiệt hại Trong các liên doanh mang yếu tố nước ngoài, các công ty ngoại thường có mạng lưới công ty mẹ, công ty con dễ dàng tiến hành các hoạt động chuyển giá. Việc duy trì khoản lỗ lâu sẽ ăn dần vào vốn góp trong liên doanh, dẫn đến đối tác phải góp thêm. Trong khi đó các công ty VN lại không kiểm soát được điều này. VTV muốn rút lui cũng không dễ, do muốn rút họ phải tìm được đối tác phù hợp chấp nhận mua lại phần góp này, hay nói cách khác mua lại khoản lỗ của VTV. Nếu nhìn về doanh thu, tăng trưởng thuê bao và giá trị thương hiệu thì K+ đang là liên doanh hiệu quả. Nhưng báo cáo tài chính cho thấy K+ đang lỗ sâu, tức là chuyển lỗ lũy kế nhiều năm vẫn lỗ chưa phục hồi và lý do là nguồn chi quá lớn. Theo quan sát, nguyên nhân chính dẫn đến lỗ ở đây cả khách quan và chủ quan là phía đối tác ngoại trong liên doanh đang muốn lỗ, nhưng họ hoàn toàn không lỗ mà VTV mới là đơn vị thiệt hại với đà lỗ sâu của K+. Cũng đáng chú ý, để có đủ vốn đầu tư sau khi ra đời, ngoài vốn điều lệ, K+ đã vay thêm nhiều chục triệu USD từ công ty mẹ Canal+ (Pháp). Thứ nhất, trong quan hệ mua bán dịch vụ đối tác ngoại có mạng lưới dịch vụ rộng khắp sẵn sàng chuyển giá (phần cứng lẫn phần mềm), điều này là dễ hiểu vì VTV không thể quản lý và giám sát các khoản chi bắt buộc và hợp lý này. Thứ hai, đối tác của Canal + trong liên doanh là VTV - đài truyền hình quốc gia - nên thương hiệu K+ không mấy giá trị so với VTV, nhưng so với K+ nó có giá trị cực kỳ cao bởi tính độc quyền hiện nay tại VN và số lượng thuê bao tham gia. Thứ ba, về đặc thù quy định lĩnh vực truyền hình buộc phải đầu tư liên doanh thì không gì hiệu quả hơn là đầu tư với VTV. Tốc độ phát triển của liên doanh rất nhanh với doanh thu lớn có thể sẽ khiến Canal+ muốn đẩy VTV ra khỏi miếng bánh bằng chiêu bài “báo lỗ” lợi cả đôi đường. VTV đi cũng không được, ở lại cũng không xong nên phần quyết định cuộc chơi bây giờ do Canal+. Và tất nhiên, đối tác mua lại phần lỗ của VTV cũng sẽ do K+ (tức Canal+) chi phối quyền kiểm soát. Trong trường hợp này, cần phải kiểm toán thật kỹ, tìm ra các mối quan hệ liên kết chứng minh hành vi chuyển giá để cố tình “lỗ”. Ngoài ra, định giá lại thương hiệu để giành phần thắng trong cuộc đàm phán mà Canal+ đang đánh giá nó là cuộc tháo lui thất bại của VTV. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận