Người hâm mộ K-pop tại Lễ hội K-pop thế giới ở Hi Lạp năm 2018 - Ảnh: Korea.net
1 Chỉ mấy bữa trước, êkip của Donald Trump cho biết đã có 1 triệu lượt đăng ký tham gia sự kiện vận động tranh cử tại Oklahoma. Thế mà đến ngày diễn ra, khán đài lại khá vắng vẻ. Lý do thật không ngờ: phần lớn những người đăng ký là cộng đồng fan K-pop và người dùng Tiktok, và họ chỉ muốn phá bĩnh ông Trump.
Sau việc nhóm BTS đóng góp 1 triệu USD cho phong trào Black Lives Matter, đây thực sự là một bước ngoặt của K-pop.
Năm 2016, khi Triều Tiên tuyên bố đã thử nghiệm thành công bom hydro, Hàn Quốc đã chĩa vài chục chiếc loa xếp san sát về phía biên giới với Triều Tiên mà oang oang những bản nhạc màu mè của Apink hay Big Bang.
Tưởng như có gì đó lầm lẫn khi đáp trả tuyên bố đanh thép của nước láng giềng bằng những giai điệu xập xình như trong một buổi tiệc tùng trung học, nhưng phải nghe những lời ca ngọt như đường phèn - nào là "Hãy để ta chỉ yêu nhau thôi, đừng gây lộn nữa", nào là "Đôi khi chúng mình nghi kỵ và tranh luận, nhưng em vẫn cứ yêu anh" - ta mới thấy chẳng có lầm lẫn nào ở đây hết.
2 K-pop đã luôn và sẽ luôn là một vũ khí chính trị của những thiết chế chính trị Hàn Quốc hiện đại, cũng như năm xưa rock "n" roll là "công cụ" gây mê mà phương Tây sử dụng để thu phục thanh niên ở những quốc gia đối địch. Các thanh niên thời đó cho rằng: à, nếu phương Tây đã sản sinh ra rock "n" roll tuyệt vời như thế thì chắc chắn phương Tây cũng phải rất tuyệt vời!
Nhưng khác biệt ở chỗ: dù K-pop là "một phiên bản hòa bình của bom nguyên tử", ta lại rất khó có thể tìm một ca khúc K-pop nào đó thẳng thừng và trần trụi thể hiện quan điểm chính trị.
Trong K-pop, không có cái kiểu Simon & Garfunkel lấy hẳn một bản tin thời sự với những sắc lệnh mới của tổng thống Johnson và những biến cố xã hội để làm nền cho bản nhạc của mình.
Cũng không có cái kiểu như Creedence Clearwater Revival nói toẹt ra rằng ca khúc của mình được gợi cảm hứng từ cuộc tình của con gái Nixon và cháu trai Eisenhower - những đứa trẻ sinh ra đã ngậm thìa bạc, trong khi chiến tranh Việt Nam đang leo thang đỉnh điểm.
Các ngôi sao K-pop đa số hát về tình yêu, sự tự do - những giá trị phổ quát lúc nào cũng đúng và muốn hiểu sao cũng được. Into the new world (Bước vào thế giới mới) - đĩa đơn đầu tiên của SNSD - có thể được hát vang trong hết cuộc biểu tình này tới cuộc biểu tình khác, nhưng rõ ràng nó không được viết ra cho mục đích ấy.
Cá biệt lắm mới có một BTS. Họ có một ca khúc với chủ đề "thìa bạc" đòi thay đổi trật tự xã hội bất công của Hàn Quốc nơi mà "chim khướu" không thể có đôi chân bạc triệu của "chim cò". BTS thậm chí giễu nhại phát ngôn gây sốc của bộ trưởng Bộ Giáo dục trong một ca khúc khác. Thế nhưng, ngay cả trong những ca khúc như thế, ta vẫn thấy có sự tiết chế để không chỉ thẳng mặt ai đó.
3 Việc cộng đồng hâm mộ K-pop, không do ai sai khiến cũng không do ai thao túng, tự bày ra một cái bẫy chơi khăm với vị tổng thống đương nhiệm Mỹ, nó cho thấy cộng đồng này đã lớn mạnh đến mức đủ sức làm chỗ dựa cho những thần tượng bày tỏ quan điểm chính trị thực sự của mình.
Các thần tượng sẽ không thể tránh khỏi điều đó. Hãy thử nghĩ về Taylor Swift - cô gái ngọt ngào thích hát về người yêu cũ - đến cuối cùng cũng không thể ngồi ngoài lề câu chuyện chính trị. Và K-pop, có lẽ đã đến lúc họ không thể đứng ngoài. Âm nhạc đại chúng và chính trị luôn song hành, công thức ấy không có ngoại lệ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận