Ông Mastellon trao đổi với Tuổi Trẻ. Ảnh: H.Đ |
Ông Mastellon cho biết Juventus sẽ xây dựng học viện ở TP.HCM với quy mô lớn. Như vậy, VN sẽ là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á có học viên của CLB lừng danh nước Ý này. Trên bình diện châu Á, Juventus từng xây dựng học viện ở Nhật Bản, Trung Quốc và Úc.
Vì sao Juventus lại quyết định chọn VN là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á để xây dựng học viện thưa ông?
Tất nhiên, chúng tôi đã làm những khảo sát kỹ càng về thị trường bóng đá ở VN trước khi muốn xây dựng dự án này. VN là một quốc gia đông dân, có tinh thần yêu bóng đá cuồng nhiệt và tôi được biết cũng có khá nhiều người hâm mộ bóng đá Ý ở đây. Những năm gần đây bóng đá trẻ ở VN cũng đang phát triển, Juventus hy vọng sẽ được góp một tay vào quá trình này.
Xin ông cho biết rõ hơn về kế hoạch của Juventus tại VN?
Juventus muốn xây dựng một dự án mà qua đó có thể phát triển, nâng tầm vóc của những đứa trẻ VN. Phát triển tầm vóc là gì? Chúng tôi không chỉ nói về mặt chuyên môn, tức gửi đến HLV, xây dựng giáo án hay đào tạo kỹ thuật. Học viện của Juventus tại VN sẽ bao gồm những công nghệ đào tạo tốt nhất của đội bóng, từ dinh dưỡng, khoa học cho đến việc xây dựng tinh thần tập thể, đào tạo tư duy… cho các cầu thủ trẻ.
Trước đây, từng có những lò đào tạo nước ngoài thất bại ở VN, liệu Juventus sẽ rút ra được kinh nghiệm khi xây dựng học viện?
Chúng tôi đã tìm hiểu điều này. Đây là một điều rất khó nói, mỗi một lò đào tạo có những tôn chỉ, cách thức phát triển khác nhau. Chúng tôi không đến đây và bảo sẽ mang các cầu thủ trẻ của VN sang Juventus hay các CLB khác ở nước Ý chơi bóng. Juventus muốn xây dựng một học viện với nền móng vững chắc từ CLB, đó là một đầu tư mang tính lâu dài và sự thành công không thể chỉ đánh giá qua vài năm.
Ngôi sao Nhật Bản Nakata từng gắn bó với Serie A đến 8 năm. Ảnh: YOUTUBE |
Liệu cầu thủ trẻ của VN sẽ có cơ hội sang châu Âu thi đấu trong tương lai với các học viện như của Juventus?
Đó là điều chắc chắn. Trong quá khứ, Serie A là giải đấu châu Âu đầu tiên chào đón những cầu thủ châu Á sang thi đấu. Ban đầu là tiền đạo người Nhật Kazuyoshi Miura, rồi sau đó có Hidetoshi Nakata, Ahn Jung Hwan, Keisuke Honda… Các cầu thủ Nhật Bản và Hàn Quốc cho thấy họ đặc biệt thích nghi tốt với môi trường bóng đá ở Ý. Tố chất của người VN cũng có điểm tương tự.
Cầu thủ châu Á sẽ gặp khó khăn gì khi sang châu Âu thi đấu thưa ông?
Đầu tiên là ngôn ngữ. Nó sẽ dắt dây đến nhiều khó khăn khác như lối sống, văn hóa, khả năng hòa nhập vào cộng đồng của cầu thủ… Ngoài ra, tư duy chơi bóng cũng là một rào cản khác. Mỗi một nền bóng đá có một tư duy khác nhau về chiến thuật, cách di chuyển, cách xử lý trái bóng… Đó là điều các cầu thủ được đào tạo từ thuở bé nên rất khó để thay đổi nó, kể cả khi bạn ra nước ngoài chơi bóng từ thời trẻ.
Xin cám ơn ông!
Tuy không nổi danh như La Masia của Barca nhưng lò đào tạo trẻ của Juventus được đánh giá cao về độ hiệu quả. Có đến 66 % cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo của Juventus tại Ý trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, đây là một tỷ lệ cao đáng kể nếu so với các đội bóng ở Anh. Hiện phía Juventus chưa tiết lộ kế hoạch cụ thể nhưng nhiều khả năng học viện của họ sẽ được xây ở TP.HCM, và đại sứ cho chương trình này có thể là cựu danh thủ người Pháp David Trezeguet – người ghi đến 171 bàn thắng trong 11 mùa giải chơi bóng cho Juventus. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận